Thí sinh đăng ký theo ngành và không giới hạn số nguyện vọng

(HNMO - Ngày 3-3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tuyển sinh năm 2023. Chủ trương được thống nhất tại hội nghị là giữ ổn định công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm nay như năm trước. Các trường có trách nhiệm rà soát, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả. Thí sinh đăng ký xét tuyển theo ngành và không giới hạn số lượng nguyện vọng.

Hội nghị tuyển sinh năm 2023.

Tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất trong ba năm

Điểm lại kết quả tuyển sinh năm 2022, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, tổng số thí sinh nhập học trên toàn quốc là 521.263 em, đạt 83,39%, cao hơn số nhập học của các năm 2021 và 2020. Trong tổng số 330 cơ sở đào tạo, có 194 cơ sở (gần 59%) đạt tỷ lệ nhập học trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% so với tổng số thí sinh nhập học của cả nước.

Tại hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng công bố tỷ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo gần 20 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông có tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất - 47,98%; xếp thứ hai là phương thức xét tuyển bằng học bạ - 37,18%.

Với các phương thức còn lại, tỷ lệ thí sinh nhập học ở từng phương thức chỉ chiếm khoảng 1%. Đơn cử như ở phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển, tỷ lệ thí sinh nhập học đạt 0,65%. Phương thức xét tuyển qua phỏng vấn không có thí sinh nào nhập học.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, trong kỳ tuyển sinh năm 2022, vẫn còn một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển. Có hiện tượng một số trường không báo cáo kết quả xét tuyển sớm lên hệ thống, gọi thí sinh nhập học khi các em chưa tốt nghiệp trung học phổ thông; chậm giải quyết sai sót cho thí sinh…

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, bốn lĩnh vực tuyển sinh kém nhất trong năm 2022, cũng là năm thứ ba liên tiếp, gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; khoa học sự sống; khoa học tự nhiên; dịch vụ xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như do trường chưa đủ uy tín, do vị trí địa lý, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp…

Thí sinh đăng ký xét tuyển theo ngành

Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo không ban hành quy chế tuyển sinh mới, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non cơ bản ổn định như năm trước. Thí sinh đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến với số lượng nguyện vọng không giới hạn.

Điểm mới nữa mà thí sinh cần lưu ý là quy định điều chỉnh điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (theo thang điểm 10 và tổng điểm tối đa là 30) sẽ giảm dần. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông và một năm kế tiếp. Các cơ sở đào tạo và thí sinh cần nắm rõ sự điều chỉnh này để có sự chủ động.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Để khắc phục những bất cập, tồn tại của kỳ tuyển sinh năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển. Để khắc phục việc thí sinh nhầm lẫn giữa các phương thức xét tuyển, năm nay, Bộ quy định thí sinh đăng ký xét tuyển theo ngành.

Theo kế hoạch dự kiến, thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển từ ngày 5-7 đến 17h ngày 25-7-2023. Đến 17h ngày 14-8-2023, các trường phải hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1. Thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trên hệ thống trước 17h ngày 30-8-2023. Các trường tổ chức đăng ký và xét tuyển bổ sung từ tháng 9 đến tháng 12-2023. Như vậy, các mốc thời gian này cơ bản đã trở lại ổn định như thời gian chưa có dịch bệnh, bảo đảm để các trường tổ chức nhập học vào tháng 9-2023.

Bộ cũng sẽ nâng cấp hệ thống tuyển sinh, bổ sung chức năng để các trường cập nhật kết quả kỳ thi riêng lên hệ thống. Các trường khác có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển, hạn chế việc tổ chức xét tuyển sớm cũng như bảo đảm sự chính xác, công bằng. Với cách thức này, thí sinh cũng sẽ bớt vất vả hơn khi có nguyện vọng sử dụng kết quả kỳ thi riêng của trường này để tham gia xét tuyển vào trường khác.

Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; loại bỏ các phương thức không hiệu quả; có phương án xét tuyển bảo đảm công bằng…

Ý kiến của các cơ sở đào tại hội nghị đều cơ bản thống nhất chủ trương thực hiện công tác tuyển sinh năm 2023 theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Các trường có chung đề xuất điều chỉnh các mốc thời gian xét tuyển để có thể tổ chức cho sinh viên nhập học vào tháng 9 như trước khi có dịch bệnh.

Khẳng định giữ ổn định công tác tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ không ban hành quy chế tuyển sinh mới, chỉ điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tạo thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh. Các cơ sở đào tạo cần sớm hoàn thiện quy chế tuyển sinh của đơn vị, trên cơ sở này, Bộ sẽ hoàn thiện kế hoạch tuyển sinh cụ thể và các tài liệu hướng dẫn.

Các trường phổ thông rà soát, cập nhật đầy đủ thông tin theo quy định lên cơ sở dữ liệu ngành, làm cơ sở cho việc xác định chỉ tiêu cũng như tổ chức đăng ký xét tuyển thuận lợi, công bằng, chính xác. Các cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển sớm không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời gian quy định.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tuyen-sinh/1057143/thi-sinh-dang-ky-theo-nganh-va-khong-gioi-han-so-nguyen-vong