Thấy gì từ vụ bán cho khách Tây 3 quả dứa giá 500.000 đồng ở phố cổ Hà Nội?

Vụ việc tiểu thương 'chặt chém' du khách nước ngoài khi bán 3 quả dứa với giá 500.000 đồng tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về vấn nạn 'chặt chém', 'chèo kéo' du khách. Những hình ảnh xấu xí này trực tiếp làm giảm sức hấp dẫn của du lịch Việt trong mắt du khách quốc tế.

Chặt chém” bất chấp

Chiều 28/4, trên mạng xã hội lan truyền video về vụ tranh cãi giữa người bán hàng rong và nhóm du khách nước ngoài. Nhóm du khách bất bình và có hành động tức giận với người bán hàng khi bị "chém" 3 quả dứa với giá 500.000 đồng.

Nhiều người dân xung quanh can ngăn và yêu cầu người bán hàng trả lại tiền cho nhóm du khách, lúc này người bán hàng rong mới chịu. Sự việc gây ồn ào được xác định xảy ra ở ngã tư Hàng Buồm - Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm.

Vụ việc người bán hàng rong "chặt chém" 3 quả dứa với giá 500.000 đồng gây xôn xao mạng xã hội.

Đến tối 29/4 lực lượng chức năng đã xác định được danh tính người bán hàng trong video và lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Người bán hàng rong là bà N.T.T (sinh năm 1968, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), đang thuê trọ theo ngày trên địa bàn phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Tại cơ quan công an bà T. đã viết cam kết không tái phạm.

Quanh khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, việc “chặt chém”, nâng giá diễn ra khá thường xuyên.

Cuối tháng 3/2024 cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm đã xử phạt hành chính một người bán hàng rong khi bán 4 chiếc bánh rán với giá 50.000 đồng cho hai vị khách nước ngoài.

Dạo quanh một vòng khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, không khó để phát hiện những gánh hàng rong bán hàng với giá cao hơn rất nhiều so với thị trường.

Du khách Việt cũng không tránh khỏi bị "chặt chém" cho nên với những du khách nước ngoài không rành tiếng Việt, rất khó để họ tránh được những chiếc bẫy này.

Trước khi kỳ nghỉ lễ diễn ra, nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về tình trạng tăng giá không kiểm các loại dịch vụ vào dịp lễ, Tết không khác nào “lấy đá ghè chân mình”, tự hủy hoại ngành du lịch.

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - nhấn mạnh nhiều nước trên thế giới có quy định rõ ràng việc tăng giá vào dịp lễ Tết. Nhưng ở Việt Nam việc này còn chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến việc quản lý giá cả, dịch vụ rất khó.

Du khách quốc tế thường là con mồi của những kẻ bán hàng "chặt chém".

"Việc tăng giá như vậy rất nguy hiểm. Không dịp lễ Tết nào không xảy ra vấn đề, phản ánh của du khách về nạn chặt chém. Người quản lý địa phương cần có trách nhiệm hơn khi để xảy ra vấn đề này. Nếu địa phương không thể quản lý, ngăn chặn, xử lý sẽ khiến địa điểm du lịch mất hình ảnh, sụt giảm khách nghiêm trọng", ông Vũ Thế Bình nêu.

Thắt chặt cơ chế xử phạt

PGS.TS. Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho biết hệ lụy của việc "chặt chém" làm xấu đi hình ảnh các điểm đến du lịch.

Từ tâm lý không thoải mái du khách sẽ bị ác cảm với điểm đến. Những cảnh báo với người thân, bạn bè làm mất đi tính hấp dẫn của điểm đến du lịch.

“Nguyên nhân xảy ra tình trạng chặt chém chủ yếu là do người cung cấp dịch vụ chưa nhận thức hết về trách nhiệm xã hội và trách nhiệm về mặt pháp luật khi tham gia vào thị trường du lịch”, PGS.TS. Phạm Ngọc Trung nêu.

Ông nhấn mạnh chỉ một hình ảnh xấu lan truyền trên internet thì mọi công sức xây dựng hình ảnh du lịch đều bị lung lay.

Vụ việc người bán hàng rong bán 4 chiếc bánh rán với giá 50.000 cho du khách quốc tế là một trong những hình ảnh xấu về du lịch Thủ đô.

Du lịch Việt Nam ghi điểm ở phong cảnh đẹp nhưng đang mất điểm với những “con sâu làm rầu nồi canh” sẵn sàng tăng giá bất chấp, không màng hậu quả. Đây cũng là lý do trang Outlook Traveller từng đăng tải bài hiến kế để không bị “chặt chém” khi du lịch tại Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng "chặt chém" du khách, PGS.TS. Phạm Ngọc Trung cho rằng người bán hàng phải công khai toàn bộ thông tin sản phẩm và niêm yết công khai giá bán cho khách hàng. Điều này đảm bảo việc “thuận mua vừa bán”.

Đối với các dịp lễ, Tết, ông Vũ Thế Bình đề xuất công khai giá các dịch vụ hoặc mức tăng phù hợp.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng giám đốc cty du lịch AZA Travel - khẳng định điều ngành du lịch cần làm ngay là ban hành một bộ tiêu chí chấm điểm quản trị, phát triển du lịch cho các tỉnh, thành.

Công khai giá là yêu cầu bắt buộc nhằm đẩy lùi tình trạng "chặt chém" du khách.

Các tiêu chí có thể bao gồm quản lý an ninh, trật tự, an toàn dành cho khách du lịch, bảo vệ và tôn tạo tài nguyên du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, bến bãi... chất lượng và sự hấp dẫn của sản phẩm và dịch vụ. “Bộ tiêu chí sẽ tạo áp lực khiến nhà quản lý địa phương phải vào cuộc ngăn chặn hiện tượng chặt chém”, ông Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh.

Một số chuyên gia cho rằng có thể tăng nặng hình phạt thành vi phạm hình sự với tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Sự việc chặt chém khách du lịch "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là một tình tiết tăng nặng nên các cá nhân có thể phải chịu mức án lên đến 10 năm tù.

Trong kinh doanh, buôn bán, các tổ chức, cá nhân có những hành vi cân đong đo đếm, tính gian… gây thiệt hại cho khách hàng thì có thể bị xử lý về tội Lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự.

Điều 198. Tội lừa dối khách hàng

Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Gia Linh - Ngọc Ánh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thay-gi-tu-vu-ban-cho-khach-tay-3-qua-dua-gia-500000-dong-o-pho-co-ha-noi-post1633197.tpo