Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Công ty CP Kim Bôi (Lạc Thủy) sơ chế, đóng gói sản phẩm măng theo dây chuyền khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cửa hàng nông sản, thực phẩm Bách hóa xanh Hòa Bình có địa chỉ tại số 152 đại lộ Thịnh Lang, TP Hòa Bình do Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ thành lập nhằm giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm nông sản có chất lượng, đảm bảo ATTP, có tem truy xuất nguồn gốc của nông dân trong tỉnh tới người tiêu dùng. Đồng chí Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để đảm bảo cung cấp những sản phẩm chất lượng nhất cho người tiêu dùng, trước khi đi vào hoạt động, cửa hàng nông sản, thực phẩm Bách hóa xanh Hòa Bình phải cam kết chấp hành nghiêm việc kiểm tra, giám sát của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân thành phố và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh. Ngoài các nông sản do nông dân trong tỉnh sản xuất, cửa hàng cũng liên kết với nhiều địa phương trong cả nước để giới thiệu những nông sản đặc trưng như hoa quả, thực phẩm, đặc sản của các vùng miền cùng nhiều sản phẩm có nhãn hiệu, chất lượng đăng ký theo quy định.

Thời gian qua, ngành NN&PTNT cũng như các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức cần thiết về ATTP. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về công tác bảo đảm ATTP, kiến thức chung, kỹ thuật sản xuất, chế biến nông sản bảo đảm chất lượng ATTP và các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến đến người sản xuất... Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh đã hướng dẫn, thẩm định và cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 17 cơ sở SX-KD nông, lâm, thủy sản; phối hợp với các cơ sở SXKD điều chỉnh các thông tin của doanh nghiệp trên hệ thống truy xuất nguồn gốc và kết nối cung cầu tỉnh Hòa Bình (https://hb.check.net.vn). Đồng thời, kích hoạt 77.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh ra thị trường.

Nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP, các đơn vị chuyên môn triển khai thực hiện và phối hợp có hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành về ATTP. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng đã tiến hành các cuộc kiểm tra liên ngành về ATTP, qua tổ chức lấy mẫu không phát hiện mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản vi phạm chỉ tiêu ATTP. Ngoài ra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của 21 cơ sở SXKD thực phẩm và dịch vụ ăn uống, các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP trong SXKD. Tiếp tục thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 và Thông tư số 32/202/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành thẩm định, đánh giá 16 cơ sở SXKD nông lâm thủy sản, kết quả là cả 16 cơ sở đều xếp loại B.

Bên cạnh đó, với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, việc xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm đặc biệt được ngành nông nghiệp quan tâm. Các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục được hình thành và phát triển. Một số mặt hàng nông sản chất lượng cao với quy trình sản xuất khép kín, hiện đại đã được xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, một số đơn vị, HTX đầu tư SXKD thực phẩm an toàn theo chuỗi đã từng bước đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh như: Chuỗi sản xuất cam VietGAP của HTX 3T nông sản Cao Phong, thị trấn Cao Phong (Cao Phong); mô hình trồng ớt chỉ địa xuất khẩu của Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (TP Hòa Bình); Công ty CP Kim Bôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) cung cấp các sản phẩm măng chế biến cho hệ thống siêu thị khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước…

Đồng chí Lê Minh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Việc tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, xây dựng uy tín, thương hiệu nông sản của tỉnh, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ, sản xuất hàng hóa; từng bước đưa hoạt động SXKD hàng hóa nông sản đi vào nền nếp. Thời gian tới, với mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ rệt, toàn diện tình trạng ATTP trên địa bàn tỉnh, Chi cục tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị, cá nhân SXKD tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thuốc thú y, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, chất bảo quản, phụ gia... và đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn trong SXKD. Tuyên truyền, vận động người tiêu dùng ủng hộ những sản phẩm đã được kiểm tra, chứng nhận, rõ nguồn gốc.

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/188765/quan-ly,-nang-cao-chat-luong-nong,-lam,-thuy-san.htm