Phát huy giá trị Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Kiên Giang

Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang rộng hơn 1,1 triệu ha, với vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và Bảo tồn Biển, Khu Bảo vệ Cảnh quan Kiên Lương và Rừng ngập mặn.

Rừng tràm Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Khu Dự trữ Sinh quyển Ven biển và Biển đảo Kiên Giang bao gồm 10 huyện, thị, thành phố (U Minh Thượng, An Minh, An Biên, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Hà Tiên, Phú Quốc và Kiên Hải.

Khu Dự trữ có không gian rộng, kết nối các vùng là Vườn Quốc gia U Minh Thượng; Phú Quốc, Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc; Khu rừng Bảo vệ Cảnh quan Hòn Chông-Kiên Lương và Đai rừng ngập mặn ven biển Tây. Trong đó, có ba vùng lõi là Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và Khu rừng Bảo vệ Cảnh quan Hòn Chông-Kiên Lương.

Đa dạng hệ sinh thái

Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Kiên Giang có tổng diện tích hơn 1,1 triệu ha, gồm cả vùng biển, đất liền và hải đảo với vùng lõi thuộc các khu vực Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và Bảo tồn Biển, Khu rừng Bảo vệ Cảnh quan Kiên Lương và Rừng ngập mặn ven biển.

Về sự đa dạng hệ sinh thái, Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang có 6 hệ sinh thái đặc thù (thuộc 3 khu vực U Minh Thượng, Quần đảo Phú Quốc và Kiên Lương-Hà Tiên) gồm hệ sinh thái rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh với ưu thế cây họ dầu; hệ sinh thái rừng trên núi đá với ưu thế của loài ổi rừng và hoàng đàn; hệ sinh thái rừng ngập chua phèn; hệ sinh thái rừng ngập mặn (đước, sú, vẹt, mắm,... đặc biệt là loài cóc đỏ Lumnitzera rosea (Gaud.) Presl. còn sót lại duy nhất ở Việt Nam); hệ sinh thái rú bụi ven biển; hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển.

Trong hệ sinh thái rừng úng phèn của Đồng bằng Sông Cửu Long, chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn với diện tích gần 3.000ha. Các đầm lầy và các sinh cảnh thực vật trên các kênh đê nằm xen kẽ rải rác trong các khu rừng tạo nên những khu cư trú thích hợp cho các loài động vật hoang dã.

Một góc Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Kiên Giang có khoảng 2.340 loài động, thực vật. Trong đó có 1.480 loài thực vật với 116 loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ và 57 loài Đặc hữu. Trong 860 loài động vật, có 78 loài quý hiếm, như Dugong, sếu đầu đỏ, voọc bạc, rái cá lông mũi, đại bàng đen, già sói, sóc đỏ… và 36 loài đặc hữu như chìa vôi vàng, thạch sùng ngón…

Ngoài ra, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Kiên Giang còn là vùng đa dạng về Di sản Văn hóa của nhiều thế hệ, dân tộc. Có 38 di tích lịch sử-văn hóa và danh thắng cấp tỉnh, quốc gia; hàng năm diễn ra khoảng 389 lễ hội dân gian, tôn giáo, lịch sử cách mạng của người Kinh, Khmer, Hoa.

Đặc biệt, Vườn Quốc gia U Minh Thượng còn là trung tâm của Di tích cách mạnh U Minh Thượng với 21 di tích nổi tiếng. Hà Tiên như bức tranh thủy mặc đầy uy nghi với nhiều địa danh đẹp nổi danh như Núi Bình San, đầm Đông Hồ, Mũi Nai, Lăng tẩm dòng họ Mạc. Phú Quốc được ví như Đảo Ngọc với sự trong lành của khí hậu và nhiều bãi biển đẹp.

Đẩy mạnh phát triển du lịch

Việc UNESCO công nhận Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Kiên Giang là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới đã tạo cho du lịch Kiên Giang một sản phẩm du lịch độc đáo, đồng thời là điều kiện thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Kiên Giang tìm hiểu, khám phá.

Để thu hút khách du lịch, tỉnh Kiên Giang đã thành lập nhiều nhóm giúp cho người dân và cả khách du lịch có ý thức gìn giữ môi trường, đồng thời có quy ước đối với các nhà đầu tư trước hết phải giữ được môi trường tự nhiên, môi trường xã hội.

Bên cạnh đó, cũng thành lập nhiều nhóm để hướng dẫn cho du khách và người dân những nơi khoanh vùng không được khai thác và gắn biển, những nơi du khách không được tham quan. Tỉnh cũng kết hợp với địa phương để bảo tồn và giữ vững khu dự trữ núi đá vôi ở Hà Kiên, Kiên Lương; thành lập ban quản lý bảo vệ rừng U Minh.

Khu vực Công viên san hô với dịch vụ đi bộ dưới đáy biển tại vùng biển An Thới, Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Để phát triển trong thời gian tới, Kiên Giang đề ra nhiều giải pháp như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư homestay, các cơ sở lưu trú, nhà hàng… với các loại hình dịch vụ tiện ích, phong phú đa dạng. Xây dựng chương trình văn hóa ẩm thực, đờn ca tài tử, các hoạt động du lịch như đua xuồng, các trò chơi dân gian... đặc sắc, đặc trưng nhằm tạo điều kiện cho du khách nâng cao chất lượng tour du lịch, kết hợp tham quan các điểm chùa, di tích lịch sử cách mạng...

Bên cạnh đó, các địa phương đầu tư xây dựng mô hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Quy hoạch các vùng sản xuất để kết hợp với du lịch gồm có vùng đệm, vùng tôm lúa, vùng lúa kết hợp trồng màu, vùng ven sông Cái lớn; trải nghiệm các hoạt động truyền thống của người dân với nền văn hóa mang đậm nét đặc trưng của người dân Nam Bộ như canh tác lúa nước, đánh bắt cá truyền thống, gác kèo ong, làm bánh truyền thống, làm các đồ dùng sinh hoạt trong nông nghiệp.../.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phat-huy-gia-tri-khu-du-tru-sinh-quyen-the-gioi-kien-giang-post906565.vnp