Phát huy vai trò giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc: Kỳ II. Giải pháp nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước ở Hà Giang

BHG - Sau 7 năm áp dụng, triển khai, thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, với sự cố gắng, nỗ lực, HĐND các cấp đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát việc thực thi hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND đối với các của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Nội dung giám sát khá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, những vấn đề dân sinh, bức xúc, việc thu - chi ngân sách nhà nước, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND địa phương.

Hình thức giám sát, phương thức tổ chức hoạt động giám sát ngày càng đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, nâng cao tính công khai, minh bạch. Hoạt động giám sát đã phát huy tính chủ động, tích cực của các chủ thể thực hiện giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát. Qua đó, góp phần quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng độ, quan tâm, đánh giá cao và khẳng định được vai trò, trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang biểu quyết thông qua Nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh tại Kỳ họp thứ 13(chuyên đề.)

Khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Luật

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện giám sát, HĐND tỉnh Hà Giang cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: Nội dung giám sát của một số HĐND chưa bao quát được hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát chưa thường xuyên; chất lượng giám sát tại kỳ họp chưa cao; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong chất vấn; số lượng ý kiến chất vấn tại các kỳ họp HĐND chưa nhiều; quá trình chất vấn và trả lời chất vấn chưa thực sự sôi nổi nhất là ở cấp xã; đại biểu cấp xã chưa mạnh dạn đặt thêm câu hỏi trong quá trình tranh luận, làm rõ vấn đề.

Nhiều nội dung chất vấn đặt ra nhưng thiếu tính phản biện; kết quả thực hiện lời hứa sau chất vấn và trả lời chất vấn trước Hội đồng nhân dân của người bị chất vấn chưa mang hiệu quả như mong muốn, chưa tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội; hoạt động chất vấn, giải trình giữa hai kỳ họp HĐND của Thường trực HĐND các cấp còn chưa thường xuyên; trình tự, thủ tục thực hiện một số hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND cấp xã, của Tổ đại biểu còn lúng túng; việc xem xét quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp, Nghị quyết của HĐND cấp dưới có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp có lúc chưa thường xuyên; việc chuẩn bị báo cáo của Ủy ban nhân dân, các cơ quan trình Hội đồng nhân dân tại một số kỳ họp còn chậm, nội dung, số liệu chưa đảm bảo, còn phải bổ sung nhiều lần gây ảnh hưởng đến tiến độ thẩm tra cả các Ban HĐND và thời gian nghiên cứu của đại biểu HĐND; việc triển khai quy trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vẫn còn gặp khó khăn về cách thức công khai bản kê khai tài sản, thu thập của người lấy phiếu tín nhiệm…

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Chúng Thị Chiên cùng Đoàn Giám sát kiểm tra đường giao thông nông thôn tại xã Bản Rịa, huyện Quang Bình.

Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát

Trên cơ sở những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát ở địa phương, đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho rằng: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, nhiệm vụ đặt ra trước tiên là: Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, hiệu quả hoạt động cho đại biểu HĐND.

Việc xây dựng chương trình giám sát của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND cần chủ động nghiên cứu, lựa chọn kỹ các nội dung bảo đảm tính thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc, những ý kiến, kiến nghị của cử tri quan tâm có tác động ảnh hướng lớn đến đời sống của các tầng lớp Nhân dân và sự phát triển toàn diện của địa phương. Đây là khâu quan trọng, việc lựa chọn nội dung giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm quyết định đến chất lượng và hiệu quả của giám sát chuyên đề.

Các đoàn giám sát cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị khi tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giám sát, nghiên cứu, rà soát, cập nhật đầy đủ các văn bản pháp luật, các chủ trương, chính sách, quy định có liên quan đến nội dung giám sát để xây dựng đề cương báo cáo giám sát bảo đảm báo cáo đầy đủ về tình hình tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; kết quả cụ thể trong quản lý, điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến nội dung giám sát.

Báo cáo giám sát phải phân tích rõ những mặt hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp khắc phục; phản ánh những bất cập, khó khăn vướng mắc và kiến nghị cơ quan thẩm quyền về các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn. Khi tiến hành giám sát ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cần kết hợp chặt chẽ giữa hình thức xem xét báo cáo và nghiên cứu hồ sơ tài liệu có liên quan, khảo sát, kiểm tra thực tế, thu thập đầy đủ các thông tin để kiểm chứng kết quả thực hiện trong báo cáo giám sát của đơn vị, đối chiếu với các quy định hiện hành của Nhà nước, nghị quyết HĐND để đề xuất những kết luận đúng, đưa ra các kiến nghị hợp lý, xác đáng, thuyết phục.

Cần phát huy trách nhiệm, trí tuệ tập thể của các thành viên Đoàn giám sát để có thể đánh giá sâu sắc kết quả đạt được trong lĩnh vực được giám sát và đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế được chỉ ra nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của giám sát.

Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc khắc phục những hạn chế, tồn tại được kiến nghị qua giám sát. Tiếp tục tái giám sát hoặc tiếp tục giám sát bằng hình thức chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND. Tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nhất là với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong hoạt động giám sát, tái giám sát.

Để thuận lợi thực hiện trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Quốc hội xem xét, đưa các nội dung hướng dẫn hoạt động giám sát tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Luật nhằm tạo tính pháp lý cao hơn và thuận tiện cho việc triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất.

Đề nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung các quy định, cơ chế về việc mời các Ban Thường vụ Quốc hội xem xét giám sát của HĐND (quy định cụ thể về tiêu chuẩn, kinh phí chi trả chế độ); quy định cụ thể các biện pháp, chế tài cụ thể trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Đề nghị có văn bản hướng dẫn quy định mức chi cụ thể chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp để triển khai thực hiện đồng bộ.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần có hướng dẫn chi tiết ban hành cụ thể cơ chế để thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là việc triển khai quy trình giám sát cũng như cách thức, phương pháp nghiên cứu, xem xét, đánh giá văn bản và nhất là việc xử lý sau giám sát như thế nào chưa có hướng dẫn, làm cơ sở để các cơ quan của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, bài bản. Đồng thời quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giám sát, xử lý đối với quyết định của Ủy ban nhân dân, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái pháp luật nhưng không phải là văn bản quy phạm pháp luật…

Lan Phương - Hoàng Huyền (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202312/phat-huy-vai-tro-giam-sat-cua-co-quan-quyen-luc-nha-nuoc-noi-dia-dau-cuc-bac-to-quoc-ky-ii-giai-phap-nang-cao-chat-luong-giam-sat-cua-co-quan-quyen-luc-nha-nuoc-o-ha-giang-909116f/