Tăng sự tham gia của cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai

Từ năm 2023, Chính phủ bố trí nguồn ngân sách cho công tác phòng, chống cũng như hỗ trợ khắc phục thiên tai đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Người nuôi cá bè tại huyện Định Quán bị thiệt hại nặng do thiên tai năm 2023. Ảnh:B.Nguyên

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, cần làm tốt hơn, hiệu quả hơn công tác truyền thông nâng cao nhận thức của tất cả mọi người về phòng, chống thiên tai. Phải cố gắng huy động nguồn lực đầu tư, đặc biệt là nguồn lực từ xã hội trên tinh thần phát huy truyền thống sẻ chia trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường

Năm 2023, Việt Nam có 21/22 loại hình thiên tai xảy ra trên các vùng miền như: sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng…

Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định, trong thời gian tới, thiên tai có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường và cực đoan. Những tháng đầu năm 2024, nắng nóng kỷ lục được ghi nhận tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước. Dự báo, cả nước tiếp tục xảy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt ở nhiều vùng với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Những tháng cuối năm có thể có mưa lớn, lũ lụt, nhất là tại khu vực miền Trung, đi kèm với đó là sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, với phương châm “phòng là chính”, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phòng, chống thiên tai. Nhiều chương trình, kế hoạch được triển khai đồng bộ như: Kế hoạch phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030; Phong trào thi đua Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn đến năm 2025; Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025…

Đồng Nai ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới nhưng vẫn thường xảy ra các loại hình thiên tai như: ngập lụt, lốc xoáy, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất… Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to đến rất to ở một số nơi, làm ngập lụt cục bộ ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh cũng xảy ra 13 đợt mưa lớn kèm theo dông lốc, ngập lụt và 2 vụ sạt lở đất.

Hậu quả, toàn tỉnh có 2 người chết, 1 căn nhà cấp 4 đổ xuống sông và 1 nhà kho bị sập, 85 căn nhà tốc mái, 84 căn nhà bị ngập, 189 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi gây thiệt hại gần 1,7 ngàn tấn cá; gần 1,3 ngàn hécta lúa, hoa màu và cây ăn trái bị ngập nước và hư hại, 149 hécta ao cá bị ngập nước. Ngập lụt cũng gây ách tắc giao thông cục bộ tại một số tuyến đường trên địa bàn các huyện. Ước tổng thiệt hại khoảng 38,6 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Đồng Nai xảy ra nắng nóng trên diện rộng. Theo đó, hơn 17,4 ngàn cây gỗ lớn rừng trồng tại rừng phòng hộ Xuân Lộc bị chết; cây trồng ở nhiều vùng bị ảnh hưởng sinh trưởng và năng suất…

Kỷ lục hỗ trợ khắc phục thiên tai

Chưa bao giờ Chính phủ bố trí nguồn ngân sách cho công tác phòng, chống thiên tai nhiều như trong thời gian vừa qua. Về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, năm 2023, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 8,5 ngàn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho 43 tỉnh, thành phố để khắc phục hậu quả thiên tai. Các địa phương cũng đã ưu tiên, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động phòng, chống thiên tai với tổng kinh phí trên 3 ngàn tỷ đồng. Riêng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cấp 100 tấn hạt giống lúa, 67 tấn hạt giống bắp, 10 tấn hạt giống rau… cho các địa phương để kịp thời ổn định sản xuất.

Tỉnh Đồng Nai đã chủ động triển khai các dự án phòng chống sạt lở, tiêu thoát lũ từ nguồn ngân sách tỉnh, như: bờ bao ngăn lũ sông La Ngà (huyện Tân Phú), nạo vét và kè 2 bờ suối Reo (huyện Thống Nhất), chống ngập khu vực Suối Cải (thành phố Long Khánh), hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong (huyện Long Thành), gia cố sạt lở bờ sông Đồng Nai giai đoạn 1 (đoạn ấp 8, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú)... Tổng kinh phí đầu tư khoảng 2,3 ngàn tỷ đồng.

Trong năm 2023, tỉnh đã thu Quỹ Phòng chống thiên tai được hơn 51 tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, địa phương đã huy động lực lượng xung kích cấp huyện, xã nhanh chóng triển khai giúp người dân dựng lại nhà bị tốc mái, tiến hành phân luồng giao thông tại những nơi bị ngập lụt, hỗ trợ, di dời người và tài sản đến nơi an toàn; kiểm tra, xác minh hỗ trợ thiệt hại kịp thời để người dân ổn định cuộc sống và tái sản xuất. Năm 2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ người dân bị thiệt hai do thiên tai gây ra, với tổng kinh phí
142 triệu đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis nhấn mạnh, một trong những ưu tiên của Liên hợp quốc là tài trợ cho việc thể chế hóa các hành động sớm trong quản lý thiên tai. Việt Nam cần lồng ghép các hành động sớm vào khung thể chế, cơ chế chính sách và bảo đảm đủ nguồn tài chính cần thiết để thực hiện những hành động sớm trong quản lý thiên tai. Việt Nam nên tăng cường hơn nữa việc trao quyền và ưu tiên sự tham gia của cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/tang-su-tham-gia-cua-cong-dong-trong-quan-lyrui-ro-thien-tai-d764187/