Phát huy tiềm năng, thế mạnh đầu tàu kinh tế biển

Ngư dân Phú Yên bám biển mưu sinh, làm giàu từ biển. Ảnh: XUÂN HIẾU

Phú Yên có bờ biển dài với gần 190km cùng nhiều đầm, vịnh, vũng… Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương và người dân vùng biển đẩy mạnh hoạt động đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế, làm giàu từ biển.

Ở làng biển Lò 3, bao gồm các khu phố Phú Thọ 1, Phú Thọ 2, Phú Thọ 3 và Phú Thọ (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa) từ bao đời nay vẫn bám biển mưu sinh và thủy chung với nghề theo kiểu cha truyền con nối.

Làm giàu từ biển

Theo ông Nguyễn Hữu Bi, Bí thư kiêm Trưởng khu phố Phú Thọ 3, hầu hết các hộ dân ở làng biển có từ hàng trăm năm này sinh sống bằng nghề đánh bắt và chế biến hải sản. Riêng khu phố Phú Thọ 3 hiện có 798 hộ dân sinh sống, tất cả đều nhờ biển mà có của ăn của để, phát triển thành khu đô thị mới như ngày hôm nay. Toàn khu phố có 185 phương tiện đánh bắt có gắn máy, trong đó hoạt động đánh bắt xa bờ 69 chiếc, rút ngày 23 chiếc, rút mùng (trủ) 18 chiếc; số còn lại hoạt động gần bờ, như mành tre, mành tôm, lưới 2 và xuồng câu. Đàn ông, con trai trẻ khỏe thì lên tàu vượt sóng, trực tiếp đi đánh bắt cá tôm; đàn bà, con gái thì lo việc hậu cần hoặc chế biến hải sản sau đánh bắt. Nhiều người ăn nên làm ra từ nghề biển, mạnh dạn đầu tư hàng chục tỉ đồng đóng tàu công suất lớn, chịu được sóng to, khai thác dài ngày trên biển, như Nguyễn Văn Cả, Phạm Luyện… mỗi chuyến thu nhập hàng trăm triệu đồng, có khi cả tỉ đồng. “Phú Thọ 3 chỉ còn 11 hộ nghèo và cận nghèo. Đây là những hộ già neo đơn, không đủ sức lao động, còn lại đều là những hộ trung bình và khá trở lên”, ông Bi khẳng định.

Còn theo ông Bùi Thành, Trưởng lạch Lò 3, trước kia ở làng biển này hoạt động đánh bắt hải sản chủ yếu là khai thác gần bờ bằng thuyền ghe công suất nhỏ, đi về trong ngày. Cá tôm sau khi được đưa lên bờ, ngư dân để tươi hoặc hấp chín (như cá ồ, cá chuồn) rồi gồng gánh đến các phiên chợ nông thôn để bán; một số để ủ mắm hoặc phơi khô. Còn ngày nay, sản lượng đánh bắt cao gấp nhiều lần nhờ những con tàu hàng trăm, hàng ngàn mã lực, song cá tôm đánh bắt đến đâu được tiêu thụ đến đấy, ngay tại các cảng cá. Tàu khai thác cũng không phải đi đi về về tiêu tốn nhiều nhiên liệu mà có tàu làm dịch vụ trung chuyển, tiếp tế hậu cần.

“Trước kia tôi cũng từng một thời dọc ngang với nghề biển, quen “ăn sóng nói gió”. Nay tuổi đã quá “cổ lai hy” nên tôi rút về tuyến sau, lo việc chung của lạch. Tuy không còn trực tiếp lên tàu vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản nhưng tôi có cơ sở chế biến mắm của gia đình. Mỗi năm vợ chồng tôi muối từ 5-6 tấn cá cơm, xuất bán ra thị trường khoảng 2.000-2.400 lít mắm nhỉ. Nhờ đó không phải cậy nhờ con cái”, ông Bùi Thành chia sẻ.

Anh em láng giềng với Lò 3 là Đa Ngư, Phú Lạc (phường Hòa Hiệp Nam). Hầu hết người dân ở những làng chài này cũng đi lên bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản. Ông Huỳnh Tấn Anh, người trực tiếp điều hành Tập đoàn 19 đánh bắt hải sản (Phú Lạc), cho biết: Thời gian qua, nghề biển cũng có lúc gặp khó khăn, nhất là khi giá xăng dầu tăng, giá hải sản bị tư thương chèn ép… nhưng nhìn chung sau mỗi chuyến ra khơi trở về đều đủ tổn và có dư. Biển cho nhiều tôm cá, nuôi sống bao thế hệ ngư dân nên bà con chúng tôi luôn vươn khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế gia đình vừa góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà từ ngàn đời ông cha ta đã dựng xây, gìn giữ.

Tàu thuyền ở làng biển Xuân Hải (TX Sông Cầu) chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: XUÂN HIẾU

Mạnh lên từ biển

Đi dọc tuyến biển của tỉnh, từ Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa) đến thôn 2 (xã Xuân Hải, TX Sông Cầu) trải qua 25 phường, xã của 4 huyện, thị xã, thành phố đâu đâu cũng bừng lên nhịp sống mới với nhà cửa khang trang, đường sá được trải nhựa, bê tông đến từng thôn, xóm.

Không chỉ được thiên nhiên ban tặng bờ biển dài với nhiều bãi biển rộng lớn, nước trong xanh, bờ cát mịn, trong lòng biển khá đa dạng về chủng loại hải sản, có giá trị kinh tế cao mà ở vùng đất tiếp giáp với biển Đông này còn có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như vịnh Vũng Rô, đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, vịnh Xuân Đài… và các lễ hội truyền thống, như cầu ngư, đua thuyền… tạo nên nét văn hóa đặc sắc, rất thuận lợi cho phát triển du lịch, nhất là du lịch biển.

Nhận thức được vị trí, vai trò, tiềm năng quan trọng đặc biệt của biển, trong thời gian qua, Phú Yên luôn chú trọng phát triển kinh tế biển, coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm huy động nguồn lực, các thành phần kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội cùng tham gia. Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển được đẩy mạnh; công nghiệp ven biển từng bước phát triển, kinh tế hàng hải bước đầu hình thành… Việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được tăng cường. Phú Yên nói chung, các huyện, thị xã, thành phố ven biển của tỉnh nói riêng là cửa ngõ quan trọng hướng ra biển Đông của vùng Tây Nguyên.

Theo ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT, khu vực ven biển của tỉnh đang phát triển mạnh, là đầu tàu kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,5%/năm; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đóng góp trên 65% giá trị GDP và trên 75% ngân sách tỉnh.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thứ tư là khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 10-CTr/TU, ngày 18/8/2021 về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên xác định mục tiêu tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực; để đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Phú Yên có lợi thế phát triển kinh tế biển

Trong chuyến làm việc tại Phú Yên vào đầu năm mới 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với bờ biển dài, biển xanh, cát trắng, nắng vàng, nhiều bãi tắm đẹp và nhiều di tích lịch sử, văn hóa, Phú Yên có lợi thế phát triển kinh tế biển, nhất là cảng biển nước sâu và phát triển du lịch.

“Phú Yên là địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch, cảnh quan thiên nhiên, phải hết sức chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”- Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

LẠC HỒNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/367/307265/phat-huy-tiem-nang-the-manh-dau-tau-kinh-te-bien.html