Thời điểm đẹp nhất để mang thai

Tuổi sinh học càng tăng, số lượng trứng trong cơ thể người phụ nữ càng giảm.

Nhiều phụ nữ muốn tập trung lo sự nghiệp và ổn định kinh tế trước, sau đó mới tính chuyện lập gia đình và sinh con. Ảnh: Pexels.

Do cơ địa khó có con, người phụ nữ ở TP.HCM phải nhờ cậy đến thụ tinh ống nghiệm (IVF) để tìm con. May mắn mỉm cười khi có con đầu lòng vài năm trước, bà mẹ 32 tuổi tiếp tục tìm đến IVF để có em bé thứ 2.

Tuy nhiên, lần này, chị bàng hoàng khi kết quả xét nghiệm trữ lượng trứng quá thấp, gần như không có trứng để làm thụ tinh ống nghiệm.

"Nếu biết trước như này, em sẽ có con sớm hơn", người phụ nữ tiếc nuối.

Câu chuyện đáng buồn này là một trong rất nhiều trường hợp TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tiếp nhận điều trị thời gian qua.

Sau tuổi 30, buồng trứng bắt đầu suy giảm

Bác sĩ Trung phân tích theo thời gian, chức năng của buồng trứng suy giảm dần chứ không thể sinh thêm.

Từ nhỏ đến trước tuổi dậy thì, buồng trứng của người con gái không hoạt động. Buồng trứng không bị “tiêu xài” nên sẽ không vơi, không hụt. Nhưng đến tuổi dậy thì, do thay đổi sinh lý, buồng trứng bắt đầu hoạt động.

Hàng tháng, vào thời kỳ rụng trứng, một số lượng lớn trứng bị hao hụt để duy trì chức năng sinh sản. Đây là quá trình tự nhiên của chu kỳ buồng trứng của người phụ nữ.

Do đó, tuổi sinh học càng tăng, số lượng trứng trong cơ thể càng giảm. Theo nghiên cứu, trong khoảng 32-33 tuổi, số lượng trứng dự trữ trong buồng trứng bắt đầu giảm nhanh chóng.

Khoảng 42-43 tuổi, dù có kinh nguyệt đều đặn, phụ nữ đã bị hao hụt rất nhiều trứng trong cơ thể. Đến tuổi 48-50, trứng hầu như sẽ hoàn toàn hết. Lúc này, khả năng sinh sản của ở nữ cũng xuống thấp cực độ.

Trứng trữ đông trong môi trường -196 độ C. Ảnh minh họa: New York Times.

Theo ThS.BS Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, cho hay đến nay, người ta chưa tìm ra cơ chế làm tăng số lượng hay cải thiện chất lượng nang noãn.

Kích thích buồng trứng chỉ tối đa hóa hiệu quả sử dụng số nang noãn còn lại của buồng trứng, chứ không làm buồng trứng tốt lên. Chế độ ăn uống, thể dục có thể phần nào cải thiện được chất lượng nang noãn, nhưng không nhiều.

Cũng có một số trường hợp nữ giới có hiện tượng nang noãn thoái hóa nhanh bất thường, dẫn đến tình trạng buồng trứng suy giảm sớm.

Thời điểm tốt nhất để mang thai

Tiến sĩ Trung nhận định thực trạng giới trẻ ngại kết hôn, sinh con, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP.HCM, đã tồn tại trong khoảng một thập kỷ gần đây.

"Người trẻ dần trở nên ngại chuyện kết hôn mà muốn đầu tư cho công việc hơn. Cùng với sự phát triển của các phương pháp hỗ trợ sinh sản, như thụ tinh trong ống nghiệm, ngày càng nhiều sản phụ sinh con khi độ tuổi đã ngoài 35, thậm chí 40", tiến sĩ Trung nhận xét.

Việc các phương pháp hỗ trợ sinh sản ngày một tiến bộ và phát triển là một thành tựu đáng ghi nhận của y khoa đối với xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến độ tuổi sinh sản của nhiều phụ nữ Việt bị già hóa.

"Nhiều chị em muốn ổn định trước về kinh tế, sự nghiệp mới tính chuyện lập gia đình, có con. Nhưng càng lớn tuổi, phụ nữ càng giảm khả năng có con. Từ đó, xu hướng trữ trứng để làm thụ tinh ống nghiệm cũng ngày một phổ biến", tiến sĩ Trung phân tích.

Theo chuyên gia, độ tuổi sinh học đẹp nhất và phù hợp nhất để mang thai và sinh con là từ 24 đến 30. Đây là khoảng thời gian vàng mà người phụ nữ có thể đáp ứng được nhiều yếu tố, từ sức khỏe thai sản, chăm sóc và nuôi dạy con cái.

Phụ nữ trong độ tuổi này cũng đã có đủ nhận thức để thực hiện tốt công việc theo dõi thai kỳ, chăm sóc em bé khi sinh ra và nuôi dạy chúng. Ngoài ra, một lý do khác để phụ nữ nên sinh con trước tuổi 30 là điều kiện kinh tế đã có thể cho phép họ chăm sóc và nuôi nấng một đứa trẻ.

Đồng quan điểm, bác sĩ Tường cũng cho rằng thời điểm có thai phù hợp nhất của phụ nữ là 20-30 tuổi. Thời điểm này có tỷ lệ thụ thai cao, nguy cơ sẩy thai, thai lưu thấp hơn.

Sau 35 tuổi, đa số phụ nữ khó có thai và khi có thai hay gặp trục trặc. Các biến chứng, tai biến sản khoa tăng rõ nếu mang thai sau 35 tuổi.

Sau 40 tuổi, khả năng mang thai càng khó hơn. Đồng thời, các bất thường, dị tật ở thai cũng tăng, sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ có nhiều bất thường hơn. Sau 45 tuổi, hiếm phụ nữ có thai và giữ được thai. Khoảng gần 50 tuổi, phụ nữ bắt đầu mãn kinh.

Chuyên gia cũng cho biết thêm kích thích buồng trứng hay thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) chỉ là cách tăng hiệu quả sử dụng số nang noãn còn lại trong buồng trứng để có thai, không làm buồng trứng tốt lên.

Chuyên gia khuyên nếu có kế hoạch sinh con, phụ nữ nên tính đến chuyện này trước tuổi 35 và nếu phát hiện buồng trứng có vấn đề, nên sắp xếp để có con sớm hơn.

Linh Thùy - Bích Huệ

Nguồn Znews: https://znews.vn/thoi-diem-dep-nhat-de-mang-thai-post1448987.html