'Sống là phải yêu, phải tin và hy vọng'

Năm 2015, khi NXB Trẻ ra mắt bản tiếng Việt của The Thorn Bird - tác phẩm của Colleen McCullough, nữ văn sĩ người Australia, không ít bạn đọc đã vội vàng tỏ bày thắc mắc, thậm chí không hài lòng khi Tiếng chim hót trong bụi mận gai lại 'bị' tái bản thành Những con chim ẩn mình chờ chết. Thực ra, đây là tựa đề với hai cách dịch khác nhau, cách dịch nào cũng sát nghĩa và phù hợp.

Những con chim ẩn mình chờ chết được Trung Dũng dịch theo bản tiếng Pháp với “gu” bay bổng, lãng mạn. Nhưng có lẽ do ấn tượng về cái tên Tiếng chim hót trong bụi mận gai quá mạnh nên bản dịch tiếng Pháp này ít được biết đến dù đã được NXB Trẻ cho ra mắt lần đầu từ năm 1988.

Tiếng chim hót trong bụi mận gai là tựa đề được Phạm Mạnh Hùng dịch theo bản chuyển ngữ tiếng Nga, bao nhiêu năm qua đã được “đóng đinh” trong tiềm thức của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.

Những ai say mê văn học Nga hẳn không lạ lẫm về một thế hệ dịch giả tiếng Nga gạo cội, trong đó có Phạm Mạnh Hùng. Ông cùng Cao Xuân Hạo trở thành bộ đôi cộng tác viên trụ cột cho các tác phẩm dịch từ tiếng Nga của NXB Văn học. Có thể nhận ra tên của bộ đôi dịch giả cùng đứng trong nhiều cuốn sách nổi tiếng như Tuyển tập truyện ngắn Macxim Gorki, Giamilia - Truyện núi đồi và thảo nguyên, Người thầy đầu tiên, M.Gorki bàn về văn học...

Không được học tiếng Nga bài bản như nhiều dịch giả khác, cũng chỉ được đặt chân đến nước Nga sau khi đã dịch rất nhiều đầu sách, nhưng Phạm Mạnh Hùng vẫn khẳng định tài năng dịch thuật qua hàng loạt tác phẩm như Bút ký người đi săn, Những đêm trắng, Anh em nhà Karamadốp, Bà lão Idecghin, Suối thép, Rừng Nga, Máu người không phải nước lã, Chuyện thường ngày ở huyện...

Cẩn trọng và kỹ lưỡng, Phạm Mạnh Hùng thường chọn giới thiệu những tác giả, tác phẩm có tiếng của văn học Nga, trong đó có những cuốn từng được Giải thưởng Lênin như Quy luật của muôn đời, Giamilia - Truyện núi đồi và thảo nguyên, Tuổi thơ mãi mãi cùng ta… với quan điểm về văn chương mà ông từng trích dẫn của nhà văn Chingiz Aitmatov: “Tác phẩm nghệ thuật chân chính không chấm dứt ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về nhân vật đã kết thúc, tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức bạn đọc, tiếp tục sống và tác động như một lực lượng nội tâm”. Và quả thật, những thiên truyện tuyệt vời mà Phạm Mạnh Hùng giới thiệu đã được biết bao bạn đọc Việt Nam đón nhận nhiệt tình, như Con tàu trắng, Vĩnh biệt Gunxarư, Con chó khoang chạy bên bờ biển, Tuổi thơ mãi mãi cùng ta... Ông được Hội Nhà văn Liên Xô trao tặng giải thưởng dịch văn học Nga mang tên M.Gorki.

Phạm Mạnh Hùng cũng dịch từ tiếng Nga một số tác phẩm văn học nước ngoài khác. Ngoài Tiếng chim hót trong bụi mận gai, ông còn dịch Khuôn mặt người khác của tác giả người Nhật Bản Kobo Abe, Chỉ còn lại tình yêu của tiểu thuyết gia người Pháp George Sand... Không đơn thuần chuyển ngữ, ở mỗi cuốn sách Phạm Mạnh Hùng thường viết lời nói đầu. Khi thì ông giới thiệu nội dung, có lúc viết đôi nét về tác giả, phân tích đôi dòng về tác phẩm hoặc lồng vào đó suy nghĩ, cảm nhận của mình. Trong Tuổi thơ mãi mãi cùng ta, ông bày tỏ: “Cuộc sống được nuôi dưỡng bằng tình yêu chứ không phải bằng lòng căm thù. Mà suy cho cùng, lòng căm thù chân chính bao giờ cũng là sản phẩm của tình yêu lớn lao”. Ông cũng cho rằng: “Sống là phải yêu, phải tin và hy vọng. Tin và hy vọng làm cho con người là một thực thể hữu hạn mà vươn tới cái vô hạn. Thể xác con người trở về với cát bụi, nhưng những khát vọng cao cả của con người truyền lại cho các thế hệ sau là bất tử”.

Dịch giả Phạm Mạnh Hùng đã đi xa sau nhiều năm bị bệnh nặng, nhưng những tác phẩm dịch tuyệt vời mà ông để lại sẽ sống mãi cùng thời gian.

Vân Hạ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/982847/song-la-phai-yeu-phai-tin-va-hy-vong