Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nói về đề xuất gắn chip lên căn cước công dân

Nhiều người dân tỏ ra băn khoăn, ngầm hiểu về việc gắn 'chíp' đồng nghĩa với việc, cá nhân bị định vị, bị theo dõi…

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/8 vừa qua, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết bộ này đang đề xuất gắn chip điện tử vào thẻ căn cước công dân (CCCD) thay vì mã vạch như hiện nay.

Ngay sau khi đề xuất trên được đăng tải, nhiều người dân tỏ ra băn khoăn về việc gắn chíp đồng nghĩa với việc, cá nhân bị định vị, bị theo dõi…

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội trả lời Pháp luật Plus.

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội trả lời Pháp luật Plus.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Pháp luật plus về việc, Bộ Công an đề xuất gắn chíp lên thẻ CCCD, khiến nhiều người dân băn khoăn, lo ngại, ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho hay: “Nếu việc đề xuất này tốt cho nhà quản lý mà không tốt cho người dân thì cần phải đánh giá tác động của việc gắn chip này như thế nào?.

Trên thực tế, tôi có tham khảo ý kiến của công dân, một số người dân đưa ra câu hỏi là, việc gắn chip lên thẻ CCCD này có giống như việc một số nước áp dụng đối với một người từ là bị can, nghi phạm, để tiện cho việc theo dõi?.

Trước việc người dân quan ngại thì Bộ Công an cần phải đánh giá tác động từ việc gắn chip lên thẻ CCCD, có ảnh hưởng đến quyền tự do của công dân hay không, có ảnh hưởng tới quyền bí mật đời tư cá nhân? Vì vậy, cần phải nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo, chặt chẽ.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng cần tham khảo một số nước và phải công bố cụ thể, nước đó là nước nào, họ áp dụng ra sao…vv để đánh giá một cách toàn diện trước khi áp dụng quy định mới này”.

TS Lê Quang Minh, Trưởng phòng nghiên cứu - Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Để có góc nhìn từ chuyên gia công nghệ thông tin, Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sĩ (TS) Lê Quang Minh, Trưởng phòng nghiên cứu Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

TS Lê Quang Minh cho biết: “Đây là một công nghệ mới, hiện đại, việc gắn chíp lên CCCD ở đây nhằm linh hoạt trong việc lưu trữ giữ liệu cá nhân. Khi có vấn đề gì về an ninh, việc kiểm tra thông tin cá nhân được nhanh hơn, thuận lợi hơn”.

Dưới góc độ đánh giá, nhìn nhận của người dân về việc gắn chíp lên thẻ CCCD, chị Ngô Thị Minh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho hay: "Với sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, thì việc gắn chíp chỉ dành cho loại tội phạm liên quan tới xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, nhưng vẫn tái phạm nguy hiểm".

Quay trở lại việc đề xuất gắn chip lên thẻ CCCD, Bộ trưởng Bộ Công an nêu; việc gắn chíp giúp truy vấn thông tin nhanh, thuận lợi hơn.

Thẻ CCCD cũng sẽ được tích hợp thêm dữ liệu của công dân như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… để có thể sử dụng cho nhiều giao dịch, giải quyết nhiều thủ tục.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho hay bộ đang báo cáo đề xuất nêu trên với Chính phủ, nếu được phê duyệt sẽ xây dựng dự án khả thi và triển khai thực hiện.

Hiện nay, thẻ CCCD đang sử dụng mã vạch, tuy nhiên qua nghiên cứu cho thấy không phát huy được lợi thế khi muốn tích hợp thêm thông tin và thực hiện Chính phủ điện tử.

Thẻ CCCD gắn chip sẽ có nhiều ưu điểm do lượng thông tin lưu trữ lớn gấp nhiều lần so với mã vạch./.

Ly Ly

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/pho-chu-nhiem-uy-ban-tu-phap-quoc-hoi-noi-ve-de-xuat-gan-chip-len-can-cuoc-cong-dan-d132698.html