Phát tán video kỷ luật nam sinh xúc phạm BTS:Bộ nói gì?

Theo ông Linh, việc kỷ luật học sinh phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng, không làm tổn hại đến danh dự, tinh thần, sức khỏe của học sinh.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị (Bộ GD&ĐT) cho biết thông tin trên vào ngày 9/11 liên quan đến vụ phát tán video quay cảnh nam sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, TP.HCM đọc bản kiểm điểm về hành vi xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS trước toàn trường.

Nói về trường hợp của nam sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền, theo thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM, ông Linh cho biết: "Trước hết, chúng ta cần phê phán em học sinh đã có việc làm thiếu suy nghĩ khi đăng tải các nội dung có tính chất kích động, không phù hợp với lứa tuổi học sinh, thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.

Em đã vi phạm bộ quy định ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục, gây mất đoàn kết trong học sinh, thanh niên ta với nước khác...".

Nam sinh lớp 8 đọc kiểm điểm trước trường ngày 5/11 - Ảnh: Cắt từ clip

Theo ông Linh, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện thông tư mới thay thế Thông tư 08/1988 về hướng dẫn khen thưởng và kỷ luật học sinh.

Cụ thể, cần có căn cứ để xác định mức độ phù hợp của hình thức kỷ luật học sinh vi phạm trên cơ sở đồng thuận, có tham gia phối hợp của gia đình học sinh vi phạm (lưu ý lỗi vi phạm mạng xã hội đã có quy định của pháp luật, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính hoặc cao hơn).

Trách nhiệm chính của nhà trường là giáo dục, trang bị kỹ năng sống, giáo dục học sinh có thái độ tôn trọng sự khác biệt. Khi tham gia, sử dụng mạng xã hội phải lành mạnh, đúng quy định của pháp luật, phục vụ cho học tập, giải trí hiệu quả.

"Thông tư 08 chưa có quy định cụ thể về lỗi vi phạm loại này nên nhà trường không được hoàn toàn dựa vào khi xử lý kỷ luật học sinh. Để có mức kỷ luật phù hợp, hội đồng kỷ luật nhà trường cần có tiến hành đủ căn cứ/thông tin nội dung mà học sinh đã up lên mạng, từ đó phân tích để xác định mức độ ảnh hưởng, vi phạm của hành vi lệch chuẩn này của học sinh, tránh việc kết luận còn chủ quan hoặc định kiến.

Nhà trường cũng cần xác định rõ mục đích của hình thức kỷ luật được lựa chọn đó đạt được mục đích giáo dục hay không? Cần lường trước những hệ lụy (nếu có) của những biện pháp kỷ luật đó...", ông Linh nói.

Cũng theo ông Linh, việc kỷ luật học sinh phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng, vì sự tiến bộ của học sinh, lấy vận động, thuyết phục là chính, đặc biệt không làm tổn hại đến danh dự, tinh thần, sức khỏe của học sinh. Chú ý thực hiện các biện pháp kỷ luật tích cực, giúp học sinh nhận thức được khuyết điểm, khắc phục hậu quả (nếu có).

Trước đó, ngày 5/11, Trường THCS Ngô Quyền thông báo hình thức kỷ luật N.H.M.Q. - nam sinh lớp 8/4 bằng việc cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học tập trong 4 buổi (từ ngày 6 đến ngày 9/11/2019, Q. vẫn đến trường nhưng không được vào lớp mà ngồi ở phòng giám thị và phải mượn tập của bạn để chép bài đầy đủ), hạ bậc hạnh kiểm xuống loại trung bình trong học kỳ 1 năm học 2019-2020.

Nguyên nhân của hình thức kỷ luật trên: M.Q. đã lập một fanpage có tên "Anti BTS in VietNam", sau đó đăng một loạt bài có nhiều lời lẽ, hình ảnh rất thô tục và bậy bạ, xúc phạm, lăng mạ nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, cộng đồng fan của BTS (ARMY).

Nói về việc này, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền cho biết, video được phát tán trên mạng là do nhà trường ghi lại, sau đó chuyển cho người điều hành fanpage Trường THCS Ngô Quyền (do cựu học sinh của trường lập) để đăng tải.

"Mục đích của tôi khi làm việc này là xoa dịu sự phẫn nộ của cộng đồng fan BTS để bảo vệ cho học trò của mình. Nhưng tôi không thể ngờ cộng đồng mạng lại share và sử dụng nó với nhiều mục đích khác nhau. Đúng là tôi không có kinh nghiệm trong việc xử lý những vấn đề về truyền thông. Tôi đã sai và nếu được làm lại, tôi sẽ không làm như vậy", ông Thụ cho biết.

Bình luận về việc này, trao đổi với báo Đất Việt, Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Kim Quý, giảng viên Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội I cho rằng, cách hành xử của phía nhà trường chằng khác nào đang lặp lại cái sai của phía nam sinh khi em này có những lời lẽ xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS trên mạng xã hội.

"Nhà trường tung video kỷ luật học sinh như vậy là cách làm không đúng với tâm lý của học trò bởi các em đang ở tuổi phát triển, thể hiện tính cách cá nhân nên rất dễ bị tổn thương về lòng tự trọng. Lòng tự ái ở các em rất cao, cái Tôi rất lớn, nếu không có cách ứng xử khéo léo thì sợ rằng sẽ dẫn đến sự chống đối quyết liệt hơn.

Lẽ ra, khi xảy ra sự việc này, nhà trường phải giúp cho nam sinh nhận ra cái sai của mình để em này tự nhìn nhận thấy cái sai và tự lên tiếng xin lỗi nhóm nhạc BTS về những lời lẽ xúc phạm trước đó thì sẽ hay hơn là bắt em đọc bản kiểm điểm trước toàn trường rồi tung video buổi kỷ luật này để làm xoa dịu sự giận dữ của fan hâm mộ", TS Nguyễn Kim quý phân tích.

Cũng theo vị TS trên, đối với một sự việc xảy ra trong học đường, nếu là lần đầu mắc lỗi, giáo viên hoặc nhà trường có thể gặp riêng học sinh để phân tích, trao đổi với em về cách hành xử đó.

Mục đích chính ở đây là để cho em nam sinh đó nhận thấy cái sai của mình, biết cái sai mà sửa mới là quan trọng. Không nên thấy một cái sai mà đánh giá toàn bộ nhân cách của một người, nhất là đối với các em học sinh đang ở lứa tuổi bộc lộ tính cách.

Thùy Dung (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/phat-tan-video-ky-luat-nam-sinh-xuc-pham-btsbo-noi-gi-3391111/