Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Việc xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật gắn với giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn là rất cần thiết, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho Nhân dân, đồng thời góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tôn vinh nét đẹp văn hóa các dân tộc.

Nhiều nét văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán của người dân vùng cao được ghi chép, sưu tầm... đưa vào các công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học nghệ thuật.

Nhiều năm qua, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh là lực lượng nòng cốt trong việc sáng tạo các tác phẩm, công trình mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần giữ gìn, tôn vinh và phát huy giá trị của văn hóa trong đời sống hiện đại. Trong đó, Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) sở hữu nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về di sản, văn hóa dân gian các dân tộc. Hơn 30 thành viên của chi hội đều là những người rất tâm huyết, đi nhiều nơi nghiên cứu để có những công trình nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian dày hàng trăm, hàng nghìn trang giấy. Các công trình nghiên cứu đã mang đến cho người đọc những thông tin chính xác, hữu ích, sâu rộng về các vấn đề được đề cập. Tính đến nay, hội viên của chi hội đã cho ra đời hơn 40 đầu sách là các công trình nghiên cứu sâu sắc, có ý nghĩa lớn cho công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhà văn Đoàn Hữu Nam là một trong những cây bút sắc, bền bỉ với nhiều tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí người đọc. Đến nay, ông đã xuất bản 5 tiểu thuyết, 3 trường ca, 6 kịch bản được chuyển thể thành phim truyện, cùng hàng trăm bài viết đã được đăng tải. Các tác phẩm của ông đều chứa đựng những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc như tiểu thuyết “Tình rừng” dựa trên đời sống xã hội người Mông; tiểu thuyết “Dốc người” mang đậm phong tục, tập quán, văn hóa người Dao; tiểu thuyết “Trên đỉnh đèo giông bão” được lấy cảm hứng từ những nét văn hóa của đồng bào Giáy…

Nhà văn Đoàn Hữu Nam (bên phải ảnh) là tác giả của nhiều tác phẩm văn học mang đậm văn hóa các dân tộc vùng cao.

Nhà văn Đoàn Hữu Nam bộc bạch: Tôi có gần 10 năm công tác tại vùng cao Bắc Hà, từng có nhiều dịp được sinh hoạt và tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội… với người dân. Tôi được người dân chia sẻ nhiều điều thú vị trong đời sống, phong tục, tập quán, những nét văn hóa. Nhờ đó, tôi có thêm kiến thức về văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số nơi đây và đưa những kiến thức đó vào các tác phẩm của mình.

Bản sắc văn hóa dân tộc là nguồn cảm hứng cho các sáng tác văn học - nghệ thuật.

Không chỉ trong văn xuôi, nhiều nhà thơ, nhạc sỹ, nghệ sỹ của Lào Cai cũng đã và đang góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bằng việc đưa vào tác phẩm của mình những nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, mỗi vùng, miền… Tư tưởng ấy được Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh định hướng thường xuyên, nhất là trong việc xây dựng đội ngũ sáng tác trẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Long, những cái hay, cái đẹp của phong tục, tập quán, con người, vùng đất qua cảm quan của văn nghệ sỹ có giá trị văn hóa, thẩm mỹ cao hơn. Do đó, Hội mong muốn đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân sẽ nhận ra giá trị của văn hóa trong những điều bình thường, tác động đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ để họ nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Văn học nghệ thuật nhờ đó sẽ phát huy tối đa vai trò trong việc giữ gìn và tôn vinh nét đẹp văn hóa các dân tộc.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365358-phat-huy-vai-tro-cua-van-hoc--nghe-thuat-trong-giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc