Rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục của trường học nội thành và ngoại thành Hà Nội

Tính đến nay, 100% các đơn vị quận huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đã kết nối, ký kết giao ước, xây dựng nội dung, kế hoạch và lộ trình thực hiện phong trào 'Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm' giai đoạn 2022-2025.

Tiết mục văn nghệ chào mừng hội nghị ký kết biên bản ghi nhớ chương trình kết nghĩa của Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm và Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai. Ảnh: Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức hội nghị sơ kết 8 tháng triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025.

Tính đến nay, 100% các đơn vị quận huyện, thị xã trên địa bàn TP đã kết nối, ký kết giao ước, xây dựng nội dung, kế hoạch và lộ trình thực hiện phong trào.

672 trường mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn TP đã tổ chức gặp gỡ, ký biên bản ghi nhớ song phương; 65 trường THPT và Trung tâm GDNN-GDTX ký cam kết giao ước.

Tính đến hết năm học 2022-2023, có 160 chuyên đề được tổ chức thực hiện. Ở mức độ cấp trường, 628 chuyên đề chia sẻ, liên kết được thực hiện, tập trung chủ yếu vào những hoạt động hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, các chuyên đề về hoạt động trải nghiệm, kĩ năng sống cho trẻ mầm non; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, ôn thi học sinh giỏi.

Các trường THPT, các Trung tâm GDNN-GDTX đã thực hiện được 30 buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn theo hình thức trực tiếp, thực hiện được 6 buổi chia sẻ kinh nghiệm, dạy học theo hình thức online,...

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cũng là nội dung được các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục quan tâm. Học sinh các trường ngoại thành thăm quan học tập ở các trường nội thành và ngược lại cũng được nhiều trường THPT tổ chức triển khai. Các đơn vị cũng tích cực hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó.

Là địa phương có 70.000 học sinh, trong đó 15% là dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất của huyện Ba Vì còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chất lượng giáo dục giữa các vùng miền trong huyện cũng chưa đồng đều. Để rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo với các quận, huyện trong TP, giữa các vùng trong huyện, ngành giáo dục của huyện xác định ngoài triển khai đồng bộ các giải pháp thì giải pháp triển khai phong trào “Nhà trường cùng phát triển – Nhà giáo cùng sẻ chia trách nhiệm” là rất quan trọng.

Cụ thể, ngành giáo dục huyện Ba Vì đã tham gia hoạt động kết nghĩa với các đơn vị, nhà trường ở quận Ba Đình, quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm, quận Tây Hồ, huyện Hoài Đức, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cao và đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh để phong trào có sức lan tỏa rộng khắp và đạt hiệu quả tốt hơn, thời gian tới, lãnh đạo các cơ sở giáo dục cần tiếp tục nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực; yêu cầu phong trào là một trong những nội dung thi đua của đơn vị, tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các cơ quan, doanh nghiệp... góp phần đưa giáo dục thực sự là sự nghiệp của toàn dân.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/rut-ngan-khoang-cach-chat-luong-giao-duc-cua-truong-hoc-noi-thanh-va-ngoai-thanh-ha-noi-359588.html