Sàn giao dịch nợ xử lý thành công 333 khoản nợ

Sau hơn 2 năm hoạt động, sàn giao dịch nợ đã giúp các tổ chức tín dụng xử lý thành công 333 khoản nợ, tài sản đảm bảo với giá trị 1.061 tỷ đồng.

Đến ngày 31/12/2023, sàn giao dịch nợ, mô hình chưa từng có tiền lệ trong hoạt động xử lý nợ xấu của Việt Nam thu hút 216 khách hàng, sàn cũng ký hợp đồng nguyên tắc với 21 khách hàng là tổ chức tín dụng và các đơn vị thành viên.

Theo thông tin từ Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), sàn giao dịch nợ đã thực hiện đăng tải thông tin, niêm yết khoản nợ, tài sản đảm bảo của khoản nợ trên website của sàn với giá trị tổng tổng giá trị là 59.831 tỷ đồng, đăng thông tin tài sản đảm bảo của các TCTD trên website của Sàn giao dịch nợ với tổng giá trị là 1.829 tỷ đồng.

Sau 2 năm đi vào hoạt động, Sàn mới giúp các TCTD xử lý thành công 333 khoản nợ, tài sản đảm bảo với giá trị 1.061 tỷ đồng.

Gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu đã được đưa lên sàn giao dịch nợ.

Ngoài việc mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC không đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao, thì trong năm 2023 các chỉ tiêu khác đều hoàn thành kế hoạch và tăng trưởng so với năm 2022.

Cụ thể, mua nợ theo giá trị thị trường đạt 1.755 tỷ đồng giá mua nợ, tăng 65% so với năm 2022; xử lý thu hồi nợ đạt 16.109 tỷ đồng theo dư nợ gốc, tăng 49% so với năm 2022; VAMC đã hoàn thành chỉ tiêu mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, đạt 117% kế hoạch xử lý thu hồi nợ.

Về thị trường mua bán nợ ở Việt Nam, các chuyên gia đánh giá thị trường mua bán nợ hiện nay vẫn giống như “chợ làng”, “chợ cóc”, chỉ có một nhóm người nhỏ túc tắc mua bán với nhau, trong khi đó, nguồn cung khá dồi dào.

Nguyên nhân khiến thị trường mua bán nợ ảm đạm do cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân khách quan, theo các quy định hiện hành, VAMC chỉ được đấu giá tài sản là khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua của các TCTD bao gồm khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường và mua bằng trái phiếu đặc biệt dẫn tới hạn chế đối tượng đấu giá, phạm vi hoạt động đấu giá của VAMC.

Hơn nữa, phần lớn khách hàng được VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không có khả năng phục hồi, không hợp tác, thậm chí liên quan đến các vụ án, đang chấp hành hình phạt ...; tài sản đảm bảo của các khoản nợ xuống cấp, thanh khoản kém...

Nguyên nhân chủ quan do thiếu hành lang pháp lý. Theo chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, để có một “siêu thị” mua bán nợ, Việt Nam cần giải quyết được vấn đề về hành lang pháp lý cũng như thị trường thứ cấp.

Qua đó, để các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thì trường thì hành lang pháp lý phải chắc chắn, hoàn chỉnh để họ cảm thấy an toàn khi giao dịch.

Bên cạnh đó phải hiểu là, khoản nợ cũng là một loại hàng hóa kinh doanh nên cũng cần một thị trường mua đi bán lại dễ dàng. Trong khi tại Việt Nam, việc mua đi bán lại khoản nợ hiện nay còn khó khăn.

Năm 2024, VAMC đặt mục tiêu mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (giá mua nợ tối đa) 10.000 tỷ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường 2.000 tỷ đồng, xử lý nợ xấu dự kiến là 11.586 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dự báo còn nhiều khó khăn nhất là trong hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu, vì vậy, lãnh đạo VAMC kiến nghị Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành có liên quan tăng cường nguồn lực cho VAMC về cả vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm, khoản nợ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ của VAMC cũng như các TCTD.

Lãnh đạo VAMC cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm mở rộng phạm vi, hoạt động đấu giá tài sản của VAMC theo hướng không chỉ đấu giá nợ xấu/ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu VAMC mua nợ từ trái phiếu đặc biệt, mua theo giá trị thị trường mà còn khoản nợ, tài sản đảm bảo của khoản nợ của các TCTD lựa chọn bán đấu giá qua VAMC.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/san-giao-dich-no-xu-ly-thanh-cong-333-khoan-no-1097936.html