Thận trọng khi bị chó cắn

Số mũi tiêm vaccine phòng dại trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng hơn 3 lần so cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, nhiều trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng đa vết thương toàn thân do chó cắn.theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, thời gian qua, cả nước đã ghi nhận 61 ca tử vong do dại, tăng 18 ca so cùng kỳ năm ngoái (khoảng 42%). Đa số các trường hợp tử vong đều chưa được tiêm phòng do tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn chó bình thường, không hiểu biết về bệnh dại, trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình, tâm lý e ngại với vaccine phòng dại…

Vaccine là biện pháp ngăn ngừa duy nhất

Bác sĩ Đinh Thị Vân Anh, Phó Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vaccine: "Vaccine phòng dại không gây hại cho người tiêm. Vaccine phòng dại được sản xuất từ virus dại đã bất hoạt do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác. Mọi người đừng lo ngại, hay do dự tiêm vaccine phòng dại khi bị chó hoặc động vật cắn. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử trí kịp thời".

Để kiểm soát bệnh dại ở động vật, cần tiêm vaccine cho thú nuôi, đặc biệt cho chó, kể cả chó con.

Những người có nguy cơ, bao gồm các bác sĩ thú y, người vận chuyển thú vật, người thám hiểm hang động, công nhân xử lý virus và những người đi du lịch đến các vùng lưu hành dịch,… nên tiêm vaccine dự phòng trước khi phơi nhiễm.

Phơi nhiễm với bệnh dại là trường hợp người bị chó, mèo, động vật nghi dại cắn, liếm hoặc bị nước bọt của động vật nghi dại dính vào niêm mạc (như mắt, miệng, niêm mạc bộ phận sinh dục) hoặc các phơi nhiễm với bệnh phẩm/virus dại tại phòng thí nghiệm.

Khi bị chó hoặc động vật cắn, cào, liếm vào vết xước,… cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút.

Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iode; cồn 70 độ hoặc rượu mạnh; xà phòng, dầu gội, dầu tắm…

Khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vaccine và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tình trạng động vật cắn, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh; tình trạng và số lượng vết cắn, vị trí bị cắn; tình hình bệnh dại trong vùng.

Theo nhandan.vn

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/than-trong-khi-bi-cho-can-32864.html