Thanh niên tiên phong, không để ai bị bỏ lại phía sau

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 3 do IPU và Quốc hội Zambia phối hợp tổ chức diễn ra trong hai ngày 16 - 17.3 tại Lusaka với sự tham gia của 130 nghị sĩ từ 50 quốc gia, trong đó 20 người là lãnh đạo các nghị viện. Với chủ đề 'Chương trình nghị sự 2030: Thanh niên tiên phong, không để ai bị bỏ lại phía sau', hội nghị cam kết vai trò đặc biệt của thanh niên để hoàn thành mục tiêu SDGs cho một thế giới tương lai mà chính thế hệ trẻ và thế hệ tương lai sẽ sinh sống.

Thanh niên là nòng cốt của Chương trình nghị sự 2030

Năm 2015, cộng đồng quốc tế đã có những bước tiến vượt bậc trong việc lập kế hoạch cho một tương lai tốt đẹp hơn: Chương trình nghị sự 2030 về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Những người trẻ tuổi có lợi ích rất lớn trong những nỗ lực này. Khi chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 được hoàn thành vào năm 2030, chính giới trẻ ngày nay và các thế hệ tương lai sẽ là những người trực tiếp chịu tác động bởi sự thành công hay thất bại của chương trình nghị sự đó.

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 3 tại Zambia năm 2016. Ảnh: IPU

Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định vai trò không thể thiếu của thanh niên trong việc thực hiện các SDGs, theo đó, nếu không có sự đóng góp và lãnh đạo của giới trẻ, thế giới sẽ không thể đạt được Chương trình nghị sự 2030. Sự tham gia của thanh niên vào nghị viện là yếu tố thúc đẩy dân chủ, quyền lợi và sự phát triển công bằng, bình đẳng và bền vững.

Để đạt được các mục tiêu SDGs, trước tiên các nghị sĩ kêu gọi đạt được bình đẳng trong chính trị; đây là ưu tiên cao nhất của Hội nghị. Hiện những nghị sĩ trẻ chỉ chiếm thiểu số trong các cơ quan lập pháp, trong khi họ lại đại diện cho tới 50% dân số. Điều này là không công bằng và không bảo đảm tính đại diện.

Cam kết để thanh niên tiên phong

Tại hội nghị, các nghị sĩ trẻ đã đưa ra tuyên bố về những cam kết để thanh niên tiên phong trong thực hiện mục tiêu SDGs: lồng ghép quan điểm của thanh niên vào quá trình hoạch định các chính sách phát triển; giám sát quá trình thực hiện và phân bổ nguồn lực để đảm bảo các chính sách này được thực hiện cho cả các đối tượng nam và nữ thanh niên; thành lập các ủy ban chuyên môn trong nghị viện để thể chế hóa các mục tiêu phát triển; đánh giá một cách có hệ thống tiến độ của chính phủ trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển; đưa mối quan tâm của giới trẻ vào chính sách và pháp luật bằng cách tăng cường quan hệ đối tác giữa thanh niên và các tổ chức thanh niên; thông qua các công cụ kỹ thuật số như kiến nghị và điều trần trực tuyến; ưu tiên chi ngân sách cho phúc lợi xã hội và kinh tế cũng như hợp tác phát triển quốc tế hơn là chi tiêu quân sự; nâng cao tính minh bạch, giám sát tài chính công và cho phép người dân tăng cường giám sát chi tiêu nhà nước, bao gồm cả thông qua mạng xã hội; thể chế hóa và giám sát việc thực thi giáo dục bắt buộc và miễn phí cho tất cả thanh niên nam nữ, bảo đảm quá trình đào tạo được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của thị trường việc làm; thu hút sự chú ý của người dân và giới truyền thông về chương trình nghị sự phát triển, bao gồm cả việc kêu gọi những người nổi tiếng được giới trẻ yêu thích.

Các đại biểu tin rằng, việc trẻ hóa các nền dân chủ sẽ thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong chương trình nghị sự phát triển và bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Bằng cách trao tiếng nói mạnh mẽ hơn cho giới trẻ, trao quyền cho thanh niên tham gia vào chương trình nghị sự phát triển, các nền dân chủ sẽ trở nên cởi mở hơn, dễ tiếp cận, minh bạch, có trách nhiệm, và hiệu quả hơn.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/thanh-nien-tien-phong-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-i342484/