Phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng

Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) quy định 7 nhóm nhiệm vụ biên phòng (Điều 5); 2 nhóm lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 6); nhiệm vụ của BĐBP - lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới (Điều 14); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về biên phòng (Chương V).

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Thuận phối hợp cùng dân quân địa phương tuần tra khu vực biên giới biển. Ảnh: CTV

Xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt, tính chất phức tạp, rộng lớn của nhiệm vụ biên phòng, với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng, các chủ thể này phải có sự phối hợp với nhau. Tuy nhiên, việc phối hợp đó phải bảo đảm tuân thủ đầy đủ phạm vi, nguyên tắc và nội dung phối hợp. Vấn đề này được chính thức quy định tại Điều 10, Luật BPVN như sau:

“Điều 10. Phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng

1. Phạm vi phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định như sau:

a) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu;

b) Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức có liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng;

c) Chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng;

d) Chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã nơi có biên giới quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng.

2. Nguyên tắc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng bao gồm:

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, địa bàn hoạt động của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật; không làm cản trở hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

b) Bảo đảm điều hành tập trung, thống nhất theo quy định của pháp luật;

c) Chủ động, linh hoạt, bí mật, kịp thời, hiệu quả và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu;

d) Trên cùng một địa bàn, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng thì cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước phải xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì xử lý ban đầu, chuyển giao hồ sơ, người, tang vật, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Cơ quan, tổ chức, lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả điều tra, xử lý cho cơ quan, tổ chức, lực lượng chuyển giao biết.

3. Nội dung phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng bao gồm:

a) Trao đổi thông tin, tài liệu; đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng chính sách, pháp luật về biên phòng;

b) Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới, cửa khẩu;

c) Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới;

d) Xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách;

đ) Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng;

e) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở khu vực biên giới;

g) Thực hiện các hoạt động phối hợp khác có liên quan.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết việc phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác thuộc Bộ Quốc phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng”.

Trong đó, Luật BPVN đã xác định rõ 3 nhóm vấn đề trong phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, gồm: Phạm vi, nguyên tắc và nội dung phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Về phạm vi phối hợp, Luật BPVN quy định chủ thể, mối quan hệ (với việc xác định vai trò chủ trì, phối hợp) cũng như giới hạn phạm vi không gian (gắn liền với thẩm quyền, sự phân cấp quản lý của từng chủ thể). Chủ thể tiến hành phối hợp gồm có Bộ Quốc phòng; Bộ, cơ quan ngang Bộ; chính quyền địa phương cấp tỉnh; chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nơi có biên giới quốc gia; địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Về nguyên tắc phối hợp, Luật BPVN xác định các nguyên tắc này trên cơ sở hệ thống các tiêu chí: Tính pháp lý (quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, địa bàn hoạt động của từng chủ thể); tính thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; tính phù hợp, hiệu quả, thông suốt trong hoạt động thực tiễn và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đặc biệt, Luật BPVN dự liệu tình huống pháp lý đã, đang và sẽ xảy ra trên thực tế tại điểm d, khoản 2, nhằm bảo đảm mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý kịp thời, đúng pháp luật; tránh tình trạng “tranh công, đổ lỗi”; đồng thời, phát huy vai trò giám sát thực hiện quyền lực Nhà nước giữa các cơ quan.

Về nội dung phối hợp, Luật BPVN bám sát quy định về nhiệm vụ biên phòng, nhiệm vụ của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về biên phòng để xác định các nội dung phối hợp mang tính toàn diện, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng trên thực tế.

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp đa dạng, liên quan nhiều chủ thể, nhiều lĩnh vực; do đó, Quốc hội giao cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết việc phối hợp theo phạm vi thẩm quyền. Trong đó, việc phối hợp giữa BĐBP và các lực lượng khác thuộc Bộ Quốc phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định dưới hình thức thông tư; tiến hành trên cơ sở quy định của Luật BPVN về phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp và cụ thể hóa Nghị định do Chính phủ ban hành.

Có thể khẳng định, quy định về phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng đã giải quyết đòi hỏi pháp lý và thực tiễn trong quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng; bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Huế, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phoi-hop-thuc-thi-nhiem-vu-bien-phong-post436770.html