Thanh Ba hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững

PTĐT - Tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, bằng những giải pháp hiệu quả, phù hợp, huyện Thanh Ba ...

Cơ cấu kinh tế, lao động của huyện tiếp tục có sự chuyển biến tích cực từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

PTĐT - Tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, bằng những giải pháp hiệu quả, phù hợp, huyện Thanh Ba đã tích cực thực hiện xây dựng NTM theo hướng chất lượng, đến đâu chắc đến đó, đạt được nhiều thành tựu, đảm bảo liên tục, lâu dài, hướng tới sự phát triển bền vững. Đầu năm 2015, Thanh Ba chỉ có 1 xã đạt chuẩn, đến nay, toàn huyện đã có 15/18 xã và 60 khu dân cư được công nhận đạt chuẩn NTM, là huyện đứng thứ 3 của tỉnh về xây dựng NTM.

Xác định xây dựng NTM cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và người dân, cần có sự chung sức của toàn xã hội nên giải pháp đầu tiên được huyện triển khai thực hiện là công tác thông tin tuyên truyền về chương trình xây dựng NTM. Các tổ chức, đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM. Đội ngũ cán bộ cơ sở và nhân dân đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó người dân là chủ thể tích cực tham gia đóng góp ủng hộ chương trình. Do vậy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhiều chuyển biến rõ rệt, người dân chủ động tham gia vào các nội dung của chương trình thông qua những việc làm cụ thể như bàn bạc, trao đổi, thống nhất phương án, trực tiếp theo dõi, quản lý giám sát đầu tư các công trình trên địa bàn; chủ động chỉnh trang nhà, cổng, sân vườn, đường vào ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường nơi ở, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiến đất, góp công, góp của để xây dựng các công trình…
Nhờ vậy, giai đoạn 2016 - 2019, huyện đã huy động tổng nguồn lực hơn 1.150 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM, trong đó, ngoài vốn ngân sách Trung ương, địa phương, đặc biệt có sự tham gia của nguồn vốn từ các doanh nghiệp với hơn 410 tỷ đồng và nguồn lực huy động từ cộng đồng dân cư đạt hơn 83 tỷ đồng, còn lại là các nguồn hợp pháp khác. Đã có hơn 2.900 hộ dân hiến đất làm đường và các công trình công cộng với tổng diện tích gần 450.000m2, ước tính kinh phí đạt trên 70 tỷ đồng. Các tổ chức hội, đoàn thể đã vận động đóng góp, duy tu bảo dưỡng trên 220km đường giao thông, nạo vét 116km kênh mương, đóng góp gần 79.000 ngày công lao động. Cùng với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng huyện xác định xây dựng NTM nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, vì vậy, huyện đã chỉ đạo đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất; trồng thay thế bằng các giống chè chất lượng cao để nâng cao chất lượng, bước đầu xây dựng thương hiệu chè Thanh Ba, gắn với củng cố các hợp tác xã chè trên địa bàn… Ông Ngô Luyến, người trồng chè ở xã Đông Lĩnh phấn khởi nói: “Nhờ chương trình xây dựng NTM, người trồng chè chúng tôi đỡ vất vả hơn nhiều bởi có đường bê tông vào tận cổng; được hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu chè xanh Dốc Đen... Cây chè đã đem lại nguồn thu nhập chính cho nông dân và là cây “xóa nghèo” cho gia đình tôi cũng như nhiều gia đình nơi đây.”

Huyện cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, đặc biệt là các trang trại có sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy kinh tế phát triển, hình thành liên kết giữa các thành phần kinh tế ở nông thôn với doanh nghiệp. Bước đầu tạo vùng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn an toàn sinh học như dự án khu nông nghiệp công nghệ cao H2 Đông Thành; quan tâm xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp như chè xanh Dốc Đen, từng bước khôi phục xây dựng sản phẩm chè búp tím đặc trưng của địa phương…; phát triển các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp như: Trồng cây gai xanh tại xã Hoàng Cương, cây dược liệu ở xã Đỗ Xuyên và các xã khác, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhiều hộ nông dân đã được tập huấn nuôi, trồng và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, đem lại hiệu quả thiết thực. Trong nông nghiệp, nông thôn đã có sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lao động rõ rệt, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập của người dân nông thôn đạt bình quân 37,1 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn xuống còn 6,74% năm 2020. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, đến nay, xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi nổi trong quần chúng và tương đối đều khắp trong toàn huyện. Bộ máy chỉ đạo thực hiện từ huyện đến cơ sở được tổ chức thống nhất, đồng bộ, việc thực hiện cơ chế, chính sách kịp thời. Nhận thức về chương trình từ cấp ủy, chính quyền đến người dân được câng cao, phát huy được vai trò cụ thể của cấp xã, cấp thôn từ đó xây dựng NTM trở thành phong trào trong cả huyện. Chương trình xây dựng NTM của huyện đã và đang thực hiện theo đúng mục tiêu, thực sự mang lại hiệu quả cho người dân, chuyển dần từ nâng cao số lượng các tiêu chí sang duy trì theo hướng bền vững và tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí. Ông Nguyễn Kim Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, thời gian tới, huyện tiếp tục huy động, lồng ghép, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch xây dựng NTM đã đề ra với mục tiêu đến năm 2025 có 18/18 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Huyện tập trung đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trực tiếp phục vụ sản xuất và đời sống của người dân; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tập trung giải quyết vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn trong quá trình phát triển sản xuất và công nghiệp hóa. Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ người dân, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn, nâng cao hiệu quả đào tạo đội ngũ cán bộ và tăng cường năng lực đánh giá, giám sát thực hiện chương trình NTM.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-thon-moi/202009/thanh-ba-huong-toi-xay-dung-nong-thon-moi-ben-vung-173238