Phải tạo chuyển biến cơ bản trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Sáng 13.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021'.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Thu hồi đất sẽ còn... nóng

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, giai đoạn 1.7.2016 – 1.7.2021, tình hình khiếu nại, tố cáo có diễn biến phức tạp, nhất là khi đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhận thức pháp luật của người dân có những chuyển biến rõ rệt. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo về hành chính có xu hướng giảm trong một số năm gần đây nhưng số vụ việc thuộc lĩnh vực tư pháp có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là án hành chính, dân sự - kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực; chuyển đổi mô hình chợ, thực hiện dự án công viên nghĩa trang, Khu xử lý rác thải tập trung... Nguyên nhân do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều mối quan hệ phát sinh, đan xen và diễn biến nhanh, việc điều chỉnh bằng văn bản pháp luật và công tác quản lý Nhà nước chưa theo kịp thực tiễn, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, y tế, giáo dục,…

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Qua làm việc với các cơ quan, Đoàn giám sát dự báo, tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, trong đó thu hồi đất tiếp tục được nhận định là một điểm nóng, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, các dự án phát triển kinh tế - xã hội và các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án phải thu hồi đất, bồi thường. Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản đối với các dự án bất động sản du lịch, nhà ở thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường, tư pháp sẽ tiếp tục gia tăng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Về tiếp công dân, Đoàn giám sát nhận thấy, công tác này đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả. Chất lượng công tác tiếp công dân ngày càng chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của luật; việc quy định tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp và chưa đảm bảo khả thi trong thực tiễn; việc phối hợp trong công tác tiếp công dân giữa cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát với các cơ quan hành chính các cấp chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Án hành chính có xu hướng tăng về số lượng và mức độ phức tạp

Qua xem xét báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thời gian qua, các vụ án hành chính có xu hướng tăng về số lượng và tính chất phức tạp, đối tượng khởi kiện ngày càng đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước.

Trong quá trình giải quyết, Tòa án đã đảm bảo giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, làm tốt công tác tổ chức đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại; phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, chủ động xác minh, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết để đảm bảo việc xét xử các vụ án được khách quan, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tiến độ giải quyết một số vụ án hành chính còn chậm; tỷ lệ giải quyết chưa cao; vẫn còn một số bản án bị sửa, hủy do nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của thẩm phán; tình trạng chậm thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật chưa được khắc phục, trong khi đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người phải thi hành án là cơ quan nhà nước…

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đoàn giám sát cũng ghi nhận, việc kiểm tra, rà soát lại việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài về hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và địa phương kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài để có phương án giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như phạm vi cả nước.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Công tác thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được tăng cường và tập trung vào địa bàn, lĩnh vực phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, những địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định, kết luận, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền.

Đoàn giám sát kiến nghị, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách; phối hợp chặt chẽ với bộ ngành có liên quan trong quá trình thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật. Giao Ban Dân nguyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan theo dõi, đôc đốc việc giải quyết đối với các vụ việc Đoàn giám sát đã kiến nghị; tham gia, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trong việc xem xét, rà soát đối với vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài ở địa phương.

Đại diện Tòa án Nhân dân tối cao. Ảnh: Quang Khánh

Đối với Chính phủ, bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đoàn giám sát kiến nghị, cần kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các quy định về tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, địa phương mình, nhất là quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo; quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại để đảm bảo thống nhất với các văn bản của cơ quan cấp trên và phù hợp với thực tiễn. Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại; thực hiện định kỳ sơ kết, tổng kết, rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài để cập nhật, bổ sung đưa vào danh sách những vụ việc thuộc tiêu chí cần rà soát và có lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc.

Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Ảnh: Quang Khánh

Thanh tra Chính phủ cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với trách nhiệm của người đứng đầu, đưa nội dung công tác này vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra công vụ hằng năm; kiên quyết trong xử lý trách nhiệm khi phát hiện vi phạm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sớm ban hành hướng dẫn việc triển khai đồng bộ Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh.

