Quy định học phí cần căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, một hệ thống giáo dục đại học tốt phải đảm bảo được đồng thời cả 3 tiêu chí công bằng, chất lượng và hiệu quả.

Tự chủ là xu thế tất yếu để phát triển giáo dục đại học, nhưng vấn đề quan trọng là làm thế nào để khi bước vào cơ chế này, học phí không là rào cản, gánh nặng đối với người học?

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, hiện nay đang tồn tại mâu thuẫn, khi các trường thực hiện cơ chế tự chủ, ngân sách nhà nước không những không tăng mà còn bị cắt giảm, để đảm bảo chất lượng, các trường đại học phải tăng học phí. Thế nhưng, nếu học phí tăng quá cao sẽ ảnh hưởng tới nguyên tắc công bằng xã hội, ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của người dân.

Khi xem xét tình huống cụ thể ở nhiều quốc gia thì chúng ta phải ưu tiên trước hết cho sự công bằng, nghĩa là phải làm sao để người nghèo cũng có cơ hội thụ hưởng giáo dục đại học.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Hiện nay, các nguồn thu bổ sung của các trường đại học từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hiến tặng từ cộng đồng,… rất ít. Vì vậy các trường đại học phải tăng học phí để có nguồn lực, để nâng cao chất lượng. Nhưng điều đó không có nghĩa là trường đại học được tăng học phí lên mức quá cao.

Học phí không thể quá thấp, nhưng cũng không thể quá cao, giữa học phí và chất lượng phải có sự dung hòa, cân đối, chúng ta phải chấp nhận học phí ở mức độ nào thì mục tiêu chất lượng cũng ở mức tương đương.

Các quốc gia trên thế giới đều thực hiện nguyên tắc là học phí trường công lập phải đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Do đó, học phí phải ở mức người dân chấp nhận được, quy định về học phí cần căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân. Vì người dân đóng thuế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, do đó con em họ phải được thụ hưởng những quyền lợi giáo dục tại hệ thống trường công lập.

“Khi mức thu nhập bình quân của người dân mình còn thấp, chúng ta không thể đặt mục tiêu chất lượng giáo dục ngang với các trường đại học của Mỹ.

Chỉ có trường tư mới được tăng học phí tương đối thoải mái, vì thế nên ở các nước, chuẩn chất lượng của trường tư thường cao hơn so với trường công”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định.

Theo Tiến sĩ Khuyến, muốn có một hệ thống giáo dục đại học tốt phải đảm bảo đồng thời được cả 3 tiêu chí công bằng, chất lượng và hiệu quả.

Tính công bằng thể hiện ở việc đảm bảo cơ hội học đại học cho mọi người dân. Như vậy phải tăng quy mô đào tạo để nhiều người được thụ hưởng.

Nhưng công bằng phải song hành cùng chất lượng, không phải vì muốn tăng quy mô mà mở ngành tràn lan, đào tạo kém chất lượng.

Có chất lượng rồi phải đảm bảo tính hiệu quả, nghĩa là trường đại học phải làm sao sử dụng hiệu quả nhất nguồn thu của mình (nguồn thu từ ngân sách, từ học phí, từ các khoản phụ thu,…) để nhiều người được thụ hưởng giáo dục đại học.

Và như vậy, các chính sách giáo dục hay bản thân chính sách về học phí cũng phải đảm bảo tính công bằng, chất lượng và hiệu quả.

Muốn đạt được tất cả các tiêu chí đó thì phải có hệ thống quản lý thống nhất, bao quát, cần có sự chỉ đạo nhất quán trong toàn bộ hệ thống giáo dục.

Nhà nước cần đầu tư cho giáo dục đại học

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, hiện nay, các cấp quản lý vẫn lẫn lộn giữa tự chủ đại học với tự túc nguồn lực, các quy định pháp lý vẫn xem tự chủ là tự túc, trường đại học được trao quyền tự chủ đồng nghĩa với việc phải chịu cắt giảm ngân sách từ nhà nước.

Tự chủ không có nghĩa là “bỏ mặc” các trường tự lo kinh phí hoạt động. Nhà nước phải thể hiện vai trò của mình, phải có sự đầu tư cho giáo dục đại học, tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công tự chủ đại học.

Để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục đại học, ngân sách nhà nước phải đạt 50% tổng nguồn thu của trường đại học, 50% còn lại là từ học phí và các nguồn thu bổ sung. Vậy mà hiện nay, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học còn rất thấp, chỉ chiếm 0,27% GDP quốc dân (tổng hợp số liệu trên hệ thống Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính năm 2020).

Cần phải điều chỉnh cho ngân sách giáo dục tăng lên, không thể để “gánh nặng” học phí dồn lên vai người học.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, cần phải có giải pháp để các trường đại học cải thiện nguồn thu qua hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Cụ thể, cần sáp nhập các viện nghiên cứu vào trường đại học để phát triển hoạt động nghiên cứu, tránh tình trạng phân tán nguồn lực.

Bên cạnh hoạt động đào tạo, trường đại học còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ở các nước không tách rời viện nghiên cứu ra khỏi trường đại học như ở nước ta.

Đội ngũ các nhà khoa học trong các trường đại học rất đông, thậm chí có thể đông hơn các viện nghiên cứu, nhưng ngân sách cho nghiên cứu khoa học chủ yếu lại “nuôi” hệ thống viện nghiên cứu.

Để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, trường đại học còn phải trích phần trăm từ học phí. Đây là vấn đề cần phải được nhìn nhận lại.

Khi sáp nhập các viện nghiên cứu vào trường đại học giúp tập trung nguồn lực để phát triển nghiên cứu khoa học, tương lai đưa các trường trở thành trung tâm nghiên cứu lớn, thực hiện chuyển giao tri thức, chuyển giao công nghệ và có thêm nguồn thu giúp trường nâng cao chất lượng.

Hiện nay, nhiều trường đại học đều cố gắng tăng học phí để nâng cao chất lượng giáo dục, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, còn cần phải chứng minh chất lượng có tương xứng với mức học phí được các trường đưa ra.

Chính vì vậy, phải tăng cường hoạt động kiểm toán, kiểm định, đặc biệt với các chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết có mức học phí cao.

Phạm Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/quy-dinh-hoc-phi-can-can-cu-vao-muc-thu-nhap-trung-binh-cua-nguoi-dan-post229188.gd