Sạt lở lịch sử trên đèo Bảo Lộc đâu chỉ do mưa lớn?

Liên tiếp xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, làm nhiều người thương vong. Nguyên nhân xác định do mưa lớn. Đồng ý! Song cái gốc của vấn đề này là do mất rừng…

“3 sĩ quan Cảnh sát giao thông hy sinh, 1 người dân thiệt mạng” – những dòng tin đau xót trên khắp các mặt báo, về vụ sạt lở nhất lịch sử trong 20 năm trở lại đây trên tuyến đèo Bảo Lộc, chiều 30/7.

Vụ sạt lở còn có 37 học sinh tiểu học cùng phụ huynh, giáo viên đi du lịch ở Đà Lạt trở về TP Hồ Chí Minh trên chiếc xe khách 45 chỗ thoát chết trong gang tấc, khi bị hàng trăm tấn đất đá trút xuống, xô đuôi xe húc đổ giải phân cách trước vực sâu hơn 200m.

Theo ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có tới 163 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Thống kê cho thấy, từ tháng cuối tháng 6/2023 tới nay, Lâm Đồng đã xảy ra 3 vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng, làm 6 người chết.

Nguyên nhân ban đầu của các vụ sạt lở được các ngành chức năng xác định, như: Mưa lớn kéo dài, biến đổi khí hậu, kết cấu đất bazan…

Nhìn vào hình ảnh điểm sạt lở trên đèo Bảo Lộc lần này, nguyên nhân được xác định như trên là không sai, song có lẽ chưa đủ. Còn một nguyên nhân khác các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng không dám, hoặc chưa dám nhìn thẳng vào, đó là để mất rừng.

Là bởi, bằng cảm quan, ai cũng thấy có một sự trùng hợp: Điểm sạt lở bị cạo trọc để trồng cây sầu riêng, trong khi những điểm khác cùng tuyến còn rừng thì bình an.

Khu vực sạt lở trên đèo Bảo Lộc được cạo trọc để trồng sầu riêng

Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ có rừng nguyên sinh, đa tầng mới góp phần giữ đất, giữ nước. Nếu mất rừng, khi mưa xuống, nước sẽ chảy tràn trên mặt. Nước tràn nhanh sau mưa sẽ gây lũ, sạt lở đất…

Khu vực bị cạo trọc để trồng sầu riêng trên đèo Bảo Lộc là một điển hình và các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng đánh giá là không an toàn, cần di dời như tiết lộ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp.

Ông Hiệp bày tỏ sự đáng tiếc vì Trạm Cảnh sát giao thông chưa kịp di dời đã xảy ra sạt lở; đồng thời gọi đó là một bài học mới, nguy cơ mới cần phải quyết liệt hơn và giải pháp tích cực hơn trong ứng phó với sạt lở đất.

Ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), cũng gián tiếp khẳng định, một trong những nguyên nhân dẫn tới sạt lở trên đèo Bảo Lộc là do mất rừng.

“Chúng tôi chắc chắn đây là rừng phòng hộ, mà rừng phòng hộ trên cạn thì theo quy định phải trồng cây bản địa, có bộ rễ phát triển, lá không rụng theo mùa… Chuyện này chắc chắn có trách nhiệm của địa phương trong thực hiện quy hoạch", ông Lực nói.

Thực tế, tình trạng mất rừng không chỉ diễn ra ở Lâm Đồng hay một số địa phương thuộc Tây Nguyên. Dù công tác bảo vệ rừng hiện khá nghiêm ngặt, song năm 2022, cả nước vẫn mất 1.121 ha rừng, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 1.080,5 ha.

Công bố hiện trạng rừng cho thấy, diện tích rừng toàn quốc năm 2021, bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.745.201 ha; trong đó, rừng tự nhiên là 10.171.757 ha; rừng trồng là 4.573.444 ha.

Rừng trồng, dù được phủ xanh nhiều, nhưng không thể có khả năng giữ nước, giữ đất như rừng nguyên sinh đa tầng.

Vì thế, hễ cứ mưa lớn, cực đoan đều xuất hiện lũ. Khu vực đồi núi, có độ chênh cao, lũ ống, lũ quét cuốn theo đất đá đổ xuống tàn phá khu vực hạ lưu, cuốn phăng nhà cửa, cướp đi sinh mệnh bao người vô tội.

Những bài học “mới nhưng không mới” như khu vực miền núi Trà My, Phước Sơn của Quảng Nam; khu vực Rào Trăng, Thừa Thiên - Huế, Hướng Hóa, Quảng Trị, Tu Mơ Rông và Kon Plong, Kon Tum... từ năm 2018 đến nay.

Sau mỗi sự cố, các cấp, các ngành lại rốt ráo vào cuộc khắc phục hậu quả; thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ lụt, sạt lở trong mùa mưa bão.

Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế.

Để giữ ổn định lâu dài, bền vững, không cách nào khác là trồng rừng, là cải tạo thảm thực vật, phủ xanh đồi trọc. Đặc biệt, phải hạn chế thấp nhất sự xâm hại đến đất rừng để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.

Cổ nhân đâu phải nghiễm nhiên có câu: "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt"!

Hoàng Hải

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sat-lo-lich-su-tren-deo-bao-loc-dau-chi-do-mua-lon-264864.html