Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp

Xác định phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Qua đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, quyết tâm hoàn thành phát triển nông nghiệp và XDNTM theo mục tiêu, kế hoạch đề ra, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân.

Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững

Nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao ở xã Nga Thủy (Nga Sơn) đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Xuân Hùng

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định Chương trình Phát triển nông nghiệp và XDNTM là một trong 5 chương trình trọng tâm để thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Quyết định số 287-QĐ/TU ngày 27-5-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các nghị quyết về phát triển nông nghiệp và XDNTM, như Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-8-2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11-1-2019 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 459-QĐ/TU ngày 26-12-2016 thành lập ban chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, giai đoạn 2016 - 2020. HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và XDNTM, như Nghị quyết số 126/2015/NQ-HĐND ngày 17-7-2015 về cơ chế chính sách khuyến khích XDNTM tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 2-7-2016 về cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng huyện NTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Nghị quyết số 129/2015/NQ-HĐND ngày 17-7-2015 về chính sách khen thưởng và hỗ trợ công trình phúc lợi trong thực hiện phong trào thi đua chung sức XDNTM trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 151/2015/NQ-HĐND ngày 11-12-2015 về cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 152/2015/NQ-HĐND ngày 11-12-2015 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND ngày 16-10-2019 về ban hành chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025... Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, XDNTM và ban hành Quyết định số 5131/QĐ-UBND ngày 30-12-2016 về Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 19-4-2017 về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình đã đề ra... Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan trên từng lĩnh vực để triển khai thực hiện, xác định rõ thời gian hoàn thành nhiệm vụ, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. Trên cơ sở các nghị quyết, quyết định, cơ chế, chính sách, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để tổ chức thực hiện; đồng thời, tổ chức quán triệt nghiêm túc, sâu sắc các nội dung chương trình đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động và các tầng lớp Nhân dân. Thực tế những năm qua cho thấy, triển khai thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp và XDNTM trên địa bàn tỉnh được tiến hành đồng bộ, rộng khắp, tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời, định hướng phát triển nông nghiệp và XDNTM rõ ràng, cụ thể và là nền tảng quan trọng trong chỉ đạo, điều hành.

Thời gian qua, huyện Nga Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phát triển nông nghiệp và XDNTM trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế và đạt kết quả cao. Đồng chí Lê Văn Dậu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, cho biết: Xác định phát triển nông nghiệp và XDNTM là một chương trình quan trọng và xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ của địa phương, huyện Nga Sơn đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc. Giai đoạn 2011 – 2020, Huyện ủy, HĐND, UBND đã ban hành 13 nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể; trong đó, xác định lộ trình XDNTM một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Hàng năm, HĐND huyện đã cụ thể hóa các nghị quyết của Huyện ủy để ban hành nhiều cơ chế và chủ yếu tập trung vào khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ phát triển mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chí XDNTM. Trong quá trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân, nhằm tạo sự quyết tâm cao để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Huyện đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” và xác định các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của huyện, như: chiếu cói, các sản phẩm chế biến từ cây cói, sản phẩm từ chế biến hải sản; dưa hấu, dưa vàng, rượu Nga Sơn; sản phẩm ẩm thực (gỏi cá nhệch, dê ủ trấu),... để tập trung chỉ đạo xây dựng thương hiệu. Đến hết tháng 5-2021, huyện Nga Sơn đã có 9 sản phẩm OCOP; trong đó, có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận và hiện là huyện có số sản phẩm đạt OCOP cao nhất tỉnh và năm 2019 Nga Sơn được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM trên địa bàn huyện 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt kết quả tích cực, ban chỉ đạo từ huyện đến các xã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo các xã triển khai thực hiện nhiệm vụ kép, phát triển kinh tế và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp, đưa các cây trồng mới, cây trồng có giá trị kinh tế cao được quan tâm và đã có chuyển biến rõ nét, như: sản xuất khoai tây, sản xuất dưa hấu, sản xuất rau an toàn, mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà kính theo hướng công nghệ cao... bước đầu được quan tâm đầu tư cho hiệu quả kinh tế cao. Cây trồng vụ đông xuân đều đạt năng suất cao. Hiện huyện đã có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân toàn huyện đạt 8,39 tiêu chí NTM nâng cao/xã và đạt 5,13 tiêu chí NTM kiểu mẫu/xã.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân nên Chương trình Phát triển nông nghiệp và XDNTM trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt được những kết quả quan trọng, có 7/9 mục tiêu và 18/21 chỉ tiêu phát triển nông nghiệp vượt và đạt mục tiêu chương trình đề ra... Về XDNTM, đến hết tháng 5-2021, toàn tỉnh đã có 8 đơn vị cấp huyện Yên Định, Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn đạt chuẩn NTM, TP Thanh Hóa hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; sau sáp nhập, có 327 xã (70%), 858 thôn, bản (685 thôn, bản miền núi) đạt chuẩn NTM; 25 xã (5,35%) đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã, 77 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,5 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 76 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (được xếp hạng từ 3 - 4 sao), 2 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục ban hành nghị quyết, quyết định, kế hoạch để thực hiện có hiệu quả Chương trình Phát triển nông nghiệp và XDNTM. Đồng thời, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về vị trí, vai trò của phát triển nông nghiệp và XDNTM, tạo sự đồng thuận cao để tiếp tục triển khai thực hiện. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; lấy kết quả lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và chăm lo đời sống cho Nhân dân làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tiếp tục nâng cao chất lượng, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung sức XDNTM”. Tiếp tục củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo Chương trình Phát triển nông nghiệp và XDNTM các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh để khuyến khích, tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp và XDNTM. Tiếp tục rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025 đủ mạnh, phù hợp với thực tiễn; chính sách xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, giai đoạn 2021 - 2025; chính sách huyện NTM, giai đoạn 2021 - 2025; chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP, giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững theo Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20-4-2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng các quy định của Trung ương và của tỉnh về an toàn thực phẩm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch; đồng thời, triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại, nhất là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua các hội chợ triển lãm nông nghiệp lớn trong tỉnh, trong nước; các hoạt động kết nối cung cầu của các địa phương theo chuỗi liên kết; đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Bài 6: Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

Nhóm PV Phòng Kinh tế

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tang-cuong-su-lanh-dao-chi-dao-cua-cap-uy-chinh-quyen-cac-cap/138085.htm