Rạp phim 2020 chao đảo vì Covid-19: Mọi sự lao dốc không phanh, nguy cơ phá sản rình rập khi thói quen người dùng thay đổi?

Năm 2020 đi qua để lại tình trạng hoang tàn cho ngành công nghiệp chiếu phim ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, cùng với đó là sự dịch chuyển trong thói quen tiêu dùng của khán giả.

Cũng đã mấp mé đến những ngày cuối cùng của năm 2020 - một thời điểm đáng được coi là “kinh hoàng” nhất với thế giới khi liên tiếp những thảm họa nghiêm trọng xảy ra, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Dịch bệnh kéo đến cùng với nó là những tổn thất nghiêm trọng về tính mạng, tiền của và một trong những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn thế giới chính là ngành điện ảnh. Cho đến tận lúc này, các rạp phim tại Việt Nam và thế giới vẫn rất khó khăn trong việc gượng dậy sau Covid-19.

Bom tấn lớn nhỏ cũng phải rồng rắn kéo nhau lên kệ, thoi thóp chờ đợi ngày hết dịch

Không sai khi nói các rạp phim có thể tồn tại được chính là nhờ phim bom tấn. Còn nhớ, thời điểm đầu năm 2020 đánh dấu kế hoạch “ra sân” vô cùng huy hoàng của những tác phẩm lớn, từ cả phim nội địa lẫn Hollywood. Kể “sương sương”, chúng ta đã có Trạng Tí, Lật Mặt 5: 48h đều được mong chờ hay A Quiet Place II, The Eternals, Black Widow của Marvel, Godzilla vs. Kong và cả Fast & Furious 9… Đáng tiếc, dịch bệnh diễn ra khiến nhiều rạp phim bắt buộc phải đóng cửa, đảm bảo an toàn cho người dân. Ở những nơi rạp vẫn hoạt động thì tâm lý lo sợ, né tránh dịch cũng phần nhiều cản đường khán giả đi thưởng thức phim. Chính vì vậy, để tránh trình trạng thất thu, nhiều hãng phim đã buộc phải “cất poster” những tác phẩm đáng được mong đợi của mình, chờ thời điểm khác thích hợp hơn.

Những tác phẩm đáng lẽ sẽ ra mắt năm 2020

Trong suốt nhiều tháng đằng đẵng, mọt phim thế giới đã phải quen với cuộc sống không có rạp chiếu. May mắn thay tại Việt Nam, Covid-19 được kiểm soát nhanh chóng và những bộ phim như Ròm, Tiệc Trăng Máu đã sớm làm sống dậy văn hóa xem phim đang ngủ im lìm của khán giả. Hai bộ phim này thắng lớn, mang về hàng trăm tỷ và mở đường cho nhiều tác phẩm tiếp theo là Trái Tim Quái Vật, Chồng Người Ta, Bí Mật Của Gió… Dẫu vậy, các tác phẩm này “có cũng như không” và dường như rạp phim lại đang thiu thiu chìm vào giấc ngủ tiếp theo chờ đợi bom tấn mới.

Ròm có cuộc chạy bứt phá, còn Tiệc Trăng Máu vẫn đang linh đình với doanh thu liên tiếp chạm mốc mới

Về phần phim ngoại, chỉ có Bán Đảo - phần tiếp theo của Train To Busan, TenetMulan là gây được tiếng vang - tuy nhiên để nói là thành công thì không thể. Bán Đảo bị chê vì nội dung, Tenet càng xem càng khó hiểu, còn Mulan không được chiếu ở Việt Nam thì cũng ngã ngựa khi bị quê nhà quay lưng, ở Mỹ thì ngậm ngùi chiếu mạng với giá khoảng 700,000đ. Chứng kiến tình hình đó, các hãng phim khác cũng vội vội vàng vàng dời lịch cho “cục cưng” nhà mình. Việc những bom tấn Hollywood liên tục lùi lịch một cách giật cục, đầy bất ngờ không chỉ khiến khán giả bồn chồn mà còn làm nhà phát hành điêu đứng, lãng phí không nhỏ số tiền quảng bá phim.

Mulan làm hài lòng khán giả Mỹ nhưng ở Trung Quốc thì bị chê là thứ "lai căng" sai lệch. Doanh thu của phim qua nền tảng Disney cũng không hề được tiết lộ.

Dịch bệnh làm đứt gãy khả năng phục hồi của doanh nghiệp, thậm chí cụm rạp đứng đầu thế giới cũng điêu đứng đến sắp phá sản

Vào tháng 6 năm 2020, nhiều chuyên gia đã ước tính doanh thu của các rạp phim trên thế giới sẽ giảm khoảng 6 tỷ đô do dịch bệnh. Sự ảnh hưởng lớn và mạnh mẽ của đại dịch cũng đang khiến những hệ thống rạp chiếu lớn đứng trên bờ vực giải thể.

Một vài tháng trước, CJ CGV cũng đã thông báo sẽ bán 25% cổ phần tương đương 32,4 tỷ won của công ty con đầu tư bất động sản, cải thiện cấu trúc tài chính đang suy yếu vì Covid-19. Công ty này tiếp tục cho nghỉ nhiều nhân viên, đóng cửa một số cụm rạp ở các thành phố trong nỗ lực tiết kiệm chi phí khi doanh thu không đủ để bù đắp. Theo Brands Việt Nam, chỉ sơ bộ trong 3 tháng vừa qua CGV đã “bay màu” khoảng 500 tỷ đồng. Cùng lúc đó ở bên Hàn, công ty mẹ của cụm rạp cũng phải đóng cửa 30% số chi nhánh.

