Quảng Ngãi: Tìm hướng phát triển bền vững cho 'cây thoát nghèo'

Cây keo được xem là 'cây thoát nghèo' của các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt đối với khu vực miền núi. Thế nhưng, người trồng keo của tỉnh này lại đang đối mặt nhiều khó khăn bởi tác động của thiên tai, dịch bệnh.

Trên diện tích rẫy gần 1,5ha, bà Đinh Thị Bình (xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà) thường trồng 8.000 - 10.000 cây keo. Những năm trước, keo phát triển ổn định và mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Thế nhưng, từ năm 2022 đến nay, trên rẫy cứ thi thoảng lại xuất hiện một số cây chết, phải chặt bỏ.

Nhiều cây keo bị chết khô.

“Vừa rồi cây chết nhiều, lan ra cả rẫy, tôi cũng chưa biết tính thế nào, giữ lại cũng không được mà chặt bỏ lại không có tiền để đầu tư trồng mới”, bà Bình chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, rừng keo của gia đình bà Phạm Thị Nao (xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa) cũng bị vàng lá, héo cây rồi chết hàng loạt.

“Đây là năm thứ 2 rừng keo gặp tình trạng chết héo như thế này. Những năm trước, keo chỉ bị chết lác đác, còn năm nay chết đồng loạt. Giờ không biết xoay sở đâu ra tiền để tái sản xuất”, bà Nao lo âu.

Người dân chặt, đốt bỏ keo bị bệnh.

Quảng Ngãi có khoảng hơn 225.000ha rừng trồng, trong đó chủ yếu là keo nguyên liệu. Nhiều năm qua, loại cây này đã góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ…

Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề trồng keo ở Quảng Ngãi đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài yếu tố thiên tai thì dịch bệnh đang là thách thức lớn, khi từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh chết héo trên cây keo xuất hiện ở hơn 8.200ha rừng trồng tại hầu hết các địa phương, trong đó có hơn 5.500ha bị nhiễm nặng và có xu hướng lan rộng, gây thiệt hại về kinh tế.

Các xét nghiệm đã xác định nguyên nhân gây bệnh là nấm Ceratocystis sp và nấm Fusarium sp. Các hộ dân được khuyến cáo phải tiêu hủy các cây bị bệnh, rắc vôi bột, dọn thực bì để ngăn chặn sự lây lan và phát tán.

Cây keo chết do bị nhiễm nấm.

Dù vậy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Thế Vĩnh cho rằng, ngoài nấm bệnh, tình trạng keo chết cũng có nguyên nhân sâu xa khác là do cách canh tác của người dân chưa đúng kỹ thuật.

Thực tế, hiện nay, đa số các hộ dân vẫn trồng với mật độ quá dày. Đa số các chủ rừng đều trồng với mật độ khoảng 5.000 cây/ha, thậm chí có nơi lên đến 8.000 cây/ha, trong khi đó, mật độ khuyến cáo chỉ từ 1.500 – 2.000 cây/ha hoặc cao nhất là 2.500 cây/ha.

Trồng với mật độ quá dày so với khuyến cáo là một trong những nguyên nhân làm keo bị chết.

Việc phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch, người dân cứ thấy đất trống là trồng keo cũng dẫn đến việc không lường trước được những tác động của thiên tai.

Ngoài ra, việc thoái hóa giống hoặc sử dụng giống không được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng cũng dẫn đến tình trạng keo bị bệnh, từ đó suy giảm giá trị rừng trồng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi Phạm Duy Hưng, giống là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng rừng trồng. Tuy nhiên, giá bán cây keo nuôi cấy mô cao nên phần lớn các tổ chức, cá nhân trồng rừng trên địa bàn tỉnh vẫn sử dụng keo hom, dù loài này dễ nhiễm bệnh, khả năng chống chịu với gió bão kém.

Phần lớn các tổ chức, cá nhân trồng rừng trên địa bàn tỉnh vẫn sử dụng keo hom.

Đồng thời, việc tập trung khai khác theo chu kỳ từ 3 đến 5 năm để bán gỗ dăm dẫn đến giá trị của rừng trồng rất thấp, bình quân chỉ đạt từ 60 - 80 triệu đồng/ha.

Trong khi chưa xác định được loại cây gì có thể thay thế được cây keo, ông Hưng cho rằng, giải pháp về lâu dài vẫn là kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư cùng với chủ rừng để hình thành chuỗi liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với gỗ lớn, dần dần thay đổi phương thức canh tác cũ để nâng cao giá trị từ rừng.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-tim-huong-phat-trien-ben-vung-cho-cay-thoat-ngheo.html