Tăng cường quản lý thuê bao di động

Lâu nay, hoạt động mua - bán 'SIM rác' diễn ra phổ biến, khiến không ít người dân bị làm phiền. Đây cũng là kẽ hở cho tội phạm công nghệ lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Sở TT&TT tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý thuê bao di động trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên Viettel Store Vĩnh Phúc thực hiện đăng ký thông tin thuê bao cho khách hàng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Theo Bộ TT&TT, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn SIM không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế, dẫn đến tình trạng bùng phát các cuộc gọi quấy rối, lừa đảo, gây mất trật tự an toàn xã hội và khiến nhiều người dân bị thiệt hại về tài sản.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng này và xử lý triệt để vấn đề "SIM rác", Bộ TT&TT triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao di động trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 2 tháng (5/4 - 5/6/2023).

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 5 DN có hạ tầng cung cấp dịch vụ thông tin di động gồm Trung tâm kinh doanh VNPT - Vĩnh Phúc (Vinaphone); Viettel Vĩnh Phúc; Mobifone Vĩnh Phúc; Công ty Cổ phần viễn thông di động Vietnamobile (Vietnamobile) và Công ty Cổ phần viễn thông Đông Dương Telecom (ITelecom) với hơn 1,2 triệu thuê bao di động đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Trong đó thuê bao di động trả trước chiếm khoảng 90%, chủ yếu của 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone do hạ tầng bảo đảm phủ sóng thông tin di động đã đạt 100% ở các địa phương trong tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, mới đây, Đoàn kiểm tra Sở TT-TT đã tiến hành kiểm tra tại 4 DN trên (trừ Telecom có thị phần di động chiếm rất nhỏ do đang trong giai đoạn phát triển cung cấp dịch vụ thông tin di động) và các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (CCDVVT) được ủy quyền.

Theo báo cáo của các đơn vị (từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023), có 38.665 thuê bao di động trả trước phát triển mới tại địa bàn tỉnh, trong đó nhiều nhất là Vinaphone với 17.926 thuê bao và ít nhất là Vietnamobile với 16 thuê bao.

Tổng số điểm CCDVVT trên địa bàn là 1.148 điểm; trong đó Vinaphone 445 điểm, Viettel 694 điểm, Mobifone 7 điểm, Vietnamobile 2 điểm. Các DN đã thực hiện việc lưu trữ đầy đủ hợp đồng ủy quyền đối với các điểm CCDVVT.

Qua kiểm tra 28 user (tài khoản người dùng) dữ liệu trên hệ thống, thực hiện đăng ký thông tin cho 3.591 thuê bao của 4 DN cung cấp dịch vụ nhận thấy, về cơ bản các thuê bao đăng ký đúng quy trình đăng ký thông tin thuê bao theo Nghị định số 49 của Chính phủ gồm có hồ sơ bản điện tử trên hệ thống, ảnh chụp 2 mặt CMND/CCCD, phiếu đăng ký thông tin, ảnh chụp chân dung, ảnh chụp video call.

Việc đăng ký thông tin thuê bao thông qua hệ thống AI đã được các DN thực hiện đầy đủ. Cụ thể, khi khách hàng đến điểm giao dịch đăng ký thông tin thuê bao cần phải cung cấp đầy đủ giấy tờ tùy thân (CMTND/CCCD 2 mặt) mới có thể đăng ký sử dụng được.

Theo quy trình, căn cứ vào ảnh chụp giấy tờ hệ thống AI sẽ tự động nhận diện các thông tin họ tên, địa chỉ, ngày sinh, ngày cấp,… đồng thời, so sánh ảnh chân dung có trùng khớp với ảnh chụp trên giấy tờ mới được phép đăng ký thông tin thuê bao.

Để tăng tính chặt chẽ trong thủ tục đăng ký, ngoài việc sử dụng AI để xác thực thông tin, hệ thống đăng ký thông tin đã bổ sung videocall đến tổng đài. Căn cứ vào hình ảnh của videocall, các tổng đài viên sẽ đánh giá mức độ chính xác để thực hiện chấp thuận hoặc không chấp thuận việc đăng ký thông tin thuê bao cho khách hàng.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện một số tồn tại như Vinaphone sử dụng phiếu đăng ký thông tin chưa đúng (sử dụng bằng phiếu đăng ký sử dụng dịch vụ trả sau, truyền hình), một số phiếu đăng ký thông tin scan lên hệ thống cơ sở dữ liệu bị mờ, khi chuẩn hóa thông tin không thực hiện thay ảnh chụp khách hàng trên ảnh videocall dễ gây hiểu nhầm đăng ký sai thông tin...

Để công tác quản lý thuê bao di động đi vào nền nếp, bên cạnh việc nhắc nhở yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm, Sở TT&TT tỉnh kiến nghị Bộ TT&TT cần chỉ đạo các Tập đoàn, các công ty mẹ tiếp tục thực hiện rà soát thu hồi SIM kích hoạt sẵn, đăng ký sai thông tin.

Thực hiện nhắn tin đề nghị chủ thuê bao cập nhật thông tin thuê bao qua mạng để DN kiểm tra đối chiếu, trường hợp phát hiện sai lệch so với cơ sở dữ liệu đề nghị chủ thuê bao đến điểm CCDVVT ủy quyền để đăng ký lại theo đúng quy trình.

Phối hợp với Bộ Công an kết nối cơ sở dữ liệu về CMND/CCCD/hộ chiếu để xác minh được chính xác khách hàng đăng ký thông tin thuê bao.

Bên cạnh đó, yêu cầu các DN viễn thông đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, giám sát các nhân viên, điểm CCDVVT ủy quyền thực hiện đăng ký đúng quy trình đăng ký thông tin thuê bao; có biện pháp xử lý nghiêm đối với nhân viên, điểm CCDVVT thực hiện sai quy định.

Thường xuyên rà soát, kiểm tra thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu của DN; tuyên truyền đến các điểm CCDVVT, nhân viên kinh doanh không thực hiện việc bán SIM kích hoạt sẵn thông tin, kích hoạt sẵn các gói cước theo đúng quy định.

Hồng Nhật

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96095//tang-cuong-quan-ly-thue-bao-di-dong