Nối gần những miền xa

Trên trục đường Xuyên Á của tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây từ Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam) có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, nhất là du lịch sinh thái, cảnh quan lịch sử... thu hút du khách các nước trong khu vực. Đã có thời điểm, tour du lịch đường bộ trên tuyến này rất tấp nập, nhộn nhịp. Đồng hành với du khách trên cung đường này là hướng dẫn viên du lịch. Họ được ví là người nối gần những miền đất xa...

Phasawat Long (hàng ngồi, thứ nhất từ trái sang) dẫn du khách Thái Lan thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh -Ảnh: T.B

Phasawat Long - giảng viên Trường Đại học Bangkok Thonburi, hướng dẫn viên du lịch: Luôn quảng bá, kết nối các điểm du lịch trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây

“Mình tên Phasawat Long, sinh năm 1973, tại Ubonratchathani, Thái Lan.Mình làm hướng dẫn viên du lịch hơn 20 năm rồi”, lời giới thiệu ngắn gọn của một chàng trai người Thái nói rất sõi tiếng Việt khiến tôi ngạc nhiên.

Nhưng hướng dẫn viên du lịch này còn khiến người khác bất ngờ với nhiều điều hơn thế, ví dụ như công việc hiện tại của anh là giảng viên dạy chuyên ngành du lịch tại Trường Đại học Bangkok Thonburi; là người rất am hiểu về lịch sử, văn hóa của các tỉnh miền Trung Việt Nam, trong đó có Quảng Trị.

Phasawat Long tốt nghiệp đại học ngành Quản lý nhân sự, được đào tạo hướng dẫn viên quốc tế. Chọn nghề hướng dẫn viên du lịch, với Phasawat Long, lý do duy nhất là vì đam mê. Từ năm 2004, chàng trai người Thái này đã khoác ba lô, cùng rong ruổi với du khách Thái Lan trên cung đường xuyên Á qua Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Lao Bảo. Mỗi điểm đến trên cung đường này đều để lại ấn tượng sâu sắc đối với Phasawat Long và anh đã truyền lại cho du khách cảm hứng, ấn tượng đó của mình.

“Với hướng dẫn viên du lịch, dù ở bất cứ quốc gia nào, điều quan trọng là phải giúp du khách yêu điểm đến của mình. Điều này đòi hỏi hướng dẫn viên phải am hiểu về văn hóa của vùng đất đó và thể hiện sự am hiểu bằng những thông tin mình cung cấp cho du khách”, Phasawat Long chia sẻ.

Tour caravan của du khách Việt Nam tại tỉnh Khonkhen (Thái Lan) -Ảnh: T.B

Tour du lịch theo đường xuyên Á có rất nhiều điều hấp dẫn, vì kết nối được 3 quốc gia trên một cung đường thuận lợi. Trên tuyến du lịch này, du khách sẽ được tìm hiểu về văn hóa 3 quốc gia Thái Lan - Lào -Việt Nam. Điểm hấp dẫn của tour du lịch này là một ngày du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực của 3 quốc gia như bữa sáng ở Thái, bữa trưa ở Lào và bữa tối ở Việt Nam. Theo Phasawat Long, du khách Thái rất thích du lịch đến các tỉnh miền Trung của Việt Nam, trong đó có Quảng Trị vì nơi đây có những điểm du lịch nổi tiếng và ẩm thực rất hợp với người Thái vì đậm vị và cay.

Tuy nhiên, khi đường bay thẳng từ Băng Cốc (Thái Lan)-Đà Nẵng (Việt Nam) được mở ra, lượng khách du lịch bằng đường bộ từ Thái Lan sang giảm nhiều so với trước đây. Vì thế, trong quá trình giảng dạy cho sinh viên cũng như dẫn tour, Phasawat Long đều quảng bá sự hấp dẫn của tour du lịch này. Theo Phasawat Long, để thu hút du khách lựa chọn tour du lịch đường bộ xuyên Á thì điều quan trọng nhất là các công ty du lịch phải làm cho khách thấy chương trình của mình thật đặc biệt. Các công ty du lịch ở Việt Nam cần phải hợp tác với nhau, cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ chứ không nên cạnh tranh về giá cả.

“Dù gắn bó với tour du lịch bằng đường bộ đã lâu, dù đã quá quen với hành trình và điểm đến trên cung đường này nhưng mỗi lần dẫn khách Thái Lan đến thăm các di tích lịch sử tại Quảng Trị như địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương là mỗi lần mình sống trong những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nói như vậy để thấy rằng sự trải nghiệm sẽ khác nhau ở mỗi thời điểm khác nhau và tour du lịch trên tuyến đường này vốn có sức hấp dẫn riêng của nó. Đây cũng chính là điều Phasawat Long muốn nói với du khách của mình mỗi lần dẫn tour”, Phasawat Long chia sẻ.

