Nuôi biển mở cơ hội cho phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước quy hoạch, thí điểm giao diện tích mặt nước nuôi biển đã mở ra cơ hội cho các DN, HTX, nhà đầu tư phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển.

Quảng Ninh có hơn 6.100km2 mặt biển với ngư trường khai thác rộng lớn. Vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài thủy hải sản có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho ngành nuôi trồng và đánh bắt phục vụ xuất khẩu, chế biến thực phẩm giá trị cao. Bởi vậy, việc Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước quy hoạch, thí điểm giao diện tích mặt nước nuôi biển đã mở ra cơ hội cho các DN, HTX, nhà đầu tư phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển.

HTX Thương mại và dịch vụ thủy sản Mạnh Đức là 1 trong 5 HTX đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh vừa được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản. Với diện tích 400ha mặt nước được giao ở khu vực biển Vân Đồn, ông Nguyễn Mạnh Thịnh - Giám đốc HTX Mạnh Đức kỳ vọng việc được giao diện tích mặt nước sẽ xóa đi sự bấp bênh, bất an trong hướng đầu tư.

“HTX nhận giấy phép được cấp diện tích mặt nước là cơ hội để được làm chủ, được quản lý, học hỏi kinh nghiệm trong nuôi biển và tạo công ăn việc làm cho cá nhân và người dân, tạo cơ hội cho chính chúng tôi và các HTX khác”, ông Thịnh bày tỏ.

Quảng Ninh đang tổ chức thực hiện mô hình nuôi biển xen canh, gia tăng giá trị trên một ha diện tích nuôi trồng

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch 45.000ha mặt nước và trở thành địa phương đầu tiên thí điểm giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân quản lý để nuôi trồng thủy sản. Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn STP cho biết, 7 năm qua đã bền bỉ thực hiện mô hình nuôi biển xen canh, kết hợp du lịch và tìm kiếm thị trường nước ngoài với mong muốn gia tăng giá trị trên một ha diện tích nuôi trồng. Bà Bình phấn khởi khi DN được cấp phép nuôi biển xa bờ tại Quảng Ninh.

“DN đang nuôi xen canh rong sụn với loài 2 mảnh và sắp tới là nuôi với ngọc trai bằng phương pháp đa tầng và hệ lồng nổi HDPE. Trên 1 hệ sinh thái, DN sẽ gia tăng giá trị của nhiều loài nuôi, thay vì chỉ nuôi DN còn trồng thủy sản sẽ tăng giá trị của nhiều loài nuôi trồng trong 1 ha được cấp. Những mặt hàng này sẽ được xuất khẩu đi Mỹ, Nhật, Australia với giá trị gấp 3,4 lần đang bán hiện nay”, bà Bình vui vẻ cho biết.

Quảng Ninh có tiềm năng vượt trội để trở thành trung tâm nuôi biển lớn nhất miền Bắc khi có hơn 6.100km2 mặt biển với đường bờ biển dài hơn 250 km, hơn 40.000 ha bãi triều, gần 19.000 ha rừng ngập mặn... Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là ngư trường khai thác rộng lớn, nơi sinh sống của nhiều loài hải sản có giá trị, tạo ra cơ hội cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đặc biệt phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến thực phẩm giá trị cao.

Đáng chú ý, trong 2 năm đầu thực hiện Đề án nuôi biển quốc gia, tỉnh Quảng Ninh đã chuyển đổi hơn 1 triệu phao xốp thành phao nhựa thân thiện với môi trường và thành lập mới hơn 120 HTX nuôi trồng thủy sản.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, địa phương đang nỗ lực để có được những vùng biển sạch, chào đón những nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư có khoa học công nghệ nuôi biển tiên tiến.

“Quảng Ninh đã phê duyệt quy hoạch vùng nuôi ở tất cả các địa phương có biển trên toàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, bên cạnh các cơ chế hỗ trợ để thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài mang khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới tới Quảng Ninh. Quảng Ninh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người dân và các DN ở tất cả các khu vực biển”, ông Huy cho biết.

Những đơn vị đầu tiên được Quảng Ninh cấp phép diện tích nuôi trồng thủy sản

PGS.TS Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Ninh, khi phát huy những thế mạnh về biển và kỳ vọng, Quảng Ninh sẽ trở thành Trung tâm nuôi biển lớn ở phía Bắc, đặt nền tảng cho sự giàu có của người dân, DN.

“Còn cần phải có cơ chế chính sách, quy trình, quy phạm mới để bổ sung. Bởi đây mới chỉ là quy hoạch không gian biển, còn quy hoạch nuôi trồng thủy sản biển còn có mật độ lồng nuôi, quy mô, kích thước lồng, cần phải rõ ràng, vì còn phụ thuộc vào vùng biển nông sâu, dòng chảy biển, môi trường sinh thái. Quảng Ninh đã rất nỗ lực nhưng còn nhiều việc phải làm...”, PGS.TS Chu Hồi nhận xét.

Để trở thành Trung tâm thủy sản của miền Bắc, Quảng Ninh cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó việc quy hoạch hơn 45.000 ha khu vực cho nuôi biển và tiến hành thí điểm giao diện tích mặt nước là những bước đi đầu tiên, mở ra cơ hội lớn cho ngư dân Quảng Ninh thay đổi tư duy nuôi trồng thủy sản, tự tin làm chủ và làm giàu từ biển quê hương.

Vũ Miền/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nuoi-bien-mo-co-hoi-cho-phat-trien-kinh-te-bien-lam-giau-tu-bien-post1087109.vov