Thách thức với doanh nghiệp dược ngay trên 'sân nhà'

Sau Covid-19, thị trường dược phẩm Việt Nam tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, thách thức chung của doanh nghiệp dược nội là chưa tiếp cận được công nghệ mới, năng lực tài chính còn yếu.

Nhiều tiềm năng

Báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam ước tính tăng từ 2,7 tỷ USD năm 2015, lên 7 tỷ USD vào năm 2022, dự báo đạt hơn 10 tỷ USD vào năm 2026.

Mới đây, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 467 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 181 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Dự kiến doanh thu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng 24% cho doanh thu và 36% cho lợi nhuận trước thuế.

Hiện, Imexpharm có 4 cụm nhà máy, trong đó 3 cụm nhà máy với 11 dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP. Điều này giúp Imexpharm có năng lực sản xuất tốt và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để mở ra cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu.

Bà Trần Thị Đào, Tổng giám đốc Imexpharm cho biết, năm 2020, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) rót vốn vào Imexpharm, đến năm 2022 đã nâng sở hữu lên gần 65%. Đầu tư của Tập đoàn SK vào Imexpharm là một tín hiệu tích cực, cho thấy sự hấp dẫn của thị trường dược phẩm Việt Nam, cũng như ghi nhận năng lực và tiềm năng của doanh nghiệp.

Hiện thị trường dược Việt Nam trở thành “sân chơi” của các doanh nghiệp nước ngoài. Đa số nhà cung cấp dược phẩm trong nước thiếu nguồn lực để khai thác thị trường nội địa.

Các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam đã góp phần nâng cấp, mở rộng dây chuyền đạt tiêu chuẩn, tăng năng lực cạnh tranh cho các nhà máy sản xuất dược phẩm trong nước. Bên cạnh cung ứng cho thị trường Việt Nam, doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu.

Ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về công nghệ sinh học, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và phát triển của các ngành.

PGS-TS. Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, ngành công nghiệp dược Việt Nam đang có thuận lợi lớn. GDP của Việt Nam đứng thứ 3 ở trong khu vực Đông Nam Á, chi tiêu cho sức khỏe của người Việt ngày càng cao, bởi thế, doanh nghiệp ngành dược có nhiều dư địa để phát triển.

Thách thức ngay trên “sân nhà”

Dù có tốc độ tăng trưởng bình quân 10-12%/năm, nhưng doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa đóng vai trò chủ đạo trong thị trường dược phẩm. Thuốc sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm 45% tổng giá trị thuốc điều trị. Ngoài ra, quy mô của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm chưa lớn, số lượng mặt hàng không nhiều, hàm lượng khoa học công nghệ chưa cao… là những hạn chế của ngành dược Việt Nam.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, điểm tích cực là tốc độ tăng trưởng sản xuất thuốc của các doanh nghiệp nội tăng khá nhanh. Nếu trong giai đoạn 2001-2011, giá trị sản xuất thuốc trong nước mới chỉ đạt 17% so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của người dân, thì tỷ lệ này đã tăng lên 46% trong giai đoạn 2015-2021. Tuy nhiên, mức tăng này chưa cao so với thế giới.

Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Dược phẩm BPPharma cho biết, tâm lý sử dụng dược phẩm của người tiêu dùng vẫn có sự ưu tiên với hàng ngoại. Cùng một thương hiệu, nhưng được sản xuất tại hai quốc gia, trong đó doanh nghiệp Việt Nam mua lại thương hiệu, công nghệ sản xuất… thì người tiêu dùng vẫn lựa chọn hàng nhập khẩu dù có giá cao hơn so với hàng Việt.

“Nhằm gia tăng tính cạnh tranh, doanh nghiệp xác định sẽ không có lợi nhuận trong giai đoạn đầu để có các chương trình giảm giá. Song, ngân sách để đưa thương hiệu đến với khách hàng còn khó khăn khi thị trường dược phẩm cạnh tranh rất lớn”, ông Tú chia sẻ.

Không chỉ thương hiệu, câu chuyện tạo ra sản phẩm mới, tạo sự khác biệt thật sự khó khăn cho doanh nghiệp nội địa. Doanh nghiệp sản xuất trong nước phải nhập nhiều nguyên liệu từ nước ngoài.

“Việt Nam hiện chưa sản xuất được các sản phẩm thuốc đặc trị, chỉ làm được một số loại thuốc điều trị bệnh thông thường (thuốc generic - bản sao của thuốc biệt dược). Chính vì sản phẩm thuốc của Việt Nam đa số tập trung vào nhóm thuốc thông thường, nên phần lớn thuốc đặc trị thiết yếu vẫn phải nhập khẩu từ các công ty dược nước ngoài. Các nhà máy sản xuất dược đạt chuẩn GMP-WHO cũng chủ yếu sản xuất thuốc generic”, ông Ngô Anh Ngọc, CEO Công ty cổ phần Pharmadi chia sẻ.

Thực trạng trên khiến thị trường dược Việt Nam trở thành “sân chơi” của các doanh nghiệp nước ngoài. Đa số nhà cung cấp dược phẩm trong nước thiếu nguồn lực để khai thác thị trường nội địa, vì vậy, mục tiêu cung cấp 80% dược phẩm cho nhu cầu của người dân là rất khó đạt được nếu không có sự đột phá.

Các doanh nghiệp dược kiến nghị, cần tạo môi trường pháp lý thông thoáng, có cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp có thể tận dụng tiềm năng ở thị trường nội địa nhằm cùng nhau phát triển.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thach-thuc-voi-doanh-nghiep-duoc-ngay-tren-san-nha-d206002.html