Phạm Thị Nha Trang, hướng dẫn viên của Công ty Greensea Travel Đà Nẵng: Đường bộ vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách Thái Lan

Những năm học tại Trường Ubon Ratchathani Rajabhat University chuyên ngành Quản trị kinh doanh đã giúp Phạm Thị Nha Trang (sinh năm 1982) có vốn tiếng Thái phong phú. Đây là một lợi thế để Trang theo đuổi công việc của một hướng dẫn viên du lịch, chuyên dẫn khách từ Thái Lan sang Việt Nam.

Khi đang học năm thứ 2 đại học, Nha Trang đã được các công ty du lịch mời làm phiên dịch tiếng Thái cho các tour sang Việt Nam bằng đường bộ. Từ công việc của một phiên dịch viên, Trang dần yêu thích và học thêm chứng chỉ hướng dẫn viên để gắn bó với công việc này đến tận bây giờ.

Nha Trang trong một chuyến dẫn khách du lịch Thái Lan thăm Việt Nam -Ảnh: T.B

Thường các tour du lịch đã được lên sẵn kế hoạch chi tiết nên quá trình dẫn tour không gặp mấy khó khăn. Nhưng điểm hấp dẫn du khách ngoài các điểm đến là sự hiểu biết và linh hoạt của hướng dẫn viên. “Biết được điều đó nên tôi luôn trau dồi kiến thức, tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa những vùng miền trong nước.

Tại Quảng Trị, mỗi lần du khách Thái tham quan cầu Hiền Lương và địa đạo Vịnh Mốc, nghe hướng dẫn viên kể câu chuyện về lịch sử của các địa danh này đều xúc động. Nhiều du khách đã bật khóc khi nghe kể về cuộc sống của người dân địa phương trong những năm tháng chiến tranh”, Nha Trang chia sẻ.

Ngày nay, khi đường bay thẳng được mở, du khách Thái có nhiều sự lựa chọn về phương tiện hơn để sang Việt Nam du lịch. Tuy nhiên, với người dân vùng Đông Bắc Thái Lan, đường bộ vẫn là ưu tiên số 1 bởi sự tiện lợi và được trải nghiệm nhiều điểm đến. Nhiều khách của Nha Trang đã nhiều lần quay trở lại trên tuyến đường này, trong đó ấn tượng nhất đối với cô là một nhà sư ở tỉnh Chanthaburi, miền Trung nước Thái.

Người này là khách của Trang trong một tour du lịch đường bộ sang Việt Nam rồi “bén duyên” cho đến bây giờ ngót đã gần 10 năm. Trong quãng thời gian đó, năm nào ông cũng có chuyến du lịch đến Việt Nam bằng đường bộ (trừ những năm xảy ra COVID-19) qua CKQT Lao Bảo rồi từ đây thăm Quảng Trị và tiếp tục di chuyển bằng các phương tiện khác nhau đến nhiều tỉnh, thành khác ở Việt Nam.

“Dù từ quãng đường từ tỉnh Chanthaburi đến Mudahan dài 600- 700 km, từ đó mới di chuyển sang Lào, Việt Nam nhưng năm nào cũng vậy, nhà sư cùng bạn hữu, gia đình mình đều lựa chọn tuyến đường này để du lịch sang Việt Nam. Ông còn mời gia đình Trang sang Thái Lan chơi, khi về còn gửi theo rất nhiều trái cây để làm quà”, Nha Trang kể.

Du lịch của người Thái phát triển từ rất lâu nên yêu cầu của du khách cũng rất cao, đòi hỏi hướng dẫn viên phải làm việc chuyên nghiệp. Vì thế, Nha Trang luôn cầu toàn trong công việc từ những chi tiết nhỏ nhất để làm hài lòng khách.

“Tôi bắt đầu đón tour từ CKQT Lao Bảo. Đoạn đường từ Hướng Hóa về Đông Hà có nhiều khúc cua, hướng dẫn viên có thể ngồi để thuận lợi cho việc thuyết minh. Tuy nhiên, tôi luôn đứng quay mặt về phía du khách để thuyết minh nhằm thể hiện sự gần gũi, tôn trọng, dù phải gồng cứng cả người để đứng cho vững. Nhiều đoạn tài xế phanh gấp khiến tôi bổ nhào về phía dưới”, Nha Trang chia sẻ.