Một rạp CGV tại Hàn Quốc đăng thông báo đóng cửa vì Covid-19

Nếu như CGV hay Lotte còn được hậu thuẫn bởi công ty mẹ ở nước ngoài thì rạp nội địa Việt Nam đối mặt tình thế hóc búa hơn. Trước dịch, cụm rạp giá rẻ Beta Cineplex cũng hào hứng chuẩn bị nhận đầu tư 8 triệu đô, thế nhưng tất cả phải hoãn lại không biết đến bao giờ từ khi Covid-19 ập đến.

Tình hình các cụm rạp ở trời Tây còn thảm khốc hơn. AMC - hệ thống rạp chiếu lớn nhất thế giới đã báo cáo doanh thu quý 3/2020 giảm 91%. Chính họ cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản vì Covid-19. Hiện tại, tập đoàn này chỉ đang hoạt động ở công suất 40-50% nhưng số khách xuất hiện chỉ chiếm 10-20%, trong khi phải cần đến 25% thì mới có thể có lợi nhuận. Điều đó dường như sẽ khó xảy ra nếu không bom tấn nào chịu ra mắt. Cái tên thứ 2 của thế giới là Cineworld cũng đang chịu tình trạng không khá khẩm hơn.

Là chuỗi rạp lớn hàng đầu thế giới, AMC cũng chông chênh trước diễn biến của dịch bệnh

Giải pháp tạm thời chính là đem chiếu lại những bom tấn đã cũ với mức giá ưu đãi, tuy nhiên tất cả cũng không làm xoay chuyển được đà lao dốc không phanh của ngành. Tháp Lửa - bộ phim Hàn Quốc đang được chiếu lại tại rạp cũng chỉ mang về gần 2 tỷ sau thời gian chiếu đằng đẵng, theo số liệu không chính thức của Box Office Việt Nam.

Như thêm dầu vào lửa, sự xuất hiện của những hệ thống truyền hình trực tuyến là Netflix, Disney , Apple, Amazon Prime Video hay HBO Max cũng giáng thêm những đòn đau vào rạp chiếu. Khán giả giờ đây đang bắt đầu quen dần với sự “bình thường mới” khi bom tấn lớn được đưa thẳng lên mạng, còn rạp phim thì “có hay không cũng được”. Ví dụ điển hình cho điều này là Mulan vừa được ra mắt. Wonder Woman 1984 thì sẽ đi “nước đôi” cả rạp cả mạng, còn Black Widow cũng đang được thiên hạ đồn đoán sẽ bắt chước cô chiến binh Trung Quốc.

Nếu như khán giả Việt chỉ tiếp cận được Netflix, Prime Video, HBO Go... thì khán giả thế giới lại đang "ngập lụt" trong vô vàn các dịch vụ truyền hình trực tuyến

Nhiều hãng phim như Universal cũng đã phải làm việc với các hệ thống rạp chiếu để đưa đến thỏa thuận mới, làm sao cho phim có thể được chiếu trực tuyến trong thời gian ngắn sau khi ra rạp. Điều này sẽ làm giảm doanh thu của rạp đáng kể, nhưng nếu không thực hiện thì họ sẽ… chẳng nhận được đồng nào.

Tình hình đang khởi sắc tại Việt Nam, nhưng câu chuyện chiếu phim dường như sẽ thay đổi mãi mãi

Ở Việt Nam, sau mọi nỗ lực của các rạp chiếu để duy trì hoạt động kết hợp với những tác phẩm nội địa, tình hình đang chậm rãi trở nên khả quan hơn, đặc biệt sau Ròm Tiệc Trăng Máu. Đặc biệt, Tiệc Trăng Máu chạm mốc 175 tỷ đồng doanh thu cũng là nhân tố “chống lưng” hỗ trợ không nhỏ cho rạp Việt. Việc kiểm soát dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc cũng giúp đẩy nhanh việc mở cửa lại rạp chiếu của thị trường tỷ đô lớn thứ 2 thế giới, càng cho Hollywood có thêm động lực mà ra mắt phim.

Cuối năm 2020, bom tấn Hollywood lớn tiếp theo là Soul Wonder Woman 1984 đã ấn định sẽ ra rạp bất chấp dịch bệnh. Điều này có thể sẽ đánh dấu sự “bình thường mới” trong nền phát hành phim thế giới. Dẫu vậy, điểm trừ là bản lậu sẽ tràn lan trên mạng do phim cũng được phát hành song song ở streaming. Việc thống kê doanh số, đánh giá thành công của phim cũng khó hơn.

Sang tới 2021, các bom tấn Hollywood sẽ khó có thể tiếp tục dời lịch chiếu trong khi hoạt động sản xuất thì vẫn diễn ra bình thường. Sự trì hoãn này khiến phim tồn kho chất đống, còn hãng phim lại chẳng kiếm được đồng doanh thu nào, đặc biệt là khi không biết khi nào dịch bệnh sẽ dừng lại (mà chỉ đang tăng lên mạnh mẽ tại Mỹ).

Đường đua phim Tết 2021 chật ních nhiều bom tấn Việt

Trong khi tình hình phim Việt đã ổn định và dự sẽ bùng nổ vào dịp Tết 2021, câu hỏi còn lại chính là Hollywood. Nếu cứ đà như Wonder Woman 1984, rạp chiếu Việt sẽ có tương lai sáng lạn hơn, mặc dù văn hóa xem phim và giải trí trên thế giới dường như đang dịch chuyển theo xu hướng của công nghệ thời đại mới.

Nguồn ảnh: Tổng hợp

Hiếu Chấy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/rap-phim-2020-chao-dao-vi-covid-19-moi-su-lao-doc-khong-phanh-nguy-co-pha-san-rinh-rap-khi-thoi-quen-nguoi-dung-thay-doi-22020512161317648.htm