Tặng 'Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang' đối với thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến

Chiều 15/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), với 424/437 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán hành, chiếm 85,14% tổng số đại biểu Quốc hội.

Không luật hóa hình thức “Thư khen”

Trước đó, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Cụ thể, về danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đa số đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường đồng ý với Phương án 1 bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc rà soát để tiếp tục bổ sung người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật thuộc đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” là cần thiết, đảm bảo nguyên tắc “công bằng” trong khen thưởng. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, trong thời gian ngắn chưa thể đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.

Sau khi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan, tổ chức liên quan là chỉ quy định trong Luật những vấn đề đã chín, đã kỹ, đã rõ.

Do đó, dự thảo Luật được thông qua đã kế thừa quy định các đối tượng của luật hiện hành đang được thực hiện ổn định và quy định nhóm đối tượng mới được bổ sung và giao Chính phủ trên cơ sở tiêu chuẩn khung chung, Chính phủ sẽ quy định tiêu chuẩn chi tiết phù hợp với các đối tượng cụ thể.

Về ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hình thức “Thư khen”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, hình thức “Thư khen” trong thời gian qua được thực hiện), rất đa dạng, gắn với cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức, có tác dụng kịp thời biểu dương gương tốt, việc tốt, động viên, khuyến khích cá nhân, tập thể hăng hái thi đua, làm việc tốt, có nhiều hành động tốt.

Nếu luật hóa, một mặt, sẽ không tạo sự chủ động, linh hoạt; mặt khác, phải xác định chủ thể có thẩm quyền quyết định tặng; vị trí của “Thư khen” trong các hình thức khen thưởng; quy trình, thủ tục xét tặng; các tiêu chuẩn xét tặng trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc “không khen thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được”. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không luật hóa hình thức “Thư khen” mà thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 81 dự thảo Luật.

Giữ tên gọi danh hiệu “Gia đình văn hóa”

Về danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị phải có tiêu chuẩn cứng là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu hoặc nâng cao; giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ quy định tiêu chí khung để các địa phương căn cứ xây dựng tiêu chuẩn của tỉnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Điều 29 dự thảo Luật đang thể hiện ý kiến của đại biểu Quốc hội khi quy định tiêu chuẩn khung để xét tặng danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu này để phù hợp thực tiễn của từng vùng, miền, đặc điểm của từng địa bàn.

Quy định này nhằm đẩy mạnh phân cấp trong thi đua, khen thưởng và phản ánh được thực chất của phong trào thi đua ở từng địa phương. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội giữ quy định như dự thảo Luật.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị danh hiệu dành cho gia đình nên là “Gia đình tiêu biểu” để phù hợp với danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tên gọi danh hiệu “Gia đình văn hóa” đã có từ lâu và đang thực hiện ổn định nên xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn cho phù hợp với thực tiễn và quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc xét các danh hiệu này phù hợp với đặc điểm của địa phương.

Các đại biểu bấm nút thông qua dự thảo Luật.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định báo cáo thành tích trong hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng tại Điều 84 vì đã xây dựng cơ sở dữ liệu về thi đua, khen thưởng, cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được bình xét, đề nghị từ cơ sở, vì vậy, báo cáo thành tích là căn cứ để các cấp có thẩm quyền đánh giá tính chính xác, mức độ thành tích của cá nhân, tập thể. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thi đua, khen thưởng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định, nên xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, dự thảo Luật được thông qua quy định thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 2 năm trở lên.

Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2024.

H.L

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-huy-chuong-thanh-nien-xung-phong-ve-vang-doi-voi-thanh-nien-xung-phong-co-thanh-tich-trong-cac-cuoc-khang-chien-141661.html