Thiếu nhân lực du lịch nông thôn: Cơ hội 'vàng' cho các cơ sở đào tạo

Hiện, cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn hoạt động.

Du lịch nông Nghiêp, nông thôn “khát” nhân lực. Ảnh: ITN

Lĩnh vực này đang thiếu nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên sâu và chuyên nghiệp.

Thiếu nhân lực

Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện ngành du lịch cần khoảng 485 nghìn lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45 nghìn người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan.

Đến năm 2025, riêng nhu cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800 nghìn và năm 2030 là hơn 1 triệu người. Theo tính toán, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình mỗi năm cần bổ sung trên 60 nghìn lao động; trong đó du lịch nông nghiệp, nông thôn là mảnh đất “màu mỡ”.

Chú trọng phát triển du lịch nông thôn gắn với cộng đồng, tỉnh Hà Giang hiện có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó 16 làng được UBND tỉnh công nhận hoàn thành tiêu chí xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu. Ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trải qua nhiều giai đoạn, hiện sản phẩm du lịch cộng đồng được xây dựng theo mô hình “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

“Hà Giang có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn. Tuy nhiên, chúng tôi thiếu nguồn nhân lực đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Thực trạng này dẫn đến cách làm của một số mô hình còn manh mún, thiếu chiến lược hoạch định. Chúng tôi cần nhân lực có trình độ để phát triển mô hình du lịch này ở địa phương”, ông Trần Đức Quý bày tỏ, đồng thời cho biết, giải pháp trước mắt là đào tạo ngắn hạn cho người dân địa phương về cách làm du lịch, đồng thời liên hệ với một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có đào tạo lĩnh vực này để tuyển dụng sinh viên về địa phương làm việc.

Tại Sơn La, ông Nguyễn Hữu Đông - Bí thư Tỉnh ủy cho hay, lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào nhưng số được đào tạo có trình độ chuyên môn lại thiếu, nhất là lĩnh vực du lịch nông thôn. Nhân lực có trình độ cao ít và phân bố không đều giữa các địa phương trong tỉnh. Trước thực trạng này, tỉnh Sơn La có kế hoạch “đặt hàng” Học viện Nông nghiệp Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho địa phương, trong đó có nhân lực làm du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Học sinh tiểu học của Hà Nội tham gia trải nghiệm tại khu sinh thái ở xã Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: TG

Không nên “trăm hoa đua nở”

Trao đổi tại Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” được tổ chức cuối năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, những năm gần đây, nhiều địa phương quan tâm xây dựng, triển khai các chương trình bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao gắn với du lịch cộng đồng đang thành công không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương. Song bài toán về nhân lực cũng khiến nhiều địa phương gặp khó khăn khi muốn mở rộng quy mô phát triển theo định hướng xanh, bền vững.

Theo dự báo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch nhưng chỉ 42% được đào tạo về du lịch, 38% đào tạo từ ngành khác chuyển sang và khoảng 20% mới huấn luyện tại chỗ. Nhu cầu lao động được đào tạo trong lĩnh vực này sẽ tăng khá cao thời gian tới.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, thiếu nhân lực là “mảnh đất màu mỡ” để các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có đào tạo về du lịch, khách sạn khai thác tuyển sinh.

Nắm bắt thực tế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát triển đào tạo liên quan đến du lịch sinh thái, trải nghiệm, TS Nguyễn Tất Thắng – Trưởng khoa Du lịch và Ngoại ngữ cho hay. Năm 2024, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ được Học viện Nông nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng, hoàn thiện tòa nhà mới khang trang, hiện đại, khuôn viên rộng, thoáng mát, thuận tiện giao thông.

Học viện tiếp tục đầu tư nội ngoại thất, trang thiết bị làm việc, cảnh quan môi trường để tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho cán bộ viên chức, người học… Đây là cơ sở quan trọng để Khoa Du lịch và Ngoại ngữ phấn đấu trở thành đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác phát triển các dịch vụ có uy tín, chất lượng cao về các lĩnh vực giáo dục trải nghiệm, sư phạm công nghệ, ngoại ngữ, quản lý du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn và nhà hàng, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng…

“Mục tiêu của chúng tôi là, xây dựng khuôn viên Khoa Du lịch và Ngoại ngữ thành điểm đến hấp dẫn trong hệ sinh thái giáo dục trải nghiệm, du lịch nông nghiệp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong tương lai”, TS Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh.

Thống kê cho thấy, cả nước hiện có hơn 200 cơ sở tham gia đào tạo du lịch, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng cho người học về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Theo ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chương trình, giáo trình đào tạo ở các trường cơ bản được chuẩn hóa, dần khắc phục tình trạng “dạy chay, học chay”. Song, dường như giảng viên và cơ sở đào tạo đang vận dụng những gì có sẵn để phục vụ đào tạo, thiếu chương trình thống nhất mang tính chuyên nghiệp.

Không nên “trăm hoa đua nở” và mạnh ai nấy làm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh. Muốn không có kịch bản xấu về nhân lực trong tương lai, cần có dự báo tốt về số lượng và có hoạch định về công tác tuyển sinh đào tạo. Để phát huy thế mạnh từng địa phương, tăng cường công tác quản lý du lịch nông nghiệp, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát công tác quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực.

Theo TS Nguyễn Tất Thắng, sinh viên ngành du lịch của Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) được trang bị kỹ năng tổ chức các hoạt động du lịch trong thực tiễn; vận dụng các phương pháp, công nghệ để tiến hành nghiên cứu về quản lý và phát triển du lịch; trong đó có du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thieu-nhan-luc-du-lich-nong-thon-co-hoi-vang-cho-cac-co-so-dao-tao-post674970.html