Thấm nhuần và thực hiện sáng tạo lời dạy của Bác

Ngày 24.1, tại thủ đô Hà Nội, Ban chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh' tổ chức tổng kết việc thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) trong năm 2009, sơ kết 3 năm triển khai CVĐ, biểu dương các điển hình tiên tiến toàn quốc và triển khai nhiệm vụ năm 2010. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể T.Ư và địa phương đã tới dự.

Bắt đầu từ 8 giờ sáng 24.1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động tổng kết việc thực hiện CVĐ năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010. 68 tập thể, 144 cá nhân điển hình đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu trong cả nước cùng giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai CVĐ.

Hội nghị lần này nhằm sơ kết, tổng kết CVĐ, là một bước quan trọng góp phần chuẩn bị tư tưởng triển khai các nhiệm vụ chính trị phục vụ việc chuẩn bị tổ chức các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và Đại hội toàn quốc của Đảng. Năm 2010, Chủ đề CVĐ được xác định là “Xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh”. Chủ đề này sẽ được triển khai học tập ngay trong quý I/2010.

Phát biểu khai mạc, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhấn mạnh: Cuộc vận động đã khích lệ, lay động các tầng lớp nhân dân tạo ra các phong trào hành động cách mạng sôi nổi, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu do Đảng, Nhà nước đề ra, ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng kinh tế khá, năm 2009 đạt trên 5%, cao nhất trong các nước trong khối ASEAN.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của các ông Trương Tấn Sang; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, đại diện các tập thể, cá nhân điển hình đến từ mọi miền đất nước lần lượt trình bày báo cáo kết quả, kinh nghiệm triển khai CVĐ.

Thấm nhuần và thực hiện sáng tạo lời dạy của Bác

Thành công bước đầu của 24 đơn vị chỉ đạo thực hiện điểm CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến trong việc "tích cực học tập, nỗ lực làm theo" tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các ngành, các cấp. Trong đó, nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả góp phần thực hiện thắng lợi CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thực tế trong quá trình triển khai CVĐ, nhiều địa phương, đơn vị đã chọn những lĩnh vực còn hạn chế hoặc nổi cộm, bức xúc ở cơ sở để lồng ghép thực hiện CVĐ như: cải cách hành chính; giải phóng mặt bằng; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm; an ninh trật tự, an toàn xã hội; an sinh xã hội… Chọn việc khắc phục những hạn chế, yếu kém làm trọng tâm triển khai CVĐ, tạo chuyển biến tốt; qua đó, công tác xây dựng Đảng được quan tâm đúng mức hơn, tinh thần gương mẫu, ý thức trách nhiệm đảng viên, chất lượng tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên một bước.

Một số đơn vị cơ sở đã cụ thể hóa việc thực hiện CVĐ với trọng tâm làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Chẳng hạn như: Công an nhân dân: "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", Y tế triển khai: "Lương y như từ mẫu", ngành Giáo dục: "Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm"... Chú trọng tính hiệu quả, khắc phục bệnh thành tích, nhiều đơn vị đã có những cách làm tốt, theo nhiều phương thức khác nhau, được cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân hưởng ứng làm theo, đem lại những kết quả cụ thể. Ví dụ như phát động thành phong trào và duy trì nền nếp việc treo ảnh Bác Hồ tại nơi làm việc và gia đình…

1. Văn phòng T.Ư Đảng

Chuyển biến rõ nét nhất sau 2 năm thực hiện chỉ đạo điểm ở Văn phòng T.Ư Đảng chính là việc thường xuyên học tập và làm theo tấm gương của Bác về lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, về sự tận tụy, kiên trì, chu đáo, tỉ mỉ, sáng tạo và giữ vững nguyên tắc trong công tác hằng ngày.

Nhiều đơn vị, cá nhân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, cải tiến nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Điển hình như đổi mới quy trình, cách làm trong việc tổng hợp các ý kiến thảo luận của Ban chấp hành T.Ư tại tổ; nâng cao chất lượng các sản phẩm thông tin, công tác thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo; chủ trì xây dựng một số đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư được đánh giá tốt...

Đánh giá kết quả thực hiện chủ trương chỉ đạo điểm tại Văn phòng T.Ư, ông Hoàng Thanh Khiết, Bí thư Đảng ủy cho rằng một trong những kết quả nổi bật là mọi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của người đảng viên công tác và sinh hoạt tại cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban chấp hành T.Ư, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, để từ đó tích cực tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kế hoạch, chương trình hành động của từng đơn vị được xây dựng cụ thể, sát với tình hình, đặc điểm; gắn việc thực hiện CVĐ với quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; tăng cường sự kiểm tra, đôn đốc của các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể; nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ lãnh đạo....

2. Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT)

Sau 2 năm thực hiện chỉ đạo điểm, nhiều chi bộ đã thực sự đổi mới nội dung sinh hoạt thường kỳ, tạo sức hấp dẫn, gắn bó trách nhiệm của đảng viên với sinh hoạt chi bộ.

Một trong những tác động tích cực rõ rệt là hạn chế tiêu cực, lãng phí trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản, trong công tác quản lý của Tập đoàn. Tinh thần, thái độ nghiêm túc chấp hành nội quy lao động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được nâng lên. CVĐ giúp nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, nâng cao ý thức trách nhiệm và quá trình rèn luyện của từng đảng viên.

Bài học kinh nghiệm rút ra trong việc thực hiện CVĐ tại VNPT là chú ý phát huy vai trò quần chúng và các đoàn thể, ứng dụng công nghệ thông tin, cầu truyền hình để truyền đạt nội dung học tập từ xa cho cán bộ, đảng viên trực tại các đài trạm viễn thông trên núi cao, vùng sâu, vùng xa. Nội dung làm theo phải thiết thực, sát với tình hình thực tiễn của từng đảng viên, chi đảng bộ, đảng bộ, kết quả làm theo phải được đánh giá, động viên đúng mức, kịp thời. Việc làm theo gương Bác sẽ phát triển đều, rộng khắp và đạt hiệu quả cao ở các đơn vị có cán bộ lãnh đạo, quản lý gương mẫu đi đầu, nêu cao trách nhiệm.

3. Tập đoàn Dầu khí VN (PVN)

Đại diện Tập đoàn dầu khí Quốc gia VN chia sẻ những kinh nghiệm Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở đơn vị - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Những phong trào thi đua lao động, cải tiến tăng năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu, thực hành lối sống giản dị được thực hiện đều khắp, liên tục với một không khí lạc quan, tin tưởng tại PVN. Tiêu biểu như phong trào "Vượt khó lao động sáng tạo quên mình" của Nhà máy lọc dầu Dung Quất; "Đồng tâm, hiệp lực, đi đầu, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo" của Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí, Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro... Vị trí hạt nhân của các cấp ủy đảng, vai trò xung kích của Công đoàn, Đoàn thanh niên được khẳng định và phát huy; đẩy nhanh quá trình chuyển biến từ nhận thức đến hành động, từ học tập chuyển mạnh sang vừa học tập vừa làm theo tấm gương của Bác.

Tại PVN, việc “làm theo” có đăng ký, được theo dõi, gắn với các phong trào thi đua khác. CVĐ đã tạo chuyển biến mạnh mẽ với các kết quả vượt trội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng ở Tập đoàn. CVĐ đã tạo ra tinh thần đoàn kết, nhất trí, chủ động, sáng tạo, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thách thức vốn là đặc thù của ngành dầu khí.

Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí - PVN là đơn vị được PVN chọn để báo cáo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đại diện Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí cho biết: Tổng công ty có trên 2.000 CBCNV, trong đó có 300 đảng viên. Tổng công ty gồm những đơn vị 100% vốn VN, liên doanh nước ngoài, đại diện của Tổng công ty ở nước ngoài với nhiệm vụ vừa thực hiện mục tiêu kinh tế, vừa góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc phòng, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển Đông.

Phương châm thực hiện cuộc vận động: “Đồng tâm hiệp lực, đi đầu vượt khó, dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo”. Khi ra nước ngoài, đó là tinh thần tự lực, tự cường, là tinh thần VN. “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thúc giục mỗi cán bộ Tổng công ty làm việc hăng say, phát hiện nhiều mỏ mới, góp phần nâng cao sản lượng khai thác dầu khí nước ta. Tiêu biểu là mỏ Đại Hùng, nằm cách Vũng Tàu 300km. Trong năm 2009, bằng quyết tâm chủ động sáng tạo, phát huy nội lực, cán bộ công ty đã vượt qua khó khăn, hoàn thành vượt mức và trước kế hoạch.

