Sức hấp dẫn của làng nghề bị giảm đáng kể do chậm thay đổi mẫu mã

Hàng thủ công mỹ nghệ Việt có sức sống mạnh mẽ, nhưng những hạn chế về mẫu mã, thiết kế, bao bì đang là điểm yếu, làm giảm giá trị của các sản phẩm chứa đựng nhiều trí tuệ và khéo léo của con người Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Đó là nội dung chính được đưa ra tại hội thảo "Tư vấn nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ tăng sức cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu" do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức ngày 28-7.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm. Những con số trên cho thấy sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước, an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Tuy vậy, sức hấp dẫn bị giảm đáng kể khi không có sự thay đổi mẫu mã, nhu cầu của khách hàng ngày càng được nâng cao.

Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành hàng này mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với các ngành khai thác khác, giải quyết việc làm từ 3.000-5.000 lao động. "Hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn và tỷ suất lợi nhuận cao. Do đó, cần thay đổi tư duy về thiết kế mẫu mã, bao bì, có sự phân biệt rõ ràng về chất lượng sản phẩm và chất lượng mẫu mã để gia tăng giá trị cho sản phẩm, tạo thế mạnh cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tiến sâu vào các thị trường xuất khẩu”.

Theo ông Nguyễn Vi Khải, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thời gian qua, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã được cải tiến rất nhiều về mẫu mã, chất lượng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng, đặc biệt là mẫu thiết kế, bao bì, đóng gói.

Chung đánh giá với ông Khải, ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhìn nhận, còn nhiều hộ sản xuất làng nghề chưa coi trọng việc thiết kế cải tiến mẫu mã, chỉ sản xuất theo thói quen cũ, chậm đổi mới, rập khuôn các mẫu có sẵn trên thị trường.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, doanh nghiệp làng nghề cần nhận thức tầm quan trọng của việc thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm một cách thường xuyên trong quá trình sản xuất.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, để có mẫu mã đẹp cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ không phải chuyện "ngày một ngày hai" mà là cả quá trình tìm kiếm, chắt lọc, sáng tạo. Dù ở bất cứ xu hướng thiết kế nào, tinh hoa văn hóa Việt là yếu tố quan trọng trong khai thác chất liệu để tạo nên những mẫu mã, kiểu dáng, thiết kế mới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phù hợp nhu cầu thị trường.

Tháo gỡ khó khăn cần sự bắt tay của 2 “nhà” (nhà thiết kế và nhà sản xuất), trong đó, nhà thiết kế tận dụng tinh hoa công nghệ truyền thống để áp dụng với những công nghệ mới, hiện đại; nhà sản xuất có sự chia sẻ cảm hứng, dữ liệu để nhà thiết kế thăng hoa sáng tạo.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/suc-hap-dan-cua-lang-nghe-bi-giam-dang-ke-do-cham-thay-doi-mau-ma-636631.html