Quyết tâm xây dựng Trường Chính trị Hà Giang đạt chuẩn mức 1

BHG - Ngày 19.5.2021, Ban Bí thư ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về “trường Chính trị chuẩn” và sau đó ngày 6.9.2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có Hướng dẫn số 381-HD/HVCTQG để cụ thể hóa các nội dung cần thực hiện cũng như quy trình, minh chứng đánh giá và công nhận trường Chính trị chuẩn. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, ngày 30.3.2022, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Đề án số 09-ĐA/TU về “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Hà Giang đạt các tiêu chí trường Chính trị chuẩn”, đây là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng, xác định đầy đủ 6 nhóm nội dung như việc thể chế, quy định cụ thể các văn bản của Trung ương; tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ, viên chức; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính... với mục tiêu chính để trường đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025, đạt chuẩn mức 2 vào năm 2030.

Hội đồng đánh giá trường Chính trị chuẩn tỉnh Hà Giang họp đánh giá kết quả năm 2022.

Trường Chính trị tỉnh được thành lập ngày 10.4.1957, đến nay đội ngũ viên chức và người lao động có trình độ đảm bảo yêu cầu vị trí việc làm, giảng viên của trường đã cơ bản có trình độ chuyên môn thạc sỹ và cao cấp lý luận chính trị, trong đó có 1 tiến sỹ và 2 nghiên cứu sinh. Cơ sở vật chất của trường đã và đang được đầu tư theo hướng trường chuẩn, với diện tích 2,5 ha, các khu nhà làm việc, nơi học tập, lưu trú, hội trường, phòng truyền thống, thư viện, nhà khách, nhà ăn, căng tin, hệ thống phần mềm quản lý, giảng dạy và họp trực tuyến, camera kết nối... hệ thống đường nội bộ, cây xanh được bố trí xung quanh kết nối với sân trung tâm và điểm nhấn là Tượng đài Bác Hồ, khuôn viên mang đậm màu sắc, văn hóa trường Đảng. Hàng năm đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động và học viên.

Tính đến hết năm 2022, qua tự đánh giá trường đạt 30/55 (54,55%) số tiêu chí so với chuẩn mức 1, còn 25/30 số tiêu chí chưa đạt đó là tỷ lệ giảng viên chính, giảng viên đã qua bồi dưỡng kiến thức kinh điển, kết quả nghiên cứu và chuyển giao các đề tài khoa học cấp tỉnh; công tác phát hành sách, bản tin và xếp loại tổ chức và cá nhân cần có thời gian đánh giá trong 5 năm liền; một số hạng mục cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng cần bổ sung thêm. Trên cơ sở đó tỉnh đặt ra kế hoạch năm 2023 sẽ phấn đấu thực hiện thêm 17 tiêu chí, đạt 47/55 tiêu chí (85,45%). Năm 2024 sẽ phấn đấu thực hiện thêm 8 tiêu chí để đạt 55/55 tiêu chí, đồng thời hoàn thiện hồ sơ minh chứng để đề nghị Trung ương thẩm định và công nhận trường Chính trị đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025, dịp tổ chức Đại hội Đảng bộ trường lần thứ IX, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Lãnh đạo, cán bộ Trường Chính trị tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại Lễ bế giảng lớp Trung cấp lý luận chính trị A55.

Xác định đây là nhiệm vụ với nhiều khó khăn thách thức, nhưng cũng là cơ hội thuận lợi để Trường Chính trị tỉnh xây dựng và phát triển, góp phần quan trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của tỉnh. Từ đó đòi hỏi quyết tâm chính trị và quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền tỉnh; sự đồng lòng cố gắng của đội ngũ viên chức, người lao động và học viên nhà trường trong thời gian tới, với một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ phù hợp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí đảm bảo; tạo điều kiện và giao cho trường tổ chức thực hiện các đề tài, các hội thảo khoa học cấp tỉnh; có các quy định và cơ chế chính sách phù hợp về giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, mức hỗ trợ người học, mức học phí... để tạo thuận lợi cho trường chủ động thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu. Hội đồng đánh giá trường Chính trị chuẩn của tỉnh định kỳ tổ chức họp, rà soát các chỉ tiêu, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên có trách nhiệm tham gia chỉ đạo, hỗ trợ và thực hiện theo chức năng.

Thứ hai, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các tiêu chí, trong đó xác định rõ thời gian, công việc và phân công các đơn vị, khoa, phòng, cá nhân đảm nhiệm... tập trung vào nhóm công việc như: Tiếp tục thể chế cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ các văn bản có liên quan của cấp trên bằng các quy định, quy chế của trường một cách có hệ thống, đồng bộ, khả thi và phù hợp. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ viên chức và người lao động đảm bảo theo tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm; tỷ lệ giảng viên chiếm ít nhất 75%, cơ bản có trình độ thạc sỹ chuyên môn và cao cấp lý luận chính trị, được bồi dưỡng kiến thức kinh điển, có nghiệp vụ sư phạm hoặc phương pháp giảng dạy tích cực, có trên 60% giảng viên chính và tương đương, có 10% tiến sỹ hoặc nghiên cứu sinh. Thực hiện đầy đủ, đúng quy định các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng với kết quả đánh giá đạt khá trở lên. Tập trung nghiên cứu đề xuất và chứng minh tính cần thiết để được giao tổ chức thực hiện ít nhất 3 đề tài và 3 hội thảo cấp tỉnh, đồng thời thực hiện phù hợp số đề tài, hội thảo khoa học cấp trường, các kết quả nghiên cứu và tổng kết được kịp thời chuyển giao, kiến nghị, đề xuất; làm tốt công tác xuất bản sách, tạp chí, bản tin, thường xuyên cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử và phần mềm quản lý đào tạo của trường. Xây dựng và thực hiện tốt văn hóa ứng xử, văn hóa công sở trong trường Đảng; các tổ chính Đảng, nhà trường, các đoàn thể hàng năm phấn đấu được xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp và trang bị cơ sở vật chất phù hợp; tạo nguồn bổ sung và quản lý sử dụng kinh phí đúng quy định. Lập hồ sơ minh chứng khi kết thúc mỗi hoạt động, định kỳ tự đánh giá, để chủ động đề xuất với tỉnh, với Học viện các vấn đề phát sinh.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ viên chức, giảng viên, người lao động nhà trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sáng tạo, tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ để đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu vị trí việc làm, nhất là đội ngũ giảng viên cần có trình độ thạc sỹ chuyên môn, cao cấp lý luận chính trị và đã qua các chương trình bồi dưỡng cần thiết khác. Hàng năm được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không vi phạm kỷ luật...

Quyết tâm xây dựng để hoàn thành các tiêu chí trường Chính trị đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2025 đã được xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn với kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; bảo vệ nền tảng tư của Đảng, đấu tranh phản bác các tư tưởng sai trái, thù địch góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh Hà Giang.

ThS. Phạm Sỹ Hùng

(Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202305/quyet-tam-xay-dung-truong-chinh-tri-ha-giang-dat-chuan-muc-1-9e0562e/