Thanh niên khởi nghiệp gặp khó do dịch bệnh

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên cũng bị ảnh hưởng. Khởi nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang muốn mở rộng kinh doanh, chuyển đổi quy mô để phù hợp với tình hình thực tiễn, nhu cầu của thị trường.

Anh Cao Hữu Tài, chủ cơ sở sản xuất Long Tuyền Phụng (phường 9, TP. Mỹ Tho) cho biết, cơ sở của anh chuyên phục vụ và sản xuất một số sản phẩm, như: Hoa tươi, cơm rượu, nước cơm rượu, rượu nếp ngọt (mang nhãn hiệu Mỹ Tho), bánh phu thê, chè trôi nước, bánh cốm… do dịch bệnh nên đầu ra khó khăn, hoạt động của cơ sở giảm sút. Là thanh niên khởi nghiệp nên nguồn vốn ít, được hỗ trợ vốn không nhiều, muốn tái sản xuất nhưng thiếu vốn. Nếu tiếp tục được hỗ trợ, thì anh sẽ sản xuất sản phẩm mới là cơm rượu nếp cẩm và rượu chuối hột.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Trang, đoàn viên Xã đoàn Long Thuận, TX. Gò Công khởi nghiệp với mô hình nuôi trùn quế chia sẻ, ưu điểm của mô hình là vừa bảo vệ môi trường, vừa phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Trước khi thực hiện mô hình, chị Trang khảo sát thực tế và nhận thấy các hộ dân trên địa bàn chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, nên lượng phân động vật từ chăn nuôi rất nhiều. Chính vì vậy, chị Trang cùng Xã đoàn Long Thuận đã lên ý tưởng thực hiện mô hình nuôi trùn quế.

Các mô hình khởi nghiệp của ĐVTN đang cần những giải pháp tháo gỡ để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. (Ảnh: Mô hình nuôi lươn không bùn của ĐVTN TX. Cai Lậy).

Chị Trang cho biết, mô hình tận dụng lượng phân động vật trong chăn nuôi để nuôi trùn quế. Sau khoảng 6 tháng nuôi, trùn quế bán ra thị trường với giá 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/kg; còn phân nuôi trùn quế sẽ bán cho các hộ nông dân dùng bón cho cây trồng. Đây là mô hình tương đối dễ thực hiện, do đầu vào có sẵn và đầu ra cũng cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên dự án gặp khó khăn. Chính vì vậy, chị Trang mong nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ các cấp bộ Đoàn, nhất là Tỉnh đoàn về quy trình tiếp cận nguồn vốn, tham gia các lớp tập huấn để có thêm kiến thức, kỹ năng triển khai mô hình đạt hiệu quả hơn.

Các cơ sở sản xuất của thanh niên khởi nghiệp tương đối nhỏ lẻ, đầu ra sản phẩm chưa có. Theo quan sát thị trường, dù có các sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp đã đạt chứng nhận OCOP nhưng chưa được trưng bày và bán tại các siêu thị, cửa hàng, như: Bách Hóa Xanh, Vinmart... Trong khi đó, các sản phẩm của thanh niên hiện nay có chất lượng cao, mẫu mã bao bì đẹp mắt.

Anh Cao Hữu Tài đề xuất: “Tết Nguyên đán 2022 sắp tới, Tỉnh đoàn cần thành lập tổ tổng hợp các sản phẩm khởi nghiệp của ĐVTN, thiết kế giỏ quà tết gồm các sản phẩm này, để các cơ quan, doanh nghiệp mua biếu tặng; qua đó tạo thu nhập cho ĐVTN. Đồng thời, lập kênh phân phối hàng hóa và chuỗi cung ứng để kết nối tiêu thụ các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm đạt OCOP của ĐVTN, cụ thể như thành lập cửa hàng hoặc siêu thị mini...; giao lưu, ký gửi các sản phẩm khởi nghiệp của ĐVTN trong tỉnh với tỉnh bạn và ngược lại”.

Theo anh Nguyễn Thanh Phong, Bí thư Thị đoàn Gò Công, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các cơ sở của thanh niên khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vì nằm trong khu phong tỏa; thực hiện giãn cách nên không sản xuất, chăm sóc cây trồng được, gây thiệt hại khoảng 50% - 60%... Hiện ĐVTN trên địa bàn có nhiều mô hình trồng trọt, như trồng mít thích ứng nhiễm mặn, ổi rubi, nuôi trùn quế… Thị đoàn hướng dẫn đoàn viên xây dựng đề án và kiến nghị Tỉnh đoàn hỗ trợ vốn để khởi nghiệp; đồng thời, mở các lớp tập huấn và tổ chức cho ĐVTN tham quan các mô hình khởi nghiệp hiệu quả trên địa bàn..

Trước tình hình khó khăn trên, Tỉnh đoàn cùng các sở, ngành đã kịp thời nắm bắt khó khăn, chia sẻ, đồng hành cùng ĐVTN khởi nghiệp; đồng thời, tập hợp, đánh giá những khó khăn và đề xuất các cơ quan chuyên môn hỗ trợ; đưa ra giải pháp tháo gỡ, giúp các mô hình ĐVTN khởi nghiệp trụ vững.

THIÊN LÝ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202112/thanh-nien-khoi-nghiep-gap-kho-do-dich-benh-941224/