Thế giới chờ đợi gì ở Trung Quốc tại COP28?

Trung Quốc – nước phát thải nhiều khí metan nhất thế giới, dự kiến sẽ công bố chiến lược cắt giảm sản lượng khí nhà kính trong thời gian tới. Thế nhưng, có khả năng quốc gia này vẫn chưa đặt ra những mục tiêu cắt giảm cụ thể.

Trung Quốc – nước phát thải nhiều khí metan nhất thế giới

Trung Quốc tạo ra hơn 14% lượng khí thải metan toàn cầu, nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa tham gia vào hiệp ước toàn cầu nhằm cắt giảm 30% sản lượng khí metan vào năm 2030. Đây là một hiệp ước do Mỹ thành lập, và đã có hơn 150 quốc gia khác ký kết.

Ông Marcelo Mena – CEO của quỹ Global Methane Hub kiêm cựu bộ trưởng môi trường của Chile, cho biết: “Tôi dự đoán, một kế hoạch chính sách rất chi tiết – gồm những quy định khác nhau – sẽ được ban hành”. Ông cũng cho biết đã thảo luận về kế hoạch này với đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc, Xie Zhenhua, trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng trước.

Ông Mena nói với Reuters rằng kế hoạch này tập trung vào những nguồn phát thải khí metan thách thức nhất của Trung Quốc, bao gồm khí thải từ các mỏ than và hoạt động nông nghiệp – tính cả cả sản xuất lúa gạo. Thế nhưng, ông không thấy bất kỳ con số mục tiêu nào trong kế hoạch.

Được biết, kế hoạch này sẽ được công bố trước hoặc tại COP28 sắp tới. Theo ông Mena: “Đây có thể sẽ là cam kết tham vọng nhất từng được thấy. Nó sẽ cắt giảm phần lớn lượng khí thải từ các nước đang phát triển”.

Một nguồn tin khác (họ từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông) thì cho biết, Trung Quốc đã miễn cưỡng đặt ra những mục tiêu số liệu, vì các bộ nông nghiệp và năng lượng của nước này lo ngại về tác động của chiến lược.

Bộ Môi trường Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức những câu hỏi về thời điểm công khai báo cáo, cũng như khả năng có những mục tiêu cụ thể hay không.

Theo thông tin tuần trước từ cơ quan truyền thông Trung Quốc, Bộ Môi trường nước này đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị công khai kế hoạch, nhưng họ không đưa ra khung thời gian.

Vào năm 2022, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã khuyến khích thực hiện những biện pháp nông nghiệp mới nhằm giảm thiểu lượng khí metan, chẳng hạn như quản lý tưới ruộng lúa và chế độ cho vật nuôi ăn ít đạm.

Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley ở California thực hiện và công bố vào tháng 8, nhờ những cải cách trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp của Trung Quốc, vào cuối thập kỷ, quốc gia này sẽ có thể giảm được 30-40% lượng khí metan so với mức của năm 2015.

Còn nhóm nghiên cứu môi trường Kayrros thì cho biết, ngành than khổng lồ của Trung Quốc là một thách thức lớn, vì tình trạng phát thải metan từ ngành than của nước này được xếp vào hàng đầu thế giới, chiếm 28% cơ cấu những nguồn phát thải metan lớn trên toàn cầu.

Nguồn tin thứ hai cũng cho biết, Trung Quốc dự kiến sẽ công bố kế hoạch giảm khí metan trước khi nối lại đàm phán song phương với Mỹ trong tuần này tại Sunnylands ở California, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco.

Vào 10 năm trước, tại Sunnylands - khu nghỉ dưỡng nằm ở sa mạc phía nam bang California, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được một thỏa thuận lịch sử, đặt ra nền tảng cho thỏa thuận khí hậu Mỹ-Trung, mở đường cho Thỏa thuận chung Paris 2015.

Vào hôm 2/11, giới quan chức Trung Quốc xác nhận rằng cuộc họp sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 7/11.

Tại COP26, lần đầu tiên, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý cùng hợp tác đo lường và giảm lượng khí thải metan.

Trung Quốc đặt mục tiêu đạt đỉnh phát thải CO2 vào năm 2030 và đạt mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào năm 2060.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/the-gioi-cho-doi-gi-o-trung-quoc-tai-cop28-698506.html