Quy tắc văn hóa công vụ, tại sao không?

Thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử của người cán bộ với cộng đồng gây bức xúc trong dư luận. Dường như khi bước chân ra khỏi cửa cơ quan, một số cán bộ quên mất rằng mình vẫn đang được xã hội nhìn nhận dưới tư cách là người của nhà nước, từ đó có những hành động thiếu chuẩn mực. Nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm Quy tắc ứng xử dành riêng cho cán bộ.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Văn Cường – Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết tại cuộc tọa đàm Văn hóa ứng xử và trách nhiệm công vụ: Mối quan hệ giữa cán bộ công chức và người dân thể hiện qua nét văn hóa ứng xử. Theo Quyết định số 1847 quy định rõ chuẩn mực ứng xử của công chức với người dân khi giải quyết công việc, đó là trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân.

Ảnh minh họa

Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Tuy nhiên trong thực tế một số công chức nghĩ rằng mình không phải thực hiện các nội dung này khi rời công sở. Do vậy, có những ứng xử đã tạo nên bức xúc trong dư luận trong thời gian vừa qua. Trong Quyết định 1.847 ghi rõ, trong và ngoài giờ làm việc vẫn phải thực hiện.

“Chúng ta có cần quy định thêm trong và ngoài giờ hành chính? Tôi nghĩ rằng không cần thêm quy định, bởi trong quyết định này đã nói rõ rồi và trách nhiệm chúng ta phải thực hiện theo quy định”, ông Trịnh Văn Cường khẳng định.

Bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, tiến sĩ Ngô Thành Can - Phó trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia) phân tích, trong thời gian qua có một loạt những hiện tượng, hành vi phản cảm hoặc là những hành vi vi phạm lối sống văn hóa của một bộ phận cán bộ công chức.

Ngoài những thái độ hách dịch kẻ cả như hành vi náo loạn ở sân bay, không chuẩn mực đối với phụ nữ… còn có một loạt các hiện tượng cán bộ công chức tranh cãi, đánh nhau nơi đường phố do các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh. Mặc dù ở nhiều địa phương đã có quy định ứng xử nơi công cộng nhưng chế tài chưa đủ mạnh, chưa nghiêm minh, cần phải có những chế tài mạnh và phạt thì mới có tác dụng.

“Chúng ta đã ban hành nhiều văn bản, quy định, quy chế. Chúng ta cũng có những yêu cầu về văn hóa và thực thi văn hóa công vụ, yêu cầu về thực thi những giá trị của nền văn hóa, nhiều khi ở mức độ cao hơn là đạo đức trong công vụ. Nhưng rõ ràng ở một số nơi việc xử lý vi phạm vẫn còn nhẹ, còn xuề xòa. Hình như chúng ta thấy có hiện tượng ở đâu đó còn có sự bao che, muốn giấu đi, muốn xử lý nội bộ…

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, do đó chúng tôi thấy những quy định về chế tài xử lý phải làm cho người vi phạm tự nhận thức được rằng sự vi phạm có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của mình và phần nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của mình khi bị xử lý, bị xử phạt”, Giáo sư Ngô Thành Can nói.

Đồng quan điểm với tiến sĩ Ngô Thành Can, Thứ trưởng Trịnh Văn Cường cũng cho rằng, chế tài có, quy định có nhưng chế tài xử lý nhanh chóng thì chưa có. “Những vi phạm của công chức khi ra ngoài xã hội bản thân những người cán bộ không có ai bao che nhưng lại cố ý tạo ra cho quần chúng là có người bao che. Nhưng tôi nghĩ người bao che không có nhiều mà do những người này tự thân tạo ra vỏ bọc như vậy. Bản thân người lãnh đạo cũng luôn luôn quán triệt, nhắc nhở cán bộ của mình”, ông Cường nhận định.

Một trong những giá trị của văn hóa công vụ là tính chuyên nghiệp. Đảm bảo tính chuyên nghiệp là đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn nghề nghiệp từ quy trình thực hiện công vụ đến các tiêu chuẩn về tác phong, phong cách làm việc. Trong nội dung tại Đề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 nêu rõ, “Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân, bao gồm: Phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”. “Không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân”. “Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý; không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Văn Cường: Trong thời gian qua, văn hóa công vụ đã có chuyển biến và thay đổi tích cực. Sự chuyển biến tích cực trong văn hóa công vụ sẽ góp phần thúc đẩy sự cải cách hành chính, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Trong đề án quy định rất rõ tính chuyên nghiệp và minh bạch, nhưng ở một vài nơi vẫn chưa làm tốt trong quy trình thủ tục cũng như trách nhiệm của cán bộ công chức. Chính vì không minh bạch nên việc giải quyết quy trình thủ tục dẫn đến một số câu chuyện phản cảm mà dư luận bức xúc trong thời gian qua.

Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Thành Can còn nêu một nguyên nhân nữa khiến cho văn hóa công vụ bị ảnh hưởng, đó là “năng lực trình độ thực sự thể hiện chức trách và kết quả công việc, tuy nhiên năng lực phải đi đôi gắn kết với đạo đức công vụ. Một người công chức hoặc một người giải quyết công vụ nếu đạo đức không có thì năng lực cũng không tốt. Năng lực chỉ là điều kiện đủ, điều kiện cần phải có đạo đức”, đồng thời ông trích dẫn một câu của cổ nhân: “Người có cả đức tài toàn vẹn thì đó là bậc thánh nhân. Người mà đức tài đều kém thì đó là người ngu dốt. Người có đức trên tài thì đó là người quân tử. Người có tài hơn đức thì đó là kẻ tiểu nhân”.

Chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức trong Quyết định 1847 cũng nêu rõ: Cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ.

Bàn về vấn đề này từ thực tế tại địa phương, ông Vương Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hòa Bình cho rằng, năng lực trình độ có ảnh hưởng một phần văn hóa công vụ. Nhận thức của công chức viên chức đối với văn hóa công vụ mới là quan trọng. Trong cuộc sống chúng ta cũng gặp những người công tác ở vị trí không đòi hỏi chuyên môn cao, tuy nhiên cách hành xử rất văn hóa, đảm bảo văn hóa công sở, nhưng cũng có những trường hợp có trình độ chuyên môn cao nhưng lại hành xử thiếu văn hóa.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quy-tac-van-hoa-cong-vu-tai-sao-khong-98476.html