Thị trường vàng mã kém sôi động dịp cận Tết Nguyên đán

Hằng năm, vào những ngày cận kề lễ ông Công ông Táo và Tết Nguyên đán, tại những cửa hàng chuyên sản xuất và cung cấp vàng mã ở thành phố Vĩnh Yên luôn tấp nập người mua kẻ bán. Nhưng năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức mua giảm mạnh, không khí buôn bán trở nên trầm lắng hơn.

Gần Tết, các gian hàng bày bán vàng mã – đồ thờ cúng tại chợ Vĩnh Yên kém nhộn nhịp hơn hẳn mọi năm

Mặc dù đa dạng về mặt hàng, mẫu mã nhưng đa số người dân kinh doanh vàng mã đều cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng năm nay có dấu hiệu đi xuống.

Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ cơ sở sản xuất và buôn bán vàng mã trên đường Mê Linh chia sẻ: "Gia đình tôi đã có gần 20 năm trong nghề sản xuất và bán vàng mã nhưng chưa năm nào việc buôn bán lại ảm đạm như năm nay.

Trước đây, cận Tết Nguyên đán, gia đình tôi phải làm việc thâu đêm suốt sáng để đáp ứng nhu cầu người mua. Tuy nhiên, năm nay, lượng hàng bán ra sụt giảm khoảng 50% so với mọi năm. Các mặt hàng vẫn đa dạng về mẫu mã nhưng do dịch bệnh, khách hàng có tâm lý thắt chặt chi tiêu.

Hơn nữa, tình hình dịch phức tạp thì các hoạt động lễ hội sau Tết bị hủy bỏ, lượng tiêu thụ vì thế cũng giảm đáng kể. Mọi năm, gia đình tôi sản xuất khoảng 5.000 sản phẩm phục vụ các hoạt động sau Tết Nguyên đán, thì năm nay số lượng giảm xuống còn khoảng 1.000 sản phẩm. Việc sản xuất cũng cầm chừng, vừa sản xuất vừa nghe ngóng thị trường”.

Tại cơ sở buôn bán vàng mã, đồ thờ cúng của gia đình chị Trần Thị Bích Lộc trên đường Lê Xoay cũng vắng người mua. Chị Lộc cho hay: “Vào dịp cận Tết những năm trước, cửa hàng của gia đình tôi đã nhập về lượng sản phẩm vàng mã tương đối lớn, mẫu mã đa dạng, nhiều khi không còn chỗ để, mà khách mua hàng liên tục, không sợ tồn đọng.

Nhưng năm nay thị trường khá yên ắng, sức mua giảm mạnh dù giá vàng mã không biến động nhiều. Bên cạnh đó, chi phí nhập hàng tăng nên lãi cũng không được nhiều như trước đây.

Không chỉ vậy, thông thường thời điểm giáp Tết là lúc bận rộn nhất, lượng khách ra vào đông vui, nhộn nhịp, cả gia đình tôi vừa tất bật chuẩn bị nhập, phân loại hàng bán cho khách vào ngày Tết, lễ ông Công, ông Táo, vừa tập trung làm hàng phục vụ lễ khai xuân và nhu cầu cúng bái giải hạn. Tuy nhiên, hiện tại chỉ ghi nhận mức tiêu thụ bằng 40% so với mọi năm”.

Theo quan sát, mỗi bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo bao gồm mũ cánh chuồn, hia, quần áo có mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá dao động từ 35.000 - 85.000 đồng/bộ tùy chất liệu và kích cỡ. Ngoài các mẫu mã cơ bản, với quan niệm "trần sao âm vậy" nên ở đây không thiếu thứ gì, kể cả biệt thự, xe hơi, điện thoại... Nếu khách cần hàng độc, lạ, số lượng lớn thì phải đặt trước, còn hàng thông thường, số lượng nhỏ lẻ luôn có sẵn.

Thông tin từ các hộ bán hàng, những năm trước nền kinh tế ít biến động, mọi người mua sắm thoải mái hơn, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập giảm sút, chi tiêu tiết kiệm.

Xu hướng người tiêu dùng Tết năm nay là mua các món đồ nhỏ có giá dao động từ 20.000 - 40.000 đồng, những món đồ to và đắt tiền rất hiếm người đặt mua. Ngoài ra, người tiêu dùng đang dần có xu hướng mua sắm đồ lễ giá cả bình dân, tránh lãng phí nhưng vẫn đảm bảo đủ các nghi lễ.

Cùng nỗi lo về lượng hàng tiêu thụ vào dịp cận Tết, bà Vũ Thị Khánh, một tiểu thương chuyên bán các mặt hàng vàng mã, đồ thờ cúng tại chợ Vĩnh Yên bộc bạch: “Đợt Rằm tháng 7 vừa qua, hầu như vàng mã không bán được, hoạt động buôn bán cũng bị tạm ngưng vì dịch Covid-19. Lượng hàng bán ra sụt giảm nghiêm trọng nên tôi không dám nhập thêm nhiều hàng.

Không chỉ vậy, vàng mã không thể để từ năm nay qua năm khác, hàng sẽ bị bạc màu, chuột bọ cắn phá. Chúng tôi rất lo lắng về thị trường đầu ra nếu qua Rằm tháng chạp (15/12 âm lịch) mà sức mua vẫn giảm như hiện tại”.

Gần đến Tết ông Công, ông Táo, dù bận rộn đến mấy gia đình nào cũng muốn chuẩn bị chu đáo, tươm tất với hy vọng kết thúc năm cũ suôn sẻ, đón năm mới bình an. Do đó, sức mua đồ vàng mã cho ngày này tăng từ 3-5 lần so với các dịp lễ khác trong năm. So với năm trước, giá các mặt hàng vàng mã năm nay lại tăng nhẹ (khoảng từ 2.000-5.000 đồng/bộ sản phẩm tùy kích cỡ).

Chị Nguyễn Thùy Trang, ở phường Liên Bảo cho biết: “Càng gần Tết, nhu cầu chi tiêu của gia đình tôi càng nhiều, kiếm được đồng tiền khó khăn, giá cả lại tăng nên năm nay gia đình tôi sắm đồ cúng ông Công ông Táo khá đơn giản với những đồ lễ quen thuộc như quần áo, tiền vàng.

Tôi nghĩ việc sắm lễ cao hay thấp không quá quan trọng, mà chủ yếu là việc thành tâm sắm lễ của mỗi gia đình, sắm lễ vừa phải, vừa đơn giản mà lại tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ”.

Bài, ảnh: Mỹ Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/72795/thi-truong-vang-ma-kem-soi-dong-dip-can-tet-nguyen-dan.html