Taxi nước Hồ Tây chống ùn tắc: Vòi vĩnh ưu đãi...

'Doanh nghiệp muốn làm taxi nước để chở khách từ bờ này sang bờ kia. Họ muốn giải tỏa giao thông để được miễn thuế, để được ưu đãi này kia'.

Xây bãi để xe cho người dân thế nào?

Liên danh Việt – Nhật đoạt giải nhì cho các giải pháp tổ chức giao thông, chống ùn tắc trên địa bàn TP Hà Nội, đã đề xuất phương án làm tuyến taxi nước trên Hồ Tây nhằm góp phần phát triển du lịch và giải quyết một phần nhu cầu đi lại giữa hai bờ Bắc - Nam Hồ Tây.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, chuyên gia giao thông Hà Nội cho rằng ý tưởng trên chủ yếu nhằm tận dụng mặt nước Hồ Tây để làm con đường giao thông du lịch.

“Tôi cho rằng đây là một cách thu hút cách du lịch tốt thăm quan Hồ Tây. Bởi vì trong lịch sử sử dụng Hồ Tây từ trước đến nay, doanh nghiệp tư nhân làm các tàu thuyền du lịch hồ rất nhiều. Ý tưởng này là chủ trương thành phố thiết lập con đường thủy từ Bắc vào Nam, từ trung tâm ra ngoại thành là tốt.

Nhưng việc gắn liền với việc giảm ùn tắc giao thông thì cũng không có hiệu quả. Taxi nước chỉ nhằm du lịch chơi thôi, chứ phát triển phục vụ giao thông, chống ùn tắc thì không thể đáp ứng được yêu cầu”, ông Liên nhấn mạnh.

Ý tưởng taxi nước Hồ Tây chống ùn tắc được liên danh Việt - Nhật đưa ra. Ảnh minh họa

Hơn nữa, nếu đưa taxi nước vào hoạt động thì thành phố bắt buộc phải có thêm bãi bến để gửi xe máy, phương tiện của người dân. Theo ông Liên, đây cũng là một vấn đề phức tạp và phải tính toán rất kỹ

“Đối với TP.HCM, có thế mạnh về du lịch đường thủy. Sông nằm ở giữa thành phố nên có thể kết hợp phát triển giao thông đường thủy, vừa phục vụ đi lại của người dân, vừa phát triển du lịch.

Trong khi đó, việc triển khai taxi nước của Hà Nội chủ yếu phục vụ phát triển du lịch, chứ yếu tố phương tiện đi lại rất hạn chế.

Hơn nữa di chuyển từ bên bờ này qua bờ bên kia và di chuyển bằng phương tiện khác nữa thì rất khó khăn. Ngoài ra vấn đề ô nhiễm môi trường cũng cần phải được tính tới. Vừa rồi nước hồ Tây bị ô nhiễm và cá chết hàng loạt. Nếu mà ca nô, thuyền thì vấn đề xử lý môi trường mức độ lại khác, còn trong trường hợp taxi nước thì vấn đề lại khác”, ông Liên lo ngại.

Taxi nước Hồ Tây chống ùn tắc: Bóc nhiều điểm vô lý

Xin thêm ưu đãi mới?

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng không đồng tình với ý tưởng triển khai taxi nước trên khu vực Hồ Tây.

Vị chuyên gia đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu bao nhiêu xe cho đủ để làm taxi nước. Chở được bao nhiêu người một giờ? Nếu xe ít thì mới không gây tổn hại cho Hồ Tây, còn xe nối đuôi nhau để giải tỏa ách tắc giao thông thì lại chia đôi hồ Tây làm 2 nơi.

Tôi chả thấy ai làm như vậy cả. Nếu giỏi thì họ nên tính toán làm hầm ngầm qua Hồ Tây theo hướng Bắc – Nam rồi thu phí”.

TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng ngay cả trong trường hợp phát triển du lịch thì việc phát triển taxi nước cũng cần phải tính toán thận trọng để mang lại hiệu quả thật sự chứ không phải phục vụ lợi ích của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp muốn làm taxi nước để chở khách từ bờ này sang bờ kia. Họ muốn giải tỏa giao thông để được miễn thuế, để được ưu đãi này kia. Chia cắt Hồ Tây ra như thế thì những người đi thuyền rất nguy hiểm.

Cả kể phát triển du lịch cũng phải tính toán thận trọng. Hiện nay trên Hồ Tây còn có thuyền buồm, thuyền kayak cho người dân bơi chèo. Giờ nếu đưa taxi nước vào đây làm rối loạn và ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động khác là không được”, ông Liêm nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên cũng đề nghị Hà Nội tập trung vào việc mở rộng và phát triển các loại hình thuyền, ca nô để phục vụ việc thăm quan Hồ Tây, đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Làm taxi nước thì cũng chưa cần thiết vào thời điểm này. Theo tôi làm thuyền du lịch là tốt nhất thay vì phát triển giao thông. Hồ Tây hiện nay có đường ven bờ thông thoáng, vấn đề ùn tắc không xảy ra. Chỉ có đoạn đường Thanh Niên hơi hẹp và cần phải mở rộng cầu đường trong thời gian tới để giải quyết vấn đề này”, ông Liên khẳng định.

Hoàng Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/taxi-nuoc-ho-tay-chong-un-tac-voi-vinh-uu-dai-3343176/