Nước cờ mạo hiểm của ông Biden

Nhiều nước phương Tây không đồng tình với quyết định tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022, cho thấy sự rạn nứt giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden và các đồng minh.

Sau khi tuyên bố tẩy chay về ngoại giao với Olympic Bắc Kinh bằng cách không gửi quan chức tới tham dự, chính quyền Tổng thống Joe Biden nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng từ một số đồng minh chủ chốt. Nhưng đến lúc này, chiến thuật của Washington đang tỏ ra phản tác dụng, theo The Hill.

Đồng minh chia rẽ

Mục tiêu quyết định tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh của chính quyền Tổng thống Biden là nhằm công kích các chính sách gây tranh cãi của Trung Quốc ở Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng.

Nhà Trắng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa, các nhóm hoạt động, cùng các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Anh, Australia và Canada.

Thế nhưng sự ủng hộ không lan rộng như tính toán của Washington.

Pháp, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại châu Âu, cho biết vẫn cử quan chức ngoại giao tới Bắc Kinh tham dự thế vận hội mùa đông.

Paris tuyên bố phản đối sử dụng các sự kiện thể thao để gây sức ép cũng như chỉ trích Bắc Kinh.

Mỹ là nước mở màn chiến dịch tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Quyết định của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đã dội gáo nước lạnh cho Washington. Hôm 15/12, Thượng nghị sĩ Jeff Merkley của đảng Dân chủ công khai chỉ trích bước đi của Pháp tại cuộc họp của Thượng viện.

Nhưng Pháp không phải đồng minh duy nhất từ chối tẩy chay Olympic Bắc Kinh.

Hàn Quốc, một trong hai đồng minh quan trọng nhất tại Đông Á của Mỹ, cho hay sẽ không tham gia chiến dịch tẩy chay của Mỹ. Giới chức Hàn Quốc cho biết nước này cần hợp tác với Trung Quốc để xử lý cuộc khủng khoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Liên minh châu Âu đến nay chưa đưa ra quyết định cuối cùng về quan điểm chính thức của khối với Olympic Bắc Kinh. 27 thành viên của khối cũng đang có những sự chia rẽ về cách tiếp cận với sự kiện tổ chức ở Trung Quốc đầu năm 2022.

Tân Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên EU có phản ứng tập thể đối với Olympic.

Cùng với Pháp, Italy khẳng định sẽ không tham gia chiến dịch tẩy chay Olympic của Mỹ. Đáng chú ý, Italy sẽ là nước chủ nhà Olympic mùa đông 2026.

Na Uy, quốc gia thường có thành tích tốt tại các sự kiện Olympic mùa đông, dự kiến gửi cả đoàn vận động viên thể thao và quan chức ngoại giao tới Bắc Kinh, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Na Uy Henrik Thune cho biết.

"Nếu các hạn chế di chuyển và các yêu cầu phòng dịch khác vào thời điểm tháng 2/2022 cho phép, thành viên của chính phủ Na Uy sẽ có mặt tại cả Olympic và Paralympic Bắc Kinh", ông Thune cho hay.

Ngược lại, một thành viên EU khác là Lithuania cho biết sẽ không cử quan chức ngoại giao tới Bắc Kinh dự Olympic nhằm phản đối Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc đã khởi động chiến dịch tấn công về kinh tế nhắm vào Lithuania do xung đột xung quanh vấn đề quan hệ với Đài Loan.

Một đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á là Nhật Bản tuyên bố sẽ không cử quan chức ngoại giao dự Olympic Bắc Kinh. Trong khi đó, New Zealand cho biết quan chức ngoại giao nước này sẽ không xuất cảnh do lo ngại Covid-19.

Lợi bất cập hại

Một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Biden cho biết Washington không có ý định châm ngòi hay vận động một chiến dịch ở quy mô toàn cầu nhằm tẩy chay Olympic Bắc Kinh.

"Tuy nhiên, Mỹ đã tham vấn với các đồng minh, đối tác và thông báo với họ trước về quyết định của chúng tôi. Mỹ tin rằng mỗi quốc gia có quyền tự đưa ra quyết định của riêng mình", quan chức này tiết lộ.

Mary Gallagher, giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Đại học Michigan, cho rằng việc Mỹ không thể tập hợp sự đoàn kết của các đồng minh trong chiến dịch tẩy chay Olympic Bắc Kinh đã giúp Trung Quốc hưởng lợi.

Theo bà Gallagher, những chiến dịch tẩy chay như Washington khởi xướng đã giúp Bắc Kinh nhìn thấu những vấn đề sẽ tạo ra sự chia rẽ giữa Mỹ với các đồng minh, cũng như giữa các nước phương Tây nói chung.

"Trung Quốc có thể thấy bất đồng nằm ở đâu, cũng như quốc gia nào không sẵn sàng nghe theo sự hiệu triệu của Mỹ trong các vấn đề nhạy cảm", bà Gallagher nhận định.

Olympic Bắc Kinh dự kiến khai mạc tháng 2/2022. Ảnh: Reuters.

Quan điểm của bà Gallagher đồng thời phản ánh sự lo lắng trong toan tính của Quốc hội Mỹ.

"Tôi lo ngại sâu sắc rằng các đồng minh ít quyết tâm hơn nhiều so với chúng ta nhằm chặn đứng kế hoạch dùng Olympic làm công cụ tuyên truyền của Trung Quốc. Bắc Kinh đang lợi dụng sự kiện để lan truyền thông tin sai sự thật bằng mọi cách thức", Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal nói.

Trước đó, Trung Quốc đã chỉ trích việc Mỹ tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh, cho rằng Washington đi ngược lại tinh thần của sự kiện "vì những định kiến ý thức hệ, dựa trên những tin đồn dối trá".

"Mỹ vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trung lập chính trị của thể thao do Hiến chương Olympic lập ra, đi ngược lại tinh thần 'đoàn kết hơn nữa' của Olympic", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.

Các nhóm hoạt động cho biết đã tiếp xúc với Ủy ban Olympic một số nước, kêu gọi các tổ chức này hướng dẫn vận động viên tránh những tình huống mà bản thân họ có thể bị lợi dụng cho những mục tiêu chính trị nhạy cảm khi tham dự Olympic Bắc Kinh.

"Các vận động viên có thể được đề nghị chụp ảnh hoặc tham gia các hoạt động văn hóa trong thời gian Olympic. Các vận động viên cần rất thận trọng bởi những hoạt động như vậy có thể ẩn chứa hàm ý chính trị", Wangpo Tethong, giám đốc điều hành tổ chức vận động ICT, cảnh báo.

Quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Biden cho biết hy vọng Trung Quốc "bảo đảm an toàn" cho đoàn vận động viên Mỹ.

"Chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp an ninh ngoại giao, lãnh sự để bảo đảm các vận động viên, huấn luyện viên và thành viên đoàn được an toàn và có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ ở nước ngoài", quan chức Mỹ nói.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuoc-co-mao-hiem-cua-ong-biden-post1285980.html