QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 28/3/2024

'Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 và Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2026); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đoàn Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương hội đàm với Phó Chủ tịch Hạ viện Ba Lan; Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo 'Góp ý Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)';...' là những hoạt động đáng chú ý của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày 28/3/2024.

* Sáng 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc tiếp Đoàn Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN).

Đánh giá cao hoạt động của KEIDANREN trong suốt thời gian qua góp phần vào thúc đẩy quan hệ hai nước và việc khởi động giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên có kế hoạch hành động triển khai cụ thể, toàn diện, khoa học, đúng hướng ngay từ đầu. Trong đó, vấn đề rất quan trọng là thể chế, chính sách, nguồn lực cần có sự tham gia sớm của các cơ quan của Quốc hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TIẾP ĐOÀN ỦY BAN KINH TẾ NHẬT – VIỆT CỦA LIÊN ĐOÀN CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ NHẬT BẢN: TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC GÓP PHẦN VUN ĐẮP QUAN HỆ HAI NƯỚC

* Chiều 28/03, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm hoạt động Quốc hội Việt Nam đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong một năm với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định kịp thời 84 vấn đề lớn, quan trọng, đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định, phát triển đất nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo.

Xem nội dung chi tiết tại đây:

* Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2026). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo buổi Lễ.

Ngày 06/01/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, 89% cử tri ở các tỉnh thành trong các nước đã đi bỏ phiếu, lựa chọn 333 đại biểu tham gia Quốc hội khóa I và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Xem nội dung chi tiết tại đây: LỄ PHÁT ĐỘNG THI ĐUA HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM (06/01/1946 – 06/01/2026)

* Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ kỷ niệm tích cực triển khai các công việc theo kế hoạch, tập trung vào 5 trọng điểm của phong trào thi đua. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, với bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, trí tuệ, giá trị cho Quốc hội; nỗ lực phấn đấu thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đáng với niềm tin của cử tri và Nhân dân.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ THAM DỰ LỄ PHÁT ĐỘNG THI ĐUA HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM

* Tiếp tục hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Châu Âu, ngày 27/3 theo giờ địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu Đoàn công tác đã đến Trụ sở Quốc hội Ba Lan, có cuộc Hội đàm với Phó Chủ tịch Hạ viện Ba Lan Krzysztof Bosak. Đây là hoạt động đầu tiên của Đoàn bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Ba Lan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ vui mừng được đến thăm đất nước Ba Lan xinh đẹp. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đến Ba Lan trên cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội. Tại cuộc Hội đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hợp tác nhiều mặt với Ba Lan, coi Ba Lan là đối tác ưu tiên của Việt Nam tại Trung Đông Âu.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG HỘI ĐÀM VỚI PHÓ CHỦ TỊCH HẠ VIỆN BA LAN

* Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, với tinh thần chủ động “từ sớm, từ xa”, việc phối hợp giữa Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội với các Đoàn ĐBQH trên nhiều lĩnh vực công tác tiếp tục đi vào nền nếp, có chiều sâu và đạt được những kết quả tích cực với nhiều kết quả nổi bật.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI VỚI ĐOÀN ĐBQH CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TIẾP TỤC ĐI VÀO NỀN NẾP, CÓ CHIỀU SÂU, ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC

* Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024 diễn ra chiều 28/3, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đưa ra 03 giải pháp trọng tâm nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác năm 2024.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN NÊU 03 GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NHẰM TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ NHIỆM VỤ NĂM 2024

* Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng cần phải khẳng định vai trò, vị trí, vị thế của Đoàn ĐBQH ở địa phương thông qua công việc, hiến kế, góp ý đồng hành, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ thực tiễn…

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐBQH NGUYỄN THỊ THU HÀ: KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ, VỊ TRÍ, VỊ THẾ CỦA ĐOÀN ĐBQH Ở ĐỊA PHƯƠNG

* Phát biểu tại phát động phong trào thi đua kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, đây là dịp để khơi dậy sức mạnh to lớn của khổi đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm thi đua hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Xem nội dung chi tiết tại đây: KHƠI DẬY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC, HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM

* Sáng 28/3, tại Hà Nội, nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và cung cấp thông tin phục vụ Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)”. TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

Lưu ý đây là dự án luật quan trọng, phức tạp, các chính sách được đề xuất chứa đựng nhiều nội dung mới, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển đề nghị các đại biểu tập trung góp ý toàn diện vào nội dung dự thảo luật. Trong đó, quan tâm cho ý kiến về các chính sách cơ bản; nội dung sửa đổi liệu đã phúc đáp được yêu cầu của thực tiễn đặt ra hay chưa?;…

Xem nội dung chi tiết tại đây:

* Tham vấn chuyên gia tại Hội thảo, các ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Công đoàn trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết nhằm đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động, từ đó thu hút đông đảo người lao động tham gia Công đoàn.

Xem nội dung chi tiết tại đây: BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI, THU HÚT ĐÔNG ĐẢO NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA CÔNG ĐOÀN

* Đánh giá về kết quả Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cho rằng việc điều hành, sắp xếp chương trình Hội nghị khoa học đã giúp cho không khí thảo luận sôi nổi, chất lượng. Cáy ý kiến tâm huyết, trí tuệ, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao góp phần hoàn thiện các dự án Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Xem nội dung chi tiết tại đây: HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5: KHÔNG KHÍ THẢO LUẬN SÔI NỔI, THẲNG THẮN TRÊN TINH THẦN XÂY DỰNG, TRÁCH NHIỆM CAO

* Đóng góp ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Lý Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, các cơ quan, tổ chức không thuộc trường hợp nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử thường không có người làm lưu trữ chuyên trách, nên trước khi hủy tài liệu cần có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý cấp trên để tránh trường hợp việc hủy tài liệu khi tài liệu vẫn còn giá trị.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐBQH LÝ THỊ LAN: CẦN CÓ Ý KIẾN THẨM ĐỊNH CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN TRƯỚC KHI THỰC HIỆN HỦY TÀI LIỆU

* Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, đối với trốn đóng bảo hiểm xã hội nên xây dựng thành quy định tội phạm mới bổ sung trong Luật Hình sự (như tội trốn thuế) và có chế tài hình sự riêng. Như vậy, mới xử lý đúng, trúng và nhanh, phù hợp với từng mức độ vi phạm đóng trong trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: VIỆC TRỐN ĐÓNG BHXH NÊN ĐƯỢC XÂY DỰNG THÀNH QUY ĐỊNH TỘI PHẠM MỚI BỔ SUNG TRONG LUẬT HÌNH SỰ

* Tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách, nhiều ĐBQH đã quan tâm phát biểu ý kiến nhằm hoàn thiện các nội dung Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bên cạnh đó, một số vấn đề của Dự án Luật như vấn đề về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động cũng được các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm nghiên cứu.

Xem nội dung chi tiết tại đây: HOÀN THIỆN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG TAI NẠN LAO ĐỘNG

* Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, công chứng điện tử là một xu thế chung trong hoạt động công chứng trên toàn thế giới và Việt Nam. Do đó, Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới đây cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề này.

Xem nội dung chi tiết tại đây: SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG: CẦN HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ VỀ CÔNG CHỨNG ĐIỆN TỬ

Thế Hà

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85745