Kiểm điểm Chủ tịch UBND không tham gia đối thoại, không thi hành án hành chính

Thảo luận về báo cáo giám sát, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn việc tỷ lệ tổ chức tiếp công dân của các bộ, UBND các cấp theo quy định còn thấp. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu thực tế, nhiều Chủ tịch UBND các cấp không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, không thi hành án hành chính, do đó Chính phủ cần chỉ đạo kiểm điểm các trường hợp này. Về tình trạng “đơn chuyển lòng vòng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần sửa đổi hệ thống pháp luật theo hướng khi nhận đơn không phải thẩm quyền giải quyết thì trả lại đơn và hướng dẫn công dân chuyển đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân; quan tâm giải quyết kịp thời, có lý, có tình khiếu kiện, tố cáo ngay từ cơ sở, nơi phát sinh vụ việc. Cùng với đó, cần khắc phục tình trạng đối tượng giám sát báo cáo chưa đúng, chưa đủ nội dung...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần làm rõ bối cảnh thế giới và trong nước, nhất là tình hình dịch bệnh Covid - 19 ảnh hưởng đến thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo như thế nào; đánh giá sâu sắc hơn kết quả chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy chính quyền các cấp về thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó làm rõ vai trò của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác này. Cùng với đó, việc Quốc hội đang chuẩn bị xem xét, thông qua dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ tác động đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như thế nào. “Giám sát chuyên đề này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đặt trong bối cảnh, tư duy, tầm nhìn như vậy, qua đó, bảo đảm sau khi ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề sẽ tạo được một nề nếp mới, chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực này, tạo cơ sở để chúng ta giám sát quá trình thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, Thường trực Đoàn giám sát cần tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết gọn, rõ hơn, chỉ rõ những việc nào phải làm, ai làm, ai chịu trách nhiệm, làm theo hướng nào, thời hạn hoàn thành và cơ chế báo cáo việc thực hiện các yêu cầu tại Nghị quyết này.

Đối với các vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần rà soát, đánh giá về tính khả thi của quy định pháp luật về tiếp công dân hiện hành, làm rõ quy định nào không phù hợp là do không tổ chức thực hiện được hay do bản thân quy định đó không phù hợp; cách thức để tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Qua đó, xác định nếu quy định pháp luật đầy đủ, khả thi thì phải thực hiện nghiêm; nếu quy định pháp luật khó thực hiện vì yêu cầu quá cao hoặc chưa có phương thức phù hợp bảo đảm thực hiện thì cần có phương án khắc phục cụ thể.

Về đơn thư, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần thể hiện rõ thực trạng đơn thư vượt cấp, xác định cách giải quyết; với đơn thư chuyển lòng vòng thì cần làm rõ trường hợp nào do trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức chưa làm hết trách nhiệm; trường hợp nào đã giải quyết hết trách nhiệm nhưng phát sinh tình huống mới; trường hợp nào giải quyết không đúng, bỏ sót trong thời kỳ trước nên bây giờ phải sửa sai.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần thực hiện tốt cơ chế hòa giải, thương lượng trong giải quyết các vụ việc dân sự; thực hiện tốt cơ chế đối thoại trong giải quyết các vụ việc về hành chính…, góp phần giải quyết tốt hơn đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc yêu cầu viết dự thảo Nghị quyết gọn, rõ, đánh giá khái quát, kiến nghị cụ thể, nhất là về: vấn đề tiếp công dân của người đứng đầu; phân loại đơn thư; quy trình xử lý ý kiến, kiến nghị, phản ánh; bố trí nguồn lực cho công tác tiếp công dân; hướng dẫn thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ; giải quyết một số vụ việc cụ thể; giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt, cơ chế chính sách cho đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành…

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc với dự thảo Nghị quyết tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ ý kiến của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản để sau đó trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

P.Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/phai-tao-chuyen-bien-co-ban-trong-tiep-cong-dan-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-i300596/