Thay đổi cách xét tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông: Lo thiếu công bằng

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, nếu kỳ thi THPT quốc gia 2019 thực hiện xét tốt nghiệp theo công thức mới, các học sinh có học lực trung bình sẽ gặp nhiều bất lợi.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ được giám sát chặt chẽ hơn. Ảnh: ĐH.

Mong cách tính điểm đơn giản hơn

Kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ tăng tỉ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm: 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Theo nhiều giáo viên, điểm xét tốt nghiệp THPT được tính theo phương án trên sẽ bất lợi cho học sinh có học lực trung bình.

Từ công thức này, thầy Đặng Danh Hướng, giáo viên trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) phân tích trên hai phương diện: “Dưới góc độ của các nhà quản lý giáo dục, chúng tôi cho rằng đây là một phương thức tính điểm sẽ phân loại học sinh tốt hơn, hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đảm bảo được sự công bằng, khách quan trong xét tốt nghiệp cũng như công nhận tốt nghiệp cho học sinh. Bởi, cách tính điểm tạo ra sự công bằng giữa các học sinh trong bối cảnh nhiều trường phổ thông đang có biểu hiện nâng điểm quá đà cho học sinh mà không đánh giá đúng trình độ nhận thức của các em (hay nói đúng hơn là chạy theo thành tích ở một số trường THPT)”.

Theo thầy Hướng, với cách tính điểm mới này yêu cầu học sinh phải có thái độ học nghiêm túc hơn, không được ỷ lại và mong chờ sự cứu vớt của thầy cô thông qua việc nâng đỡ điểm trung bình năm học lớp 12.

Nhưng về phía học sinh, thầy Hướng lại cho rằng, với cách tính điểm này, tỉ lệ học sinh trượt tốt nghiệp cũng nhiều hơn, nhiều học sinh rơi vào tình trạng mong manh giữa trượt và đỗ vì không chắc chắn được tổng điểm các bài thi đạt 5 điểm. Đặc biệt, những học sinh thi khối ngành năng khiếu khả năng trượt tốt nghiệp cao hơn. Do vậy, học sinh mong muốn đơn giản hóa cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT, tăng độ khó trong thi tuyển đại học, cao đẳng...

Đồng quan điểm, thầy Lê Mạnh Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng, nếu xét tốt nghiệp THPT cho học sinh dựa vào công thức nêu trên sẽ bất lợi cho học sinh có học lực trung bình. Lí giải về quan điểm của mình, thầy Tùng biết: “Những học sinh có lực học trung bình sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng và thiệt thòi lớn nếu thay đổi. Học sinh học lực trung bình hoặc khá thường có thể đạt điểm trung bình trung, học tập cao nhất chỉ là 7. Nếu điểm thi chỉ đạt 4 điểm/môn thì theo cách tính mới vẫn trượt tốt nghiệp.

“Thay đổi này mâu thuẫn với chủ trương đánh giá học tập theo cả quá trình và mục tiêu giáo dục toàn diện. Do đó, tôi đề xuất Bộ GD&ĐT vẫn thực hiện hình thức xét tốt nghiệp THPT như những năm trước”, thầy Tùng nêu quan điểm.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định nội dung câu hỏi đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Thầy Tùng cũng nhận định, thông tin này khiến cho học sinh mơ hồ, bởi theo lộ trình mà Bộ GD&ĐT đã công bố thì đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 10. “Tuy nhiên, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo, chúng tôi nhận thấy có 90% câu hỏi ở các đề nằm trong chương trình lớp 12. Do đó, chúng tôi sẽ tập trung ôn tập cho học sinh ở những nội dung kiến thức lớp 12”, thầy Tùng khẳng định.

Quy trình giám sát vẫn còn lỗ hổng

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn. Như, quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật; đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại Điểm thi, Hội đồng thi.

Về công tác chấm thi, Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép…

Từ điều chỉnh kỹ thuật ở kỳ thi THPT quốc gia 2019 mà Bộ GD&ĐT công bố, thầy Tùng cho rằng, việc giám sát ở phòng thi và khâu in sao đề thi vẫn còn bị bỏ ngỏ. Vì thế, thầy Tùng đề xuất Bộ GD&ĐT lắp đặt camera ở cả các phòng in sao đề thi và phòng thi. “Thực tế, mỗi khi kỳ thi diễn ra dư luận vẫn bàn luận về việc thí sinh gian lận trong phòng thi nhưng lại không thể tìm ra dấu vết. Việc lắp camera ở phòng thi sẽ giám sát được công tác coi thi của giám thị và việc làm bài của thí sinh”, thầy Tùng cho biết.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, những điều chỉnh về mặt kỹ thuật của Bộ GD&ĐT là tích cực, tăng cường tính bảo mật cho kỳ thi. Tuy nhiên, máy móc vẫn có những hạn chế nhất định và vẫn phụ thuộc vào con người. Từ những ý kiến này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhận định: “Mọi giải pháp, thiết bị công nghệ cũng không thể vượt qua trách nhiệm, ý thức của con người. Do đó, cùng với giải pháp công nghệ này, Bộ GD&ĐT sẽ cụ thể hóa trong quy chế thi và văn bản hướng dẫn. Sẽ xác định rất rõ trách nhiệm của từng thành phần, từng đối tượng tham gia từng khâu, từng giai đoạn, từng công việc cụ thể của quá trình tổ chức thi. Giải pháp công nghệ là giải pháp hỗ trợ. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương phải rất chủ động, đề cao trách nhiệm và phải sát cánh cùng với bộ, cộng đồng trách nhiệm thì mới có thể tổ chức tốt, thành công kỳ thi THPT quốc gia năm 2019”.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thay-doi-cach-xet-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-lo-thieu-cong-bang.aspx