QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH PHÁN QUYẾT CỦA CƠ QUAN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THEO QUY ĐỊNH CỦA HIỆP ĐỊNH EVIPA

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng 08/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là nước CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Mở đầu phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình tóm tắt và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU.

Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, dự thảo nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 9 theo đề nghị của Chủ tịch nước và Chính phủ. Cùng với việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA, việc Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết riêng để bảo đảm công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA là hết sức cần thiết, vừa thể hiện quan điểm chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định EVIPA, tăng cường sự tin cậy và thúc đẩy các nước thành viên Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định.

Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường thảo luận về dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung về tính hợp hiến, tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật; tên gọi và phạm vi đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết; về việc áp dụng pháp luật để công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA; về trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan và hiệu lực thi hành của nghị quyết.

Theo đó, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp về sự cần thiết ban hành Nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA. Nhất trí với tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, song các đại biểu cũng đề nghị, cần xác định rõ nguyên tắc, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA; đồng thời, đặt ra cơ chế mới về trình tự, thủ tục công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA. Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần quy định cụ thể hơn thẩm quyền công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA và giao trách nhiệm cụ thể cho Tòa án Nhân dân tối cao trong việc hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Đại biểu Lê Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nêu vấn đề, theo khoản 4, điều 2 dự thảo Nghị quyết, quyết định của Tòa án Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định sẽ không bị kháng cáo, kháng nghị. Đại biểu cho rằng, không bị kháng cáo có thể được nhưng cần cân nhắc việc không bị kháng nghị liệu có vi phạm về thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam không bởi không thể tước đi quyền kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trong trường hợp Tòa án Việt Nam không công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh

Băn khoăn về việc công nhận và cho thi hành phán quyết, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh cho biết, phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA về bản chất không phải phán quyết của trọng tài nước ngoài, mà chỉ là phán quyết của cơ quan thường trực trọng tài nước ngoài. Nếu xử sự không khéo sẽ có tác động mạnh mẽ tới hiệp định bảo hộ đầu tư. Do đó, đại biểu đề nghị, Tòa án Nhân dân tối cao cần phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng kết việc thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước New York. Qua đó rút ra những điểm cần thiết đối với dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA. Đại biểu cũng đề nghị, Tòa án Nhân dân tối cao nên thành lập bộ phận chuyên trách, phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài ngành tòa án, nhằm nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh với việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với EU với tỷ lệ tán thành rất cao đã tạo môi trường thuận lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, qua đó khẳng định rõ vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo Nghị quyết phê chuẩn đã được Quốc hội thông qua thì toàn bộ nội dung Hiệp định được áp dụng trực tiếp trừ một số quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định sẽ được thực hiện theo một nghị quyết riêng của Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng quyết định này của Quốc hội là hoàn toàn sáng suốt vì các nội dung tại Điều 3.57 của Hiệp định có một số nội dung còn chưa cụ thể, một số nội dung chưa được pháp luật Việt Nam quy định, do đó rất khó có thể áp dụng được trực tiếp.

Tán thành với dự thảo Nghị quyết song để bảo đảm cho Hiệp định được hiểu và áp dụng thống nhất, hạn chế tối đa khả năng xảy ra tranh chấp, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần bổ sung và làm rõ hơn một số nội dung. Trong đó, phải quy định rõ khái niệm về nghĩa vụ tài chính phải thi hành theo phán quyết là nghĩa vụ gì. Đại biểu cũng cho rằng Hiệp định không nói rõ về thời điểm ban hành phán quyết hay thời điểm yêu cầu công nhận phán quyết nên trong trường hợp hiệp định quy định không rõ thì cần phải giải thích hiệp định theo hướng vừa phù hợp với nội dung của hiệp định nhưng cũng vừa phải bảo đảm được lợi ích của Việt Nam. Theo đó thì cần quy định đây là thời điểm ban hành nghị quyết. Mặc dù phán quyết này được ban hành trong thời hạn 5 năm hoặc một thời hạn dài hơn do Ủy ban xác định nhưng các bên không yêu cầu công nhận ngay, người ta đợi hết 5 năm rồi người ta mới đưa ra yêu cầu công nhận và để được hưởng quy định rằng phán quyết này sẽ không bị xem xét lại, không bị kháng cáo, kháng nghị.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Công Hồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng Nghị quyết phải quy định đủ rõ để không tạo ra một cơ chế riêng, một trình tự, thủ tục riêng có thể hạn chế đến việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Hiệp định và nếu quy định thành một trình tự, thủ tục riêng để công nhận mà có thể hạn chế đến việc công nhận và cho thi hành ở Việt Nam thì sẽ trái với cam kết của Hiệp định. Đại biểu Nguyễn Công Hồng cũng cho rằng dự thảo Nghị quyết cũng đã có quy định giao cho Tòa án nhân dân tối cao, giao cho Chính phủ và cơ quan hữu quan rà soát để có thể tự mình hoặc theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để ban hành để đảm bảo thi hành nghị quyết nên Nghị quyết của Quốc hội không cần phải quy định chi tiết thêm.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua thảo luận các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết ban hành một nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA; khẳng định quyết tâm chính trị của Nhà nước ta trong việc sớm triển khai các cam kết trong EVIPA, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, các đại biểu Quốc hội tán thành với tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết; nhất trí về thời điểm có hiệu lực và nội dung quy định tại Điều 2; đồng thời cho rằng dự thảo Nghị quyết cần xác định về nguyên tắc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc áp dụng pháp luật để công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam và không đặt ra một cơ chế mới về trình tự, thủ tục của việc công nhận cho thi hành các phán quyết này.

Một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể hơn về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA hoặc giao trách nhiệm cụ thể cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về thủ tục này. Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội cũng nêu thêm một số vấn đề như đặt vấn đề có kháng nghị của Viện kiểm sát hay không, trình tự, thủ tục về chi phí, v.v.. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan trình dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Tư pháp, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, các cơ hữu quan sẽ tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và báo cáo lại Quốc hội khi trình Quốc hội thông qua Nghị quyết này./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=46118