Thế giới đã làm gì để khống chế dịch COVID-19?

Dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng với tốc độ khủng khiếp. Trong khi tình hình châu Á đã lắng dịu thì ở các khu vực như châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông...

trở thành “tâm điểm” mới của dịch bệnh với số ca mắc và tử vong tăng chóng mặt.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

và khó lường

Tính đến thời điểm này, đã có 148 quốc gia/ vùng lãnh thổ ghi nhận có người mắc COVID-19. Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 khi liên tục lập “kỷ lục” mới về số ca mắc và chết trong ngày. Đỉnh điểm trong 1 ngày 14/3, Italy có gần 3.500 người mắc mới và gần 200 người tử vong vì COVID-19. Tây Ban Nha cũng đang “nối gót” Italy trở thành quốc gia xếp thứ 2 châu Âu và thứ 5 thế giới với 6.391 người mắc và 196 người tử vong (PV- sáng 15/3). Trong khi đó, Iran trở thành quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 3 thế giới với gần 13.000 trường hợp mắc bệnh và hơn 600 người tử vong.

Đáng chú ý, tổng số ca mắc COVID-19 ở tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc đã xấp xỉ số ca mắc của Trung Quốc tính đến thời điểm này. Trong vài ngày trở lại đây, số ca mắc mới mỗi ngày ở Trung Quốc hầu như không tăng hoặc chỉ tăng 1 con số, số trường hợp tử vong dừng ở 2 con số. Những nơi được coi là “ổ dịch” trước đây như Nhật Bản, Hàn Quốc dù số ca mắc theo ngày vẫn cao hơn 100 trường hợp như ở Hàn Quốc nhưng số người tử vong rất thấp như Nhật Bản, đến thời điểm này có 22 người tử vong/ 804 người nhiễm bệnh.

Như vậy châu Á dường như đang khống chế dịch COVID-19 hiệu quả hơn so với nhiều nước ở châu Âu, hay Mỹ. Hiện Mỹ ghi nhận hơn 2.800 người mắc và 57 trường hợp tử vong và nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do đại dịch COVID-19, tạo điều kiện cho việc cung cấp thêm viện trợ liên bang trị giá 50 tỷ USD nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Đường phố ở Italya không một bóng người.

Các nước làm gì để dập dịch COVID-19?

Theo Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), 15 quốc gia đã đóng cửa trường học trên cả nước, hàng chục nước đóng cửa một phần, ảnh hưởng tới gần 363 triệu người học trên toàn thế giới. Động thái này diễn ra ở khắp các châu lục từ châu Á, châu Âu, Trung Đông đến Bắc Mỹ. Cuộc khủng hoảng về sức khỏe do COVID-19 đang khiến ít nhất 1/5 học sinh trên toàn thế giới phải nghỉ học.

Các sự kiện tập trung đông người được hoãn lại, từ các giải bóng đá trong nước đến các giải quốc tế lớn, các sự kiện âm nhạc, giải trí đều bị hủy bỏ. Những trận đấu vẫn diễn ra đều trong tình trạng đóng cửa hoặc không có khán giả. Các điểm tham quan du lịch hoặc địa điểm vui chơi như nhà hàng, quán bar đều trong tình trạng bị đóng cửa ở nhiều nước như Italy, Pháp... Nhiều nước yêu cầu các cơ quan cho nhân viên làm việc tại nhà...

Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, các nước đã tăng cường hoạt động kiểm dịch ở sân bay, nhà ga, các địa điểm vận tải công cộng bằng các hình thức như khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt. Ngoài ra, tùy vào năng lực y tế của mỗi nước, các quốc gia tăng cường phát hiện sớm bằng xét nghiệm. Đến nay, có sự chênh lệch trong việc thực hiện xét nghiệm kiểm tra y tế của mỗi nước. Như Hàn Quốc mỗi ngày xét nghiệm hàng chục nghìn trường hợp, Mỹ xét nghiệm cho bất cứ người nào có chỉ định của bác sĩ, Anh chỉ làm xét nghiệm cho những người có triệu chứng và đến các vùng có nguy cơ, trong khi đó Italy xét nghiệm cả những người không có triệu chứng và từng đến các vùng có nguy cơ cao... Chính vì thế số người được phát hiện sớm COVID-19 là khác nhau ở mỗi nước, điều này cũng liên quan tới hiệu quả điều trị và số ca tử vong.

COVID-19 có khả năng lây nhiễm cực mạnh, nên nhiều nước đã áp dụng chính sách phong tỏa, hạn chế đi lại, thậm chí là dừng nhập cảnh đối với những quốc gia được coi là “ổ dịch”. Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa một tỉnh, Italy phong tỏa cả nước. Ngày 14/3 mới đây, Tây Ban Nha cũng áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, người dân chỉ được rời khỏi nhà mua thức ăn, thuốc men hoặc đến bệnh viện, hỗ trợ người già, lện phong tỏa bắt đầu từ 8h ngày 16/3. Một số quốc gia ban hành các chính sách về xuất nhập cảnh mới, như Tổng thống Mỹ đã tuyên bố tạm dừng cho nhập cảnh đối với những người đến từ các nước châu Âu trong vòng 30 ngày. Một số nước châu Âu áp dụng lệnh cách ly với các nước láng giềng như Đan Mạch đóng cửa biên giới. CH Czech, Ba Lan dự định từ chối tất cả người nước ngoài nhập cảnh, Nga sẽ đóng cửa biên giới đất liền với Ba Lan, Nauy...

Hải Yến

((theo UN, AP, CNN))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/the-gioi-da-lam-gi-de-khong-che-dich-covid-19-n170275.html