Hiện tại, Nha Trang chủ yếu đón khách Thái sang Việt Nam tại sân bay. Tuyến đường bộ mỗi tháng cô chỉ dẫn một vài chuyến. Theo Trang, để thu hút khách du lịch trên tuyến đường này, Quảng Trị cần tăng cường công tác quảng bá; tạo các điểm du lịch mới và đầu tư xây dựng các khu giải trí để giữ khách lưu trú tại Quảng Trị.

Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1980), Giám đốc Công ty TNHH Du lịch lữ hành Việt Hà: Mong muốn giữ được khách lưu trú tại Quảng Trị

Anh Nguyễn Văn Hà là người hướng dẫn, điều hành các tour du lịch inbound (người nước ngoài vào Việt Nam) và outbound (khách Việt Nam ra nước ngoài) nhiều năm qua. Theo anh Hà, tour du lịch đường bộ qua tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây rất có tiềm năng để phát triển. Thời hoàng kim (từ năm 2006-2010), mỗi ngày có đến mấy chục chuyến xe dẫn khách du lịch hai chiều trên tuyến đường xuyên Á, nhiều nhất vẫn là chiều inbound. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, lượng khách bằng đường bộ trên tuyến này giảm dần.

Mặc dù ở miền Trung có nhiều cửa khẩu qua Lào, Thái Lan nhưng cung đường từ CKQT Lao Bảo sang các nước trên vẫn là cung đường ngắn và đẹp nhất. Sau dịch, các tour caravan (du lịch bằng xe tự lái) có xu hướng phát triển.

Điểm khác của tour du lịch này là du khách tự lái xe (ô tô từ 4-7 chỗ hoặc xe mô tô phân khối lớn); có giấy phép của Bộ Giao thông vận tải cấp; có xe dẫn đường và khóa đuôi; tham gia giao thông bên trái.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều du khách lựa chọn hình thức du lịch này là vì muốn được làm chủ phương tiện của mình ở một quốc gia khác và trải nghiệm cảm giác mạo hiểm trên những cung đường đèo dốc ở Việt Nam... Những năm gần đây, nhiều du khách Việt Nam cũng lựa chọn hình thức du lịch này qua CKQT Lao Bảo để sang Lào, Thái Lan.

Là người gắn bó với du lịch từ rất lâu, điều khiến anh Hà trăn trở là dịch vụ lưu trú ở Quảng Trị chưa đủ hấp dẫn để níu chân du khách. Vì vậy, Quảng Trị chỉ là điểm ghé thăm chứ không phải nghỉ lại. Du khách các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và Lào rất thích biển.

Hầu hết đều có chung cảm nhận biển Quảng Trị đẹp không kém những nơi khác của miền Trung. Tuy nhiên, họ chỉ ghé qua, tắm biển và rời đi vì khoảng cách giữa Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng quá gần, trong khi các dịch vụ phục vụ du lịch ở đây chưa phát triển.

“Khi thiết kế tour, chúng tôi cố gắng để giữ khách ở lại Quảng Trị một đêm nhưng sự lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về du khách. Người Thái, người Lào rất thích không khí sôi động, khác với khách du lịch Châu Âu ưa yên tĩnh. Vì thế, họ muốn nghỉ lại các thành phố có dịch vụ giải trí như Huế, Đà Nẵng”, anh Hà chia sẻ.

Để giữ chân khách du lịch, theo anh Hà, cần chú trọng đổi mới từ sản phẩm du lịch đến cơ sở hạ tầng và thái độ phục vụ. Trước đây, xu hướng của du khách là thăm các điểm tâm linh, di tích lịch sử nhưng nay du lịch biển đảo, sinh thái là sự lựa chọn của nhiều người. Muốn vậy địa phương phải có sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, đáp ứng thị hiếu của khách.

“Địa đạo Vịnh Mốc là địa điểm mà du khách Thái Lan và Lào không thể bỏ qua. Tuy nhiên, ở đây cơ sở vật chất chưa được đầu tư tương xứng như bãi đổ xe bố trí không hợp lý, nhà vệ sinh chưa hợp vệ sinh trong lúc vẫn thu phí dịch vụ của khách”, anh Hà ví dụ.

Bên cạnh đó, vai trò của hướng dẫn viên cũng rất quan trọng, họ chính là những người “thổi hồn” cho các chuyến tham quan của du khách. “Thông qua lăng kính của các hướng dẫn viên, những miền đất xa xôi trở nên gần gũi hơn trong mắt du khách, đọng lại trong họ những hình ảnh đẹp đẽ nhất về đất nước và con người Việt Nam.

Vì vậy, hướng dẫn viên không chỉ giỏi về mặt kiến thức mà còn có kinh nghiệm hướng dẫn, cách tổ chức đoàn và khả năng xử lý tình huống”, anh Hà cho hay.

Phan Hoài Hương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/noi-gan-nhung-mien-xa/182478.htm