Phong trào khởi nghiệp của thanh niên miền núi Quảng Ngãi

Với khát vọng làm giàu ngay trên quê hương, phong trào khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi đang lan tỏa khắp núi rừng nơi đây.

Đưa sản phẩm văn hóa truyền thống, nông sản bản địa, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm là cách làm kinh tế hiện nay của nhiều bạn trẻ ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Với khát vọng làm giàu ngay trên quê hương, phong trào khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi đang lan tỏa khắp núi rừng nơi đây.

Đông trùng hạ thảo (hay còn gọi là hạ thảo đông trùng, trùng thảo) là một loại nấm ký sinh mọc trên các ấu trùng của côn trùng. Đây là một vị thuốc Đông y giúp chữa bệnh và hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Đông trùng hạ thảo có 2 dạng tự nhiên và nhân tạo được nuôi cấy trên vật chủ là nhộng tằm hoặc lên men xốp, cấy nấm trên giá thể hỗn hợp đậu xanh, vỏ trứng, gạo…

Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lúa rẫy là cách khởi nghiệp độc đáo của đôi vợ chồng trẻ Ao Thị Như Ý và Đỗ Văn Thảo

Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lúa rẫy là cách khởi nghiệp độc đáo của đôi vợ chồng trẻ Ao Thị Như Ý và Đỗ Văn Thảo ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Chị Ao Thị Như Ý là thạc sĩ sinh học thực nghiệm, còn chồng là anh Đỗ Văn Thảo đã từng làm việc tại các cơ sở sản xuất giống đông trùng hạ thảo ở Hàn Quốc. Năm 2022, với số vốn đầu tư ban đầu hơn 300 triệu đồng, đôi vợ chồng trẻ này thành lập cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Núi Cà Đam. Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trên giá thể gạo lúa gẫy của đồng bào Cor. Quy trình nuôi trồng sản xuất nấm đông trùng hạ thảo khép kín, nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh, thực phẩm. Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Núi Cà Đam đang nuôi trồng 1.000 hũ nấm, tỷ lệ thành công khoảng 80%. Sản phẩm đạt chất lượng cao được người tiêu dùng đón nhận.

Chị Ao Thị Như Ý cho biết, ý tưởng nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lúa rẫy đã đoạt giải 3 tại Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi năm 2022.

Quá trình nuôi cấy nấm khép kín, nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Gạo lúa rẫy đặc sản của đồng bào Cor, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi

Chị Ý chia sẻ: “Hiện nay sản lượng lúa rẫy đang giảm dần, người dân không có đầu ra nên không trồng lúa rẫy nữa. Thông qua sản phẩm đông trùng hạ thảo, tôi muốn quảng bá sản phẩm địa phương, nâng cao hơn giá trị đặc sản của đồng bào".

Từng theo học ngành Y, sau đó học Sư phạm nhưng sau khi tốt nghiệp, 5 năm trước đây, cô sơn nữ H’re Phạm Thị Y Hòa lại quay về quê ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ khởi nghiệp với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Với niềm đam mê và khiếu thẩm mỹ, trên chất liệu vải và hoa văn thổ cẩm của người H’re, Y Hòa tự tay thiết kế nhiều trang phục cách tân độc đáo.

Phạm Thị Y Hòa đam mê dệt thổ cẩm từ nhỏ

Các sản phẩm được Y Hòa giới thiệu trên mạng xã hội được người tiêu dùng chú ý, đặt hàng. Từ đó, Y Hòa đã huy động các mẹ, các chị em trong làng tham gia dệt, thiết kế sản phẩm từ thổ cẩm làng Teng, cung cấp cho thị trường khoảng 1.000 sản phẩm mỗi năm.

Sản phẩm thổ cẩm của Y Hòa và phụ nữ làng Teng được các nhà thiết kế trong nước chú ý, đặt hàng, chọn làm trang phục trình diễn tại sàn diễn thời trang quốc tế. Tháng 10/2021, sản phẩm thổ cẩm của làng Teng lần đầu tiên được giới thiệu ở Triển lãm Thế giới-EXPO 2020 diễn ra tại Dubai, Ấn Độ.

Nhiều phụ nữ làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ có thêm thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Trước đó, năm 2019, nghề dệt thổ cẩm của người H’re ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Cô gái H’re Phạm Thị Y Hòa hàng ngày cùng với dân làng chung tay bảo tồn văn hóa truyền thống và tiếp tục dệt nên ước mơ trên hành trình khởi nghiệp của mình.

“Khi đủ điều kiện, tôi sẽ làm một nhà sàn riêng cho không gian đồng bào H’re, trưng bày thổ cẩm, trải nghiệm cho cá nhân và cộng đồng. Không gian đó bao gồm thổ cẩm, đan lát và các hoạt động sản xuất…” - chị Y Hòa cho biết.

Thổ cẩm Làng Teng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hoa văn độc đáo của thổ cẩm Hre do Phạm Thị Y Hòa sáng tạo và dệt

Với những cách làm khác nhau, nhiều bạn trẻ dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi mạnh dạn khởi nghiệp với nhiều mô hình sáng tạo, độc đáo, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con dân làng. Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi vừa ra đời có 30 thành viên đến từ 5 huyện miền núi của tỉnh. Đây là một câu lạc bộ tập hợp và giúp đỡ nhiều bạn đoàn viên, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát huy sức trẻ, sáng tạo trong phát triển kinh tế.

Ông Trần Văn Mẫn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đánh giá: “Chúng tôi thấy, rất cần thiết phải có tổ chức này để tập hợp lực lượng anh em thanh niên trẻ, những người khát khao được khởi nghiệp, được kinh doanh. Chúng tôi sẽ hỗ trợ thông qua tổ chức này để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cấp và mở rộng lực lượng này. Chính lực lượng này sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư khi đầu tư về địa phương, có lực lượng này để hợp tác cùng. Lúc đó, chúng tôi sẽ có nhiều mô hình để hỗ trợ, tạo môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh, hệ sinh thái khởi nghiệp ở địa phương sẽ tốt lên".

Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi vừa ra đời

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhiều sản phẩm đặc thù địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ mạnh dạn khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên hiện các dự án khởi nghiệp ở khu vực này vẫn còn hạn chế.

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, những tấm gương khởi nghiệp của các bạn trẻ đã có sức lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp là một trong những việc cần làm, phải làm để tận dụng, biến lợi thế, tiềm năng thành cơ hội, tạo sự phát triển, mang lại miếng cơm, manh áo để cho cuộc sống chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn. Hiện nay, việc khởi nghiệp là nỗ lực của chính bản thân thanh niên nhưng rất cần sự đồng hành của hệ thống chính trị, bà con, các doanh nghiệp đi trước… sẽ tạo điều kiện cho các bạn trẻ khởi nghiệp thành công” - ông Võ Phiên nêu rõ./.

Vinh Thông/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phong-trao-khoi-nghiep-cua-thanh-nien-mien-nui-quang-ngai-post1023207.vov