Những rào cản gây thiếu trầm trọng giáo viên ở Tây Bắc

Khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, việc tuyển dụng giáo viên ở địa phương luôn gặp khó khi nguồn tuyển ngày một khan hiếm. Đơn cử như năm vừa qua, Lào Cai tổ chức thi tuyển 2 đợt với tổng số 1.200 vị trí giáo viên, nhưng kết quả chỉ tuyển được 1/3.

Theo ông Mạc Trọng Khang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, việc tuyển dụng giáo viên ở địa phương luôn gặp khó khi nguồn tuyển ngày một khan hiếm. Đơn cử như năm vừa qua, Lào Cai tổ chức thi tuyển 2 đợt với tổng số 1.200 vị trí giáo viên, nhưng kết quả chỉ tuyển được 1/3. Không ít trường hợp thi đỗ xong không tới nhận việc. Không chỉ khan hiếm nguồn tuyển, một nguyên nhân nữa được ông Khang chỉ ra, đó là Luật Giáo dục năm 2019 yêu cầu chuẩn đầu vào nâng cao hơn nhiều so với trước.

Các thầy cô giáo đang nỗ lực dạy học trong bối cảnh thiếu giáo viên

"Trước kia giáo viên tiểu học chỉ yêu cầu trình độ trung cấp, nhưng bây giờ phải có trình độ đại học mới đáp ứng được vị trí việc làm. Tương tự, trung học cơ sở thì yêu cầu từ cao đẳng lên đại học, mầm non từ trung cấp lên cao đẳng. Chính vì thế có những giáo viên đã học xong rồi những vẫn phải đi học tiếp để hoàn thiện trình độ thì mới được đăng kí dự tuyển", ông Khang cho biết.

Một lí do khác mà các địa phương miền núi gặp khó khi giữ chân giáo viên là môi trường công tác chưa đủ hấp dẫn. Lựa chọn môi trường làm việc tốt hơn luôn là đích đến của những người trẻ, nên khi có cơ hội làm việc trong môi trường tốt hơn, thu nhập tốt hơn thì địa phương không thể giữ được thầy cô ở lại. Phương Anh một giáo viên trẻ quê ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũng đã chuyển về dạy học ở Hà Nội sau đúng 1 năm thử sức ở tỉnh miền núi này. Theo chia sẻ của Phương Anh, mỗi giai đoạn thì bản thân cũng có những suy nghĩ và nhu cầu khác nhau nên quyết định chuyển về Hà Nội: "Lúc đấy và trong thời điểm đấy thì lựa chọn về quê để gần gia đình và ổn định cuộc sống và suy nghĩ và mong muốn của em. Khi mình có cơ hội thì mình thay đổi thôi vì mình còn trẻ mà".

Tuyển được 120 giáo viên thì lại có 300 trường hợp nghỉ việc

Con số thiếu gần 1.000 giáo viên trong năm học này ở Lai Châu, thì theo thống kê của ngành giáo dục địa phương, cùng với việc học sinh tăng cơ học hàng năm, nguyên nhân thiếu là do nguồn tuyển đầu vào nhiều năm qua luôn ít hơn số lượng giáo viên chuyển vùng, chuyển ngành, nghỉ hưu và nghỉ việc.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngay từ trước năm học, UBND tỉnh Lào Cai đã có chỉ đạo tuyển dụng giáo viên hợp đồng. Thế nhưng, khi mới chỉ ký hợp đồng được 120 giáo viên trong tổng số 618 vị trí thì đã phải đối mặt với con số 300 trường hợp giáo viên nghỉ việc từ năm 2020 đến nay.

Kết quả điều tra dư luận xã hội đối với gần 9.000 trường hợp cán bộ, giáo viên địa phương mới được tỉnh Lào Cai công bố cho thấy, gần 70% người được hỏi cho rằng họ đang phải chịu áp lực cao đến rất cao.

Trường Tiểu học Lùng Vai (Mường Khương - Lào Cai) phải ghép lớp, kê bàn ghế ra sân mỗi giờ học tiếng Anh

Ông Dương Đức Huy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai nêu lý do:" Đúng là đáp ứng yêu cầu đổi mới thì giáo viên phải năng động hơn. Nhưng giáo viên thì có một lực lượng đã lớn tuổi, việc thay đổi phương pháp sẽ gặp trở ngại. Ngoài ra còn một bộ phận trước kia chưa được đào tạo bài bản, có cả trường hợp trình độ 9+1, 9+2 nên tiếp cận với Nghị quyết 29 gặp khó khăn, tâm lý thường không muốn thực hiện".

Theo bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, 10 năm qua, thành tích giáo dục của Lào Cai luôn đứng trong nhóm đầu khu vực, địa phương này cũng đang dần định vị thương hiệu là “điểm sáng” giáo dục vùng cao của cả nước. Nhưng, song song với thành tích, có 2 áp lực lớn nhất mà ngành đang phải đối mặt: "Một là mức sống hiện nay chưa đảm bảo nên các thầy cô phải bươn chải để lo cho gia đình mình. Hai là các kỳ thi, cuộc thi triển khai từ Trung ương đến tỉnh. Thống kê trong toàn ngành chúng tôi 1 năm có 15 cuộc thi chính thống từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn lại nhiều kỳ thi khác của các sở, ngành liên quan thì lực lượng chính cũng là các thầy cô và học sinh".

Cùng với áp lực công việc, thì bươn chải với cuộc sống mưu sinh cũng đang đè nặng lên vai những thầy cô giáo. Giáo dục vùng cao không đơn thuần là truyền đạt kiến thức khi mà các thầy cô phải vượt suối, trèo đèo đến từng nhà vận động cho con em đi học, đồng thời các thầy cô còn phải thay cha mẹ chăm sóc các em từng bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày.

Vì thế, thiếu nguồn tuyển chỉ là nguyên nhân bề nổi để lý giải tình trạng thiếu giáo viên ở các tỉnh Tây Bắc. Nguyên nhân sâu xa, cốt lõi vẫn là những áp lực quá lớn từ công việc, chế độ đãi ngộ chưa đủ để giáo viên vùng cao yên tâm với nghề. Giải pháp nào để gỡ “nút thắt này”, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong bài 3, cũng là bài cuối của loạt bài với nhan đề “Giải pháp nào để gỡ “nút thắt” trong thiếu giáo viên ở vùng cao Tây Bắc?

Nhóm PV/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-rao-can-gay-thieu-tram-trong-giao-vien-o-tay-bac-post1057558.vov