Nước đọng ao quê

Người Huế, để tự hào về con nước ròng nước lớn thì sẽ nhắc đến phá Tam Giang, còn với những người nhà quê, để thương con nước thì sẽ là ao hồ ở quê nhà.

Ở quê tôi miền Trung, hầu như nhà nào phía sau hè cũng có hồ nước. Người quê còn gọi là hồ bom, có cái tên như vậy bởi ngày xưa chiến tranh, từng khoảng đất bị thả bom, đất xói lở tung trời tạo thành những khoảng hố sâu rộng, đến mùa mưa lụt, nước đọng lại tạo thành những ao nước. Bên bờ hồ, người ta trồng nhiều hoa màu, gần nước mát, cây cối ra sức mà phát triển. Mướp trĩu quả trên giàn tre, bí đỏ bò ngổn ngang hai bên bờ hay những luống rau khoai mẹ trồng xanh mướt đến mát mắt. Đến mùa khô, ao cạn, nước trong hồ xâm xấp với bùn nhão, mẹ thường trồng rau muống. Rau muống trồng trong hồ nước, ngọn nào ngọn nấy xanh non muôn muốt. Cũng nhờ vậy, bữa cơm của người nhà quê hiếm khi mà ra chợ mua rau, mua trái.

Hồ nước sau nhà gắn với bao kỷ niệm của những đứa trẻ nông thôn như chúng tôi. Những trưa hè trốn mẹ ra sau hồ chơi, cùng với mấy đứa bạn, thế là ngồi tựa mình vào gốc cây bên bờ. Ở hồ nhà tôi có cây mít to tướng, đổ bóng xuống hồ im lìm cả một khoảng, những cành cây vươn ra giữa hồ. Theo bản tính của trẻ con, tụi trẻ chúng tôi trèo ra mà ngồi vắt vẻo trên cành, chuyện trò rôm rả đã đời. Nói say sưa rồi thì lim dim theo giấc trưa. Gió mát rượi, hơi nước dịu lành và bóng cây râm ran cứ thế mà ru những đứa trẻ nông thôn hồn hậu vào giấc ngủ ngon lành, êm dịu. Tối đến, đám trẻ lại hẹn nhau ra hồ chơi, tiếng nói, tiếng cười vang vọng hòa với râm ran cả một khoảng trời tiếng kêu của ếch nhái. Lâu lâu, một tiếng nhảy tủm giữa hồ của con vật nào đó, khiến mấy đứa chúng tôi giật mình, sờ sợ trong ánh trăng sáng soi xuống mặt nước.

Ao hồ ở quê tôi miền Trung, không rộng như những cái ao ở miền Bắc, không nước lênh láng như ở miền Tây; nhưng cũng đủ để nuôi vịt. Hầu như nhà nào có hồ, đến giữa tháng 9 cũng đều nuôi vài chục con vịt, gọi là có mà ăn Tết. Tôi vẫn còn nhớ như in mùa lụt miền Trung quê tôi năm đó, mưa xối xả như ai thúc giục, nước dâng lên giữa đêm khuya hiu hắt, nước tràn bờ đê phía ngoài cánh đồng rồi men vào ao, vào nhà. Đa phần mọi người đều không kịp trở tay phòng bị, đàn vịt của cha tôi trong hồ cứ thế mà theo dòng nước lũ bơi đi. Cha ra sau nhà xem đàn vịt, người ướt tầm tả nước mưa quyện mùi mồ hôi, giọng nói run run “Vịt mất hết rồi mạ mi ơi!”. Bao công sức đổ sông, đổ bể. Dường như bao thiên tai, cơ hàn của tự nhiên, người miền Trung đều phải oằn vai gánh chịu. Dẫu biết đau lắm, xót lắm, nhưng năm nào cũng phải trải qua, mất mát nên chai sạn mà quen với nghịch cảnh. Sau những cơn lũ dữ dội, cha tôi, mẹ tôi, hay những người nông dân chân lấm tay bùn lại còng lưng xây dựng lại, tiếp tục men theo dấu mưu sinh.

Đến cuối tháng Chạp, bận bịu, tất bật vào vụ gieo sạ, nhưng cha tôi vẫn tranh thủ tát hồ, mà hầu như nhà nào có hồ cũng tát vào dịp đó. Gàu sòng sình sịch đập vào nước, tiếng nước xối xả, mùi bùn ngai ngái, tanh tao; vậy mà đám trẻ chúng tôi lại hồ hởi xem. Chiều hôm đó mẹ kho nồi cá đủ loại tát được từ hồ, nhưng cá rô là chính, mẹ kho tiêu với vài lát thịt mỡ, ớt trái. Ánh chiều buông xuống bên hồ, cả nhà dọn mâm cơm sau hè, ngồi ăn. Tiếng nói cười bên mâm cơm của mẹ, với nồi cá kho, mà ngon đến lạ. Trăng lên vắt trên ngọn cau, trời chập choạng tối, gió từ hồ tràn lên mát đến mê lòng, gió mát rượi thổi qua tán lá, luồn vào mâm cơm, cha tôi đang cạn chén rượu gạo để tiếp chuyện đồng áng.

Giờ người ta không còn xem trọng hồ nước như trước đây, vì nước sạch đã có, nếp sinh hoạt của người dân quê cũng không còn gắn liền với ao hồ trong nhà, đầu đình. Trẻ con thời nay đã không còn yêu cái hồ như những thế hệ trước. Nhưng với những đứa trẻ từng sinh ra và lớn lên ở nông thôn Trung Bộ ngày trước như tôi, được ao hồ nuôi lớn, thì có lẽ không thể nào, không thể nào quên được.

Nguyễn Văn Đức Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/nuoc-dong-ao-que-135574.html