Tổng công ty quán triệt đến từng thành viên lời dạy của Bác: “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” để góp phần bảo vệ quyền lợi, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Là những người hoạt động trên biển, phải đối mặt với thiên nhiên, việc gây sức ép, cản trở của các đối tượng, thế lực nước ngoài, có trường hợp còn nguy hiểm tính mạng nhưng cán bộ công ty vẫn nhiệt tình làm việc, phối hợp với Bộ Ngoại giao để khẳng định chủ quyền

4. Hình ảnh bộ đội cụ Hồ ở Tây Nguyên

Thượng úy Y Wang Niê (dân tôc Ê đê), Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Sau 12 năm bước chân vào quân ngũ, thượng úy Y Wang Niê (dân tộc Ê đê, Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk, Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk) luôn tâm niệm “lấy đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Hiện Y Wang Niê là đội trưởng vũ trang. Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thượng úy Y Wang đứng ra vận động toàn thể đoàn viên trong đơn vị thành lập tủ sách nói về cuộc đời thân thế, sự nghiệp của Bác. Nhờ đó, mà những câu chuyện về Người đã đến được với các chiến sĩ trong đơn vị.

Y Wang Niê còn đi đầu trong các hoạt động giúp đỡ người dân vùng biên. Như câu chuyện anh cùng đồng đội cứu hộ, di dời 50 hộ dân trong đợt lũ năm 2007, giúp người dân đào kênh rồi xuống tận nhà vận động bà con làm ruộng nước… đẩy lùi được cái đói, cái nghèo của người dân buôn Drăk Pốk, xã Krông Na huyện Buôn Đôn. Thượng úy Y Wang còn đứng ra vận động đoàn viên thanh niên lập nên vườn cây ăn trái trong đơn vị. Trên diện tích 3000 mét vuông, các đoàn viên đã trồng nhiều loại cây ăn quả.

Thượng úy Y Wang Niê không ngại khó, ngại khổ ngày đêm bám trụ trên biên giới bảo vệ biên giới cũng như địa bàn biên giới. Những việc làm ấy của thượng úy Y Wang Niê đã tô đậm thêm hình ảnh của anh bộ đội cụ Hồ trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”.

5. “Phải yêu nghề, yêu lao động”

Chị Nguyễn Thị Vóc, công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Chị Nguyễn Thị Vóc, tổ trưởng tổ thu gom rác Văn Quán, thuộc công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông. Một kỷ niệm vui với chị Vóc, khi xe rác đã đầy, đang trên đường ra bãi tập kết thì một người đã cao tuổi hớt hải chạy đến tìm chùm chìa khóa bỏ nhầm vào túi rác. Chị đã bới tung cả xe rác để tìm lại chùm chìa khóa đó. “Mang lại niềm vui cho người khác cũng là mang lại niềm vui cho mình”, chị Vóc tâm sự.

Quét rác cũng phải làm thế nào để đảm bảo an toàn, thuận cho mình nhưng cũng phải tiện cho người khác. Chị Vóc suy nghĩ, ai cũng biết việc quét rác là đơn giản, nhưng để làm tốt việc này thì không phải ai cũng làm được. Quá trình làm việc, chị rút ra kinh nghiệm là quét đến đâu hót luôn đến đấy, rồi chị nghĩ ra cách lấy chổi làm bằng cây thanh hao quét vừa nhẹ, vừa nhanh, đỡ tốn sức cho mình mà lại ít bụi. Nhiều đêm, khi công ty báo có đoạn đường xe chở rơi vãi vật liệu, bùn đất, chị lại huy động, rồi cùng anh chị em trong tổ làm thâu đêm suốt sáng, đảm bảo hôm sau đường sạch để người tham gia giao thông bình thường.

Phụ trách đoạn đường dài gần 2 km từ đầu cầu Đen đến địa phận Phùng Khoang, với lượng người đi lại rất lớn nên chị Vóc đã cùng các chị em phân công nhau quét rác từ rất sớm, thường từ 4 đến 6 giờ sáng hằng ngày. “Chọn thời gian đó đúng là vất vả cho chúng tôi, nhất là đối với những chị em nhà xa, con nhỏ, bận việc gia đình. Nhưng đổi lại, đó là thời gian sáng sớm, sương xuống nên quét không bụi, lại không ảnh hưởng nhiều đến những người tham gia giao thông”, chị Vóc bộc bạch.

“Tôi đã tự hỏi bản thân mình rằng phải học theo Bác như thế nào? và tự trả lời ràng: ở cương vị của mình, thiết thực nhất là học Bác thái độ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, yêu nghề, yêu lao động”, chị Vóc tâm sự.

6. Thực hiện cho được “ai cũng có cơm ăn, áo mặc”

Thượng tọa Thích Trí Huệ (trụ trì chùa Hội Phước, xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) dành hơn phân nửa đời mình để làm từ thiện. Mấy chục năm qua, vị Thượng tọa này luôn ghi nhớ ước muốn của Bác Hồ rằng “ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc” nên đến đâu thầy cũng tổ chức phát gạo. Bất cứ ở nơi nào, Thượng tọa Thích Trí Huệ luôn lấy điều thiện để khuyên người và giúp người.

Noi gương Bác, với tấm lòng bác ái, vị Thượng tọa còn lo nơi che mưa nắng cho người dân. Cứ mỗi gia đình nghèo, chùa hỗ trợ 200 tấm lá và cả cây bạch đàn để cất nhà. Trong nhiều năm qua, Thượng tọa đã giúp bà con nghèo hơn 10 ngàn tấm lợp. Đến thăm nhiều vùng quê nghèo để rồi thương cho điều kiện đi lại của người dân còn nhiều vất vả, thầy Thích Trí Huệ đã vận động để xây những chiếc cầu bêtông.

Điển hình toàn quốc chụp hình lưu niệm với Tổng bí thư - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Học và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch, thượng tọa Thích Trí Huệ tâm niệm sẽ dành nhiều hơn thời gian và công sức để làm những việc có ích và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bà con nghèo quê mình. Và, nhân cách sống của Bác Hồ sẽ mãi là chân lý sáng ngời giúp vị trụ trì này luôn sống tốt đời - đẹp đạo.

Xuất thân từ nông dân, nên Thượng tọa vẫn hàng ngày lao động, tăng gia sản xuất. Trên đất chùa, thầy Trí Huệ trồng lúa, hoa màu. Một phần bán lấy tiền lo tu bổ chùa, một phần để lại phân phát cho bà con nghèo. Trong những lần đi hành đạo, trực tiếp thấy được nỗi khổ của những bệnh nhân nghèo không lo được bữa ăn, vị sư này đã đứng ra vận động các tăng ni, phật tử tổ chức nấu cháo tình thương tại Trạm Y tế của xã bằng chính những hạt gạo của chùa.

Chính những việc làm nghĩa tình như thế, từ lâu thầy Thích Trí Huệ luôn được người dân kính trọng và nêu gương.

7. “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”

Tối ngày 14.4.2008, một tuần sau đợt đợt tấn công vào than lậu, ông Nguyễn Duy Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhận được tin nhắn đe dọa. “Sẽ đặt mìn, nếu ông không ra lệnh giải phóng số tàu than đang bị giữ và ngừng cuộc điều tra xác định nguồn gốc gần 10 vạn tấn than trên”. Không chùn bước, Ban chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Hưng làm Trưởng ban vẫn kiên định quyết tâm tận diệt than lậu.

Lời đe dọa nhằm thẳng vào cá nhân đồng chí đứng đầu cấp ủy tỉnh Quảng Ninh không khiến cuộc chiến chống than lậu bị ảnh hưởng. Trong đợt tấn công đó, chỉ trong 3 đêm "đóng cửa" ra quân, hơn 100 chiếc tàu với 100.000 tấn than lậu bị giữ ở cửa khẩu Vạn Gia (Móng Cái). Sau đó ít ngày, trên 380 lò bãi thu gom than trái phép bị xử lý; tịch thu nhiều vạn tấn than; bắt giữ 651 đối tượng để phân loại xử lý; xử lý hành chính 635 vụ, khởi tố xử lý 30 vụ án, bắt tạm giam trên 200 đối tượng liên quan đến than lậu, trong đó có cả một số cán bộ, đảng viên…

Sau đợt cao điểm này, nạn than lậu ở quảng Ninh đã được dẹp bỏ. Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân rất phấn khởi, đồng tình. Người dân tin tưởng hơn vào Đảng, vào tập thể cấp ủy… Còn với riêng mình, ông Hưng thấy vui vì mình đã làm thêm được một việc có ích, điều mà sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường căn dặn cán bộ đảng viên: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”

* Trong buổi chiều nay 24.1, các điển hình sẽ tham gia giao lưu, tọa đàm tại 10 đơn vị cũng là các điển hình trong thực hiện CVĐ. Đó là: Thành ủy Hà Nội, Văn phòng T.Ư Đảng, Báo Nhân dân, Bộ NN-PTNT, Đảng ủy Công an T.Ư, Tổng cục Chính trị QĐND VN, Đài Tiếng nói VN, Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN và T.Ư Đoàn TNCS HCM.

Phan Lê Tùng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/tham-nhuan-va-thuc-hien-sang-tao-loi-day-cua-bac-349041.html