Quảng Trị và những dấu mốc trên bàn đàm phán Paris

Chiều 19/4, Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng, phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị phối hợp tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo Khoa học 'Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 - Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển'.

Với chiến dịch Trị Thiên, Giải phóng Quảng Trị vào ngày 1/5/1972, lần đầu tiên quân và dân ta phá tan tuyến phòng thủ kiên cố nhất ở miền Nam Việt Nam, thể hiện sức mạnh tiềm tàng của chiến tranh nhân dân. Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán Paris. Những chiến thắng này cùng với nhiều sự kiện lịch sử khác cho thấy Quảng Trị không chỉ là một trong những chiến trường ác liệt nhất trong chiến tranh chống Mỹ đồng thời cũng là biểu tượng của hòa bình.

Ông HỒ ĐẠI NAM, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị: 3 mốc lớn trong chiến dịch Giải phóng miền Nam đều liên quan đến Quảng Trị, năm 1968, chiến dịch Khe Sanh - Tà Cơn thắng lợi, buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, năm 1971 khi chiến dịch Đường 9 Nam Lào kết thúc, Mỹ bắt đầu chấp nhận điều kiện có lợi cho ta trên bàn đàm phán, sau 81 ngày đêm ở Quảng Trị và Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, Mỹ mới buộc phải ký hiệp định Paris".

Vì những ý nghĩa quan trọng như vậy, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Quảng Trị sẽ tổ chức Hội thảo với chủ đề "Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 - Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển", vào ngày 29/4/2022.

Hội thảo trực tuyến với điểm cầu chính tại Quảng Trị và 14 điểm cầu ở các quân khu, quân đoàn, và nhiều đơn vị liên quan khác nhằm khẳng định ý nghĩa của các sự kiện này và tri ân các anh hùng liệt sĩ, nhân dân Quảng Trị nói riêng cùng quân và dân cả nước nói chung.

Thực hiện : Khánh Hoàng Phan Xanh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quang-tri-va-nhung-dau-moc-tren-ban-dam-phan-paris