Sống biết quên mình!

Tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết 'Những tấm gương bình dị mà cao quý' lần thứ 14 do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tổ chức, hàng chục tác giả, nhân vật tiêu biểu xuất sắc đã được tôn vinh.

Điểm chung của những điển hình này là lối sống lặng thầm học tập, công tác, cống hiến hết mình cho đất nước. Nói cách khác, họ biết sống quên mình vì lợi ích chung của tập thể, xã hội mà không mong cầu danh lợi cho bản thân. Chính nét đẹp bình dị ấy đã tự phát sáng, trở nên thanh cao, cao quý hơn bao giờ hết.

Nét đẹp cao thượng ấy trở thành trào lưu chủ đạo, không ngừng tuôn chảy trong mạch ngầm đời sống xã hội hôm nay. Minh chứng, đó là người bí thư chi bộ băng mình trong lũ dữ giúp dân trong khi nhà mình bị nước cuốn trôi; đó là người cán bộ y tế xung phong vào miền Nam giúp dân chống dịch nhưng lại không được ở bên cạnh người thân yêu lúc cuối đời; đó là anh Bộ đội Biên phòng luôn nhận phần khó về mình, nhưng khi bình xét khen thưởng lại nhường người khác... Những việc làm dù nhỏ, dù lớn đều tựa như những giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành suối, thành sông và hợp thành biển cả, cần được biểu dương, khen ngợi.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cùng các đại biểu, tác giả và nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 14 (năm 2022-2023) và phát động Cuộc thi viết lần thứ 15. Ảnh: VIỆT TRUNG

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện, nhân rộng gương người tốt, việc tốt. Theo Người, đó là những bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp của dân tộc; đó là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục lớn. Trong cuộc sống hôm nay còn có rất nhiều tấm gương biết sống quên mình. Bởi vậy, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội là phải kịp thời phát hiện, tôn vinh những tấm gương bình dị mà cao quý ấy. Đây là phần việc chẳng hề đơn giản, bởi người tốt như quặng quý không lộ thiên. Trong khi, mặt trái của phong trào thi đua là căn bệnh thành tích, tô hồng báo cáo, thậm chí “chạy danh hiệu”, “chạy thành tích” càng làm cho người tốt thực sự thêm khó kiếm tìm, tỏa sáng. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, gạn đục khơi trong, “đãi cát tìm vàng” để phát hiện, cổ vũ kịp thời những gương người tốt, việc tốt. Khi đã phát hiện được những “hạt giống đỏ” thì phải vun trồng, chăm sóc, theo dõi, bồi dưỡng, hỗ trợ để họ có thêm nguồn lực, động lực tiếp tục cống hiến và sống đẹp.

Giới thiệu các tấm gương người tốt, việc tốt, nhân rộng, lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp trong xã hội cũng là sứ mệnh cao quý của những người làm báo cách mạng. Điều đó đòi hỏi người viết bám sát hơi thở cuộc sống, đào sâu, hiểu kỹ, sâu sát, tránh hời hợt, sa vào phản ánh bề nổi mà không thấy được bản chất cao đẹp trong mỗi con người. Dẫu biết trên hành trình cuộc sống còn rất nhiều cám dỗ, bất công, thậm chí cả tiêu cực, nhưng tin rằng bằng trái tim sống đẹp, đức hy sinh, sống biết quên mình, những giá trị chân-thiện-mỹ sẽ tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa.

HIẾU KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/song-biet-quen-minh-730631