Nước Đức 'giải bài toán' thiếu hụt nguồn nhân lực

Kinh tế Đức cần 400.000 lao động nhập cư mỗi năm để đảm bảo sự thịnh vượng và hệ thống phúc lợi trong bối cảnh nước này đang thiếu lao động trầm trọng.

Công nhân làm việc tại một công trường ở Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Nước Đức đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Các viện nghiên cứu hàng đầu tính toán rằng nền kinh tế Đức cần 400.000 lao động nhập cư mỗi năm để đảm bảo sự thịnh vượng và hệ thống phúc lợi của Đức.

Giống như hầu hết các quốc gia có thu nhập cao (HIC) trên thế giới, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) cần tăng đáng kể số lao động nhập cư và do đó phải có các chính sách thu hút lực lượng lao động từ khắp nơi trên thế giới. Nếu không, nước Đức sẽ thất bại trong những dịch chuyển cơ cấu kinh tế lớn trong tương lai do thiếu nhân lực.

Nước Đức trên thực tế đã từng có chính sách nhập cư dựa trên nhu cầu của nền kinh tế. Trong những năm kinh tế phát triển bùng nổ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đầu thập niên 1960, CHLB Đức khi đó đã từng “mượn” hàng triệu người lao động từ các nước như Italy, Thổ Nhĩ Kỳ… Sau khi hết hợp đồng lao động, nhiều người trong số này đã ở lại và hình thành những cộng đồng người nước ngoài đông nhất ở Đức.

Khi xảy ra khủng hoảng dầu mỏ Trung Đông năm 1973, kinh tế các nước phương Tây chao đảo, nước Đức đã cho dừng chính sách nhập cư lao động.

Việc thống nhất nước Đức, hình thành và xây dựng cộng đồng châu Âu, mở rộng thị trường lao động toàn châu Âu đã giúp cung ứng phần nào nhân lực cho nền kinh tế Đức.

* Khó khăn vì thiếu nhân lực

Tuy nhiên, cho tới những năm gần đây, khi lớp người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ kinh tế lần lượt về hưu, nhân lực thay thế bị thiếu vắng do hậu quả của sự già hóa dân số. Hiện trạng này càng bị trầm trọng thêm do khủng hoảng hậu COVID-19.

Cùng với biến động vì khủng hoảng năng lượng do xung đột tại Ukraine, chính sách xanh hóa năng lượng hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế kéo theo nhu cầu cần có thêm nhân lực cho các ngành chuyên môn cao. Theo một điều tra của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), thiếu hụt nhân lực là trở lực lớn nhất cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế.

Nhu cầu tuyển dụng của nền kinh tế hiện nay, kể cả đối với các công ty hoạt động trong các ngành kinh tế mới nổi như công nghệ thông tin cũng như trong các lĩnh vực kinh tế truyền thống có mức lương thấp như nông nghiệp, đều rất cao.

Các doanh nghiệp phàn nàn không thể tìm đủ lao động Đức và hầu như không có bất kỳ cơ hội hợp pháp nào để tuyển dụng lao động từ nước ngoài. Lệnh cấm tuyển dụng từ năm 1973 vẫn còn hiệu lực là rào cản pháp lý đối với giải pháp nhập khẩu nguồn nhân lực. Nhân lực theo mùa giờ đây cũng khó thuê hơn nhiều so với trước.

* Sửa đổi luật cho phù hợp tình hình mới

Công nhân làm việc tại một công trường ở Munich, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Với Đạo luật nhập cư mới dành cho lao động có tay nghề, Đức đặt ra mục tiêu giải quyết thách thức lâu dài về tình trạng thiếu lao động. Tuy nhiên, vì hầu hết các nước phát triển trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều phải đối mặt với những thách thức tương tự vì những thay đổi về nhân khẩu học và già hóa dân số, điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp ở cấp độ châu Âu.

Đảng Xanh của Đức đã thúc đẩy chính sách nhập cư đoàn tụ gia đình trong nhiều năm qua, có tính đến nhân quyền và lợi ích của quốc gia xuất xứ – thường có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Tháng 6/2023, ngay trước kỳ nghỉ hè của quốc hội, Đức đã đưa vào thực hiện luật nhập cư tiến bộ nhất trong lịch sử nước này. Theo luật mới, sẽ có ba trụ cột để đưa lao động nhập cư vào thị trường lao động Đức trong tương lai: Lao động lành nghề, kinh nghiệm và tiềm năng.

Trụ cột lao động lành nghề đã có trong Đạo luật nhập cư dành cho lao động có tay nghề năm 2020, nhưng mức lương tối thiểu đủ điều kiện nhập cư sẽ được hạ xuống và lao động có tay nghề được công nhận sẽ được phép làm các công việc đa dạng hơn chứ không bị hạn chế ngành nghề như trước.

Thông qua trụ cột thứ hai, luật nhập cư mới thừa nhận kinh nghiệm chuyên môn trong khi trước đây những lao động có trình độ nhưng bằng cấp không tương đương với hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Đức vẫn bị từ chối tiếp cận thị trường lao động Đức – ngay cả khi hợp đồng lao động đã được ký kết. Kể từ nay, lao động nước ngoài có thể làm việc ở Đức nếu được đào tạo chính quy ít nhất hai năm, được công nhận ở nước xuất xứ; hai năm kinh nghiệm chuyên môn, có được trong vòng năm năm qua; và được trả lương nhất định theo quy định của công đoàn.

Trụ cột thứ ba tập trung vào cái gọi là ‘thẻ cơ hội’ (Chancenkarte), được chấp nhận trong thỏa thuận liên minh của chính phủ hiện tại. Dựa trên hệ thống tính điểm, việc đến Đức để tìm việc làm sẽ dễ dàng hơn. Về hệ thống tính điểm mới này, Đức đã học theo kinh nghiệm thành công của các quốc gia nhập cư khác như Canada và New Zealand.

* Đơn giản hóa thủ tục

Quốc hội Đức họp để thông qua Luật Nhập cư mới ngày 22/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi cơ quan có thẩm quyền thông qua phiên bản trước đó của Đạo luật nhập cư mới dành cho lao động có tay nghề hồi tháng 3 năm nay, dự thảo đã được đệ trình lên Quốc hội Đức. Trong các cuộc đàm phán mang tính xây dựng, nhóm nghị sỹ đảng Xanh cùng với các đối tác liên minh của họ từ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Tự do (FDP) đã đạt được những cải tiến đáng kể trong luật mới. Những thay đổi trong luật cho phép tính đến tiềm năng của những lao động đang ở Đức lẫn những người chưa đến Đức.

Thứ nhất, Đức mở ra cơ hội cho người tị nạn được chuyển từ tư cách tị nạn sang tư cách cư trú vì mục đích việc làm. Bằng cách này, chính phủ tạo điều kiện cho những người đã tới Đức tham gia vào xã hội, thúc đẩy hội nhập và giảm bớt gánh nặng hành chính mà các thành phố và tình nguyện viên hiện đang phải đối mặt.

Thứ hai, Đạo luật nhập cư cho lao động có tay nghề sẽ giảm bớt rào cản cho những lao động có tay nghề mang theo gia đình hoặc đoàn tụ với gia đình, đặc biệt là khi họ có cha mẹ ở Đức.

Thứ ba, các rào cản hành chính được bãi bỏ: Luật cư trú của Đức trước đây gần như không cho phép việc chuyển từ thị thực ngắn hạn sang cư trú dài hạn mà không rời khỏi Đức. Rào cản khó hiểu này giờ đã không còn nữa và những ai có hợp đồng lao động và đáp ứng mọi yêu cầu có thể được cấp quyền cư trú dài hạn ngay.

Kể từ năm 2016, Đức và các quốc gia Tây Balkan, là 6 nước ở Đông và Nam Âu nằm trong chính sách mở rộng của EU, đã có thỏa thuận cho phép công dân các quốc gia Tây Balkan được tiếp cận thị trường lao động Đức chỉ khi có hợp đồng lao động. Thỏa thuận này là một ví dụ thành công về di cư lao động nên sẽ được thực hiện lâu dài và số đơn tiếp nhận mỗi năm sẽ được tăng từ 25.000 lên 50.000.

Với những điều kiện cởi mở như trên, có thể thấy việc mở rộng cửa cho thị trường lao động Đức đang rất được coi trọng, từ những ngành dịch vụ như điều dưỡng, nhà hàng, khách sạn đến những việc có chuyên môn cao như CNTT.

Nền kinh tế Đức cũng đang phải cạnh tranh rất mạnh với các nước công nghệ phát triển cao, cả các nền kinh tế mới nổi cũng như trong EU. Nước Đức cũng đã mất rất lâu để cân bằng giữa nhu cầu của nền kinh tế với trở lực đến từ chủ nghĩa dân tộc. Nhưng để giữ vững vị trí và vai trò của nước Đức trong tương quan toàn cầu thì việc nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút nhân lực và vật lực là bước đi quan trọng sống còn./.

Thu Hằng (P/v TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nuoc-duc-giai-bai-toan-thieu-hut-nguon-nhan-luc/316921.html