Quán thủy thần - Cái đẹp và sự hướng thiện

Một trong 8 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019 được trao cho truyện ngắn đầu tay của một nhà văn nữ:

Quán thủy thần của Nguyễn Hải Yến (tỉnh Hải Dương). Tác phẩm được xem như một hiện tượng mới của làng văn.

* Cảm hứng bi cảm hiện đại

Với 10 truyện ngắn, Quán thủy thần đã chinh phục người đọc bằng nhiều cung bậc mới lạ của ngôn ngữ, nhân vật và cuộc đời. Điều đặc biệt trong tập truyện là tác giả khai thác bối cảnh, con người ở vùng quê Bắc bộ thuần Việt sắc nét và sinh động. Làng quê ấy đẹp như thơ với hoa cỏ, bến sông, vườn hoang ngõ tối… Qua nét bút Nguyễn Hải Yến thì từ lối đi vào nghĩa trang, một góc chùa quê cho đến hang mắt rồng, quán thủy thần đều đẹp đến nao lòng, bởi cảnh vật luôn gắn với những số phận, những cảnh đời mang cội nguồn sâu hun hút. Cội nguồn ấy là tất cả hỉ nộ ái ố của dân gian; là khát vọng tình yêu - hạnh phúc; và cả sự vướng mắc, luân hồi, giải thoát của tâm linh…

Đọc truyện Phía trước nhà có giàn mơ dại, 2 mảnh đời khổ là cô công nhân xa nhà và người lái xe đường dài như được kể trong một giấc mơ. Chàng trai đem lòng yêu cô gái khi cô không còn trên cõi đời nữa; còn điều giữ người con gái ở lại là những ước mơ chưa thành trong đời cô (là xoa dịu nỗi đau cho mẹ, chăm lo tương lai cho những đứa em…). Chỉ có thế thôi mà mọi mong ước đều dang dở, không thành. Câu chuyện nửa hư nửa thực vấn vít với nhau qua cái giàn mơ dại, cái vòng hoa mơ được kết để đội đầu… Hình ảnh ấy vừa mang nét đời dân gian dung dị, lại vừa mang tính hiện đại, thể hiện niềm khát khao được sống, được yêu vượt không gian và thời gian…

Truyện Quán thủy thần có 2 phần cũng dành để lý giải nguồn gốc của làng quê, cũng theo mô típ kể chuyện dân gian là hiến sinh và tưởng nhớ, với những nghi lễ thiêng liêng, mật thiết, vừa thấm đẫm tình mẫu tử, vừa tái hiện tín ngưỡng thờ Mẫu hết sức mới lạ. Người mẹ về với thủy thần, người con với chiếc mõ cá, với dậu cúc tần xanh… là một bài ca bất tử, người đọc không khỏi rùng mình vì sự liên tưởng mạnh mẽ và chất thơ, nỗi buồn sâu thẳm qua cách kể chuyện của Nguyễn Hải Yến.

Cái đẹp không chỉ hiển hiện, góp phần làm nên giá trị thẩm mỹ của Quán thủy thần mà còn là một sức mạnh tinh thần, một cứu cánh như thể biến ước mơ thành hiện thực... Có thể gọi đó là chất “bi cảm” của một cây bút nữ “sống chậm“, ham mê đọc sách và nghiền ngẫm văn chương một cách cẩn trọng, kỹ càng. Nguyễn Hải Yến là cô giáo dạy văn, chị chia sẻ không chỉ “sống chậm” mà viết cũng chậm, nhưng viết bằng tất cả tình yêu dành cho cuộc sống và văn chương dồn lại. Tuy nhiên, đây là chất bi cảm mang tính hiện đại, bởi nhà văn luôn giữ cho ngòi bút của mình cân bằng giữa tính hiện thực, hài hước với tính hiện thực huyền ảo.

* Thông điệp của sự hướng thiện

Quán thủy thần là câu chuyện của tình yêu, sự hy sinh không cần đền đáp lại. Như bà cụ Thao trong Nhân gian một cõi đã vực dậy cuộc sống của một đại gia đình, chứng kiến tất cả thăng trầm của cuộc đời và bà dùng sự mắng chửi để bày tỏ tình yêu của mình. Truyện Đi gia tri xanh mâytrng là lời ngậm ngùi của một hài nhi không bao giờ được mẹ sinh ra đời, song vẫn tràn đầy tình yêu, thậm chí còn tìm cách bào chữa cho cha mẹ mình…

200 trang, 10 truyện in trong Quán thủy thần của Nguyễn Hải Yến là 10 đoản khúc đẹp và buồn, đi từ cái đẹp để hướng thiện, như là một sự tự tu tập nghiêm ngặt. Tác giả viết về cuộc sống như là một quá trình chứ không giản đơn là kết quả của một quãng, một đời hay tích tụ những cuộc đời… Có lẽ chính vì vậy mà Quán thủy thần trở nên nổi bật và được trao giải thưởng mảng sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam trong năm qua.

Cả tập sách là sự xót xa, chắt chiu của tình thương, của sự mong mỏi cứu rỗi những cảnh đời luân lạc, những cảnh khổ… Một điều lạ là tác giả không đặt tình huống vào thế đối kháng, không để con người đối đầu nhau, mà luôn tìm hướng hóa giải (có khi rất hài hước, cười ra nước mắt; có khi lại vô cùng đau xót). Bắt đầu từ cái đẹp, từ tình cảm con người thuần phác, thủy chung, Nguyễn Hải Yến đã gửi đến người đọc thông điệp của sự hướng thiện.

Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái thì cho rằng: “Mọi cung bậc buồn đau của các nhân vật của Yến, rốt cuộc cũng dẫn về bi kịch của sự phát triển xã hội Việt, hôm qua, hôm nay”, đó là “bài toán mà người Việt phải giải quyết… trong sự tích hợp văn hóa toàn cầu”... (Lời nói đầu)

Tuy nhiên, nếu suy ngẫm thật kỹ có thể thấy Quán thủy thần đã vượt thoát được vòng lẩn quẩn của đời sống hiện thực và đưa ra một hướng nhìn, một thái độ sống để “giải cứu” con người, đặc biệt là những người phụ nữ vẫn phải chịu bao thiệt thòi. Đó là nhìn cuộc sống thuần khiết hơn, yêu thương hơn, và loại bỏ tất cả sân si, thù hận. Áp dụng cái nhìn này vào sự tích hợp đa văn hóa có thể loại trừ những sự khác biệt và nhân lên tình thương, lòng bao dung và cả lòng can đảm sống...

Mai Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202002/quan-thuy-than-cai-dep-va-su-huong-thien-